Theo dõi Báo Hànộimới trên

Yêu cầu không tăng giá thép và sữa

T.Hương| 31/12/2010 16:22

(HNMO) - Bộ Tài chính vừa có văn bản “bác” đề nghị của Tổng Công ty Thép Việt Nam và Công ty Thép Vinakyoei về tăng giá mặt hàng thép; đồng thời  yêu cầu doanh nghiệp kinh doanh sữa không tăng giá khi các yếu tố hình thành giá không thay đổi.

Theo văn bản số 249 /CQLG-TLSX Cục Quản lý giá-Bộ Tài chính ngày 31/12 gửi Tổng Công ty Thép Việt Nam và Công ty Thép Vinakyoei, ngày 24/12/2010 và ngày 29/12/2010 Cục Quản lý Giá-Bộ Tài chính nhận được các công văn đăng ký giá của hai doanh nghiệp trên, sau khi xem xét, Cục có ý kiến: Trong công văn đăng ký giá bán thép kèm theo phương án giá của các công ty sản xuất thép nêu chi phí nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu trực tiếp; chi phí nhân công tăng nên phải điều chỉnh tăng giá.

Tuy nhiên, qua theo dõi tình hình, Cục Quản lý Giá xác định: để bù đắp các chi phí đầu vào tăng, trong tháng 11/2010 các đơn vị đã 2 lần điều chỉnh tăng giá. Mặt khác, hiện nay giá cả của các yếu tố chi phí đầu vào để sản xuất thép cơ bản vẫn giữ ổn định (giá phôi thép trên thị trường thế giới trong tháng 12/2010 không tăng so với tháng 11/2010, giá xăng dầu ổn định từ tháng 8/2010 đến nay, giá điện ổn định đến hết 2010, tiền lương không tăng). Trong khi đó tại công văn của Tổng Công ty Thép Việt Nam đăng ký tiếp tục tăng giá bán với các yếu tố chi phí tăng giá quá cao, không hợp lý như: chi phí nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu trực tiếp tăng 4,03%, chi phí bán hàng tăng 291,67% so với kỳ trước; còn phương án giá của Công ty Thép Vinakyoei đăng ký giá tăng chủ yếu do tăng chi phi bán hàng, chi phí quản lý doanh nghiệp (mức tăng 84.000đ/tấn so với kỳ trước).

Bộ Tài chính "bác" phương án tăng giá thép. Ảnh minh họa


Vì vậy, Cục Quản lý Giá -Bộ Tài chính đề nghị Tổng Công ty Thép Việt Nam, Công ty Thép Vinakyoei phấn đấu tiết kiệm chi phí, giữ ổn định giá thép, không tăng giá thép như mức đã đăng ký.

Cũng trong ngày 31/12, Bộ Tài chính có văn bản số 18038 và 18039 /BTC-QLG gửi Sở Tài chính các tỉnh, thành phố Trung ương và các công ty sữa đăng ký giá tại Bộ về việc bình ổn giá sữa.

Tại văn bản trên, Bộ Tài chính yêu cầu các công ty sữa đăng ký giá tại Bộ không điều chỉnh tăng giá khi các yếu tố hình thành giá không thay đổi. Bộ cũng đề nghị Sở Tài chính chủ trì phối hợp với các cơ quan liên quan rà soát các yếu tố hình thành giá khi các doanh nghiệp kinh doanh sữa thuộc danh sách đăng ký giá tại địa phương, kiên quyết yêu cầu doanh nghiệp không tăng giá khi các yếu tố hình thành giá không thay đổi; tăng cường kiểm tra, giám sát việc niêm yết giá và bán hàng giá niêm yết đối với các đại lý, cửa hàng bán lẻ sữa bột dành cho trẻ em dưới 6 tuổi.

Sở dĩ Bộ phải đưa ra yêu cầu trên bởi trong thời gian gần đây trên các thông tin đại chúng có thông tin về việc một số doanh nghiệp kinh doanh sữa sẽ điều chỉnh tăng giá sữa bắt đầu từ ngày 1/1/2011. Tuy nhiên, theo thông tin của một số cơ quan chức năng thì trong thời gian gần đây các yếu tố đầu vào cơ bản sản xuất sữa không tăng như giá sữa nguyên liệu nhập khẩu có xu hướng giảm và giá sữa bột thành phẩm nhập khẩu không tăng, mặt khác Ngân hàng Nhà nước không điều chỉnh tỷ giá giữa đồng Việt Nam với đồng USD, do vậy việc các doanh nghiệp kinh doanh sữa điều chỉnh tăng giá sữa là chưa có cơ sở.

Trước đó, ngày 30/11/2010, tại Chỉ thị số 2164/CT-TTg, Thủ tướng yêu cầu Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành, Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh và các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh: giữ ổn định giá bán điện, giá bán than cho các hộ sản xuất điện, xi măng, phân bón, giấy; áp dụng các biện pháp tài chính, tiền tệ, thuế để giữ bình ổn giá xăng dầu; giãn thời gian điều chỉnh các hàng hoá, dịch vụ Nhà nước định giá; kiểm soát các yếu tố hình thành giá, kiên quyết ngừng việc đăng ký tăng giá các hàng hoá, dịch vụ thuộc diện đăng ký giá có mức tăng giá không hợp lý.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Yêu cầu không tăng giá thép và sữa

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.