Đêm 26-6, tại đường Bình Than, tỉnh Bắc Ninh đã xảy ra một vụ tai nạn giao thông liên hoàn nghiêm trọng do người điều khiển ô tô có “quá chén” với mức nồng độ cồn đo được là 0,435mg/lít khí thở.
Đáng chú ý, người gây ra vụ tai nạn trong tình trạng thiếu tỉnh táo nói trên lại là một sĩ quan công an mang hàm Trung tá, hiện giữ chức Đội trưởng thuộc Phòng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ Công an tỉnh Bắc Ninh. Ngay lập tức anh này đã bị đình chỉ công tác và sau đó là cách chức Đội trưởng. Đó mới chỉ là hình thức xử lý ban đầu và chắc hẳn những mất mát sẽ chưa dừng lại ở đó. Phải nói rằng hành vi vi phạm pháp luật này không những đánh mất hình ảnh của bản thân, mà còn phần nào ảnh hưởng, tác động tới người thân và đơn vị công tác. Rõ ràng việc một cán bộ có chức vụ, có bề dày công tác, thâm niên cống hiến bị trượt ngã, phải trả giá bằng cả sự nghiệp chỉ vì một cuộc nhậu đã để lại một bài học
đau xót!
Nhằm hạn chế và ngăn chặn tình trạng lạm dụng rượu, bia khi điều khiển phương tiện giao thông, nhiều quy định pháp luật đã được ban hành và áp dụng. Đặc biệt, Nghị định 100/2019/NĐ-CP về xử phạt vi phạm trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt, với mức phạt rất cao đối với hành vi lái xe khi có nồng độ cồn trong cơ thể, đồng thời quá trình triển khai, thực thi "không có vùng cấm" đã tạo ra bước ngoặt quan trọng trong việc nâng cao ý thức của người tham gia giao thông.
Tuy nhiên, thực tế thì "văn hóa ăn nhậu” đã và vẫn đang gây ra những hệ lụy tiêu cực cho xã hội. Dẫu biết, các cuộc liên hoan, tiệc tùng, ăn nhậu đều ít nhiều mang lại mục đích, ý nghĩa tích cực cho người tham gia, như tăng cường giao lưu, kết nối quan hệ làm ăn, gắn kết tinh thần trong gia đình, bạn bè..., nhưng việc quá dễ dàng tiếp cận và sử dụng bia, rượu trong cuộc sống hằng ngày là chuyện đáng bàn. Không khó bắt gặp hình ảnh những hàng quán tấp nập, ồn ào với những tiếng hô “1, 2, 3 dzô” ngay sát vỉa hè.
Người ta có đủ thứ lý do để kéo nhau ra quán nhậu: Vì vui, vì buồn, vì được khen thưởng, đỗ đạt, thăng chức, lâu không gặp nhau... Đó còn là thói quen ép bia, ép rượu, không uống là "thiếu tôn trọng", là "không nể mặt nhau” như một hủ tục.
Nhiều người nước ngoài khi đến Việt Nam cũng bất ngờ với “văn hóa ăn nhậu” cởi mở, sôi động, có phần thân thiện này. Nhưng không ít người, nhất là người có tửu lượng kém lại cảm thấy sợ. “Rượu nhạt uống lắm cũng say”, nhiều cuộc nhậu đang từ vui chuyển thành buồn, thậm chí “xa nhau mãi mãi” do bị ma men dẫn lối dẫn đến ẩu đả, xung đột. Khi sự đã rồi thì mọi hối hận đều trở thành vô nghĩa.
Để sử dụng rượu, bia một cách có kiểm soát, có văn hóa thì nhận thức và ý thức tự giác của mỗi cá nhân là rất quan trọng, bởi cái miệng là của mình, nên uống hay không uống, uống nhiều hay uống ít là do mình. Tuy nhiên, một vấn đề cũng không kém phần quan trọng, và có ý nghĩa ngăn chặn từ sớm, từ xa, đó chính là thực hiện nghiêm các quy định liên quan tới việc mua bán, sử dụng rượu, bia. Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia có hiệu lực từ 1-1-2020 đã nghiêm cấm xúi giục, kích động, lôi kéo, ép buộc người khác uống rượu, bia; nghiêm cấm người chưa đủ 18 tuổi uống rượu, bia; nghiêm cấm bán, cung cấp, khuyến mại rượu, bia cho người chưa đủ 18 tuổi...
Vì vậy, để chấn chỉnh "văn hóa ăn nhậu", xa hơn là ngăn chặn nguy cơ tai nạn giao thông, người đứng đầu các cơ quan, đơn vị cần tổ chức thực hiện nghiêm quy định không uống rượu, bia trong thời gian làm việc, nghiêm cấm uống rượu, bia tại nơi làm việc của cơ quan, đơn vị, đồng thời khuyến cáo cán bộ, nhân viên trong cơ quan, đơn vị không sử dụng rượu, bia khi tham gia giao thông, không kích động, lôi kéo người khác sử dụng rượu, bia...
Ở mỗi gia đình, phụ huynh phải làm gương trong việc sử dụng rượu, bia, đặc biệt là tuyệt đối không sử dụng rượu, bia khi tham gia giao thông; giáo dục, giám sát, nhắc nhở thành viên chưa đủ 18 tuổi không uống rượu, bia, đồng thời động viên, giúp đỡ người nghiện rượu, bia trong gia đình cai nghiện rượu, bia.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.