Theo dõi Báo Hànộimới trên

Ý nghĩa đằng sau việc WHO tuyên bố Covid-19 là “đại dịch toàn cầu”

Theo Kiều Anh/VOV.VN| 12/03/2020 15:30

Vì sao Tổ chức Y tế thế giới (WHO) quyết định tuyên bố Covid-19 là “đại dịch toàn cầu” và đại dịch Covid-19 có gì giống và khác so với những đại dịch từng xuất hiện?

Khi nào thì một dịch bệnh trở thành “đại dịch toàn cầu”?

Trong cuộc họp báo ngày 11-3 tại Geneva, Thụy Sĩ, Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus đã tuyên bố dịch Covid-19 là "đại dịch toàn cầu đầu tiên do vi rút corona chủng mới gây nên".

Trên thực tế, việc tuyên bố về mức độ của một dịch bệnh thực sự có thể ảnh hưởng đến cách mọi người nhìn nhận và hành động đối với dịch bệnh đó. Tuy nhiên, cần phải hiểu rõ việc xác định dịch Covid-19 là một "đại dịch toàn cầu" có ý nghĩa như thế nào? 

Cách gọi này không chỉ liên quan đến mức độ nghiêm trọng của các trường hợp tử vong vì dịch bệnh. Một dịch bệnh trở thành đại dịch toàn cầu không có nghĩa là dịch bệnh đó khiến nhiều người tử vong hơn các dịch bệnh khác. Tỷ lệ tử vong vì dịch Covid-19 vẫn cao hơn đáng kể so với cúm mùa nhưng chưa cao bằng SARS. Việc tuyên bố đại dịch cũng không phải do sự thay đổi đáng kể về đặc tính của bản thân vi rút hay nguyên nhân gây ra dịch bệnh.

Thay vào đó, tên gọi "đại dịch" liên quan đến việc một dịch bệnh lây lan như thế nào nhiều hơn. Website của WHO đã xác định "đại dịch toàn cầu" là "sự lây lan trên toàn thế giới của một dịch bệnh mới".

Việc tuyên bố đại dịch là một bước cuối cùng khi đánh giá sự lan rộng của một dịch bệnh truyền nhiễm từ cấp độ địa phương lan ra toàn cầu. Thực tế là dịch Covid-19 từ cuối tháng 12 cho tới nay đã diễn ra đúng như vậy.

Một đợt bùng phát của một căn bệnh đã xảy ra cuối tháng 12-2019 ở thành phố Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc khi các nhà chức trách thông báo về một nhóm những người mắc phải bệnh viêm phổi lạ. Đợt bùng phát này sớm trở thành dịch bệnh khi số người nhiễm bệnh tiếp tục gia tăng và lan ra nhiều khu vực khác của Trung Quốc.

Bệnh dịch là sự bùng phát của một căn bệnh vượt ra ngoài một giới hạn địa lý nhất định và tiếp tục trong một khoảng thời gian. Tất cả bệnh dịch đều là sự bùng phát của các căn bệnh nhưng không phải mọi sự bùng phát đều trở thành bệnh dịch.

Vậy thì một dịch bệnh lan rộng đến đâu thì sẽ được coi là một đại dịch toàn cầu? Vượt ra phạm vi 1 quốc gia? Hay nhiều quốc gia? Dịch SARS năm 2002 - 2003 vẫn chưa được gọi là một đại dịch, thậm chí còn không có cả sự đóng cửa giữa các quốc gia. Điều tương tự cũng diễn ra với sự bùng phát dịch Ebola năm 2014 - 2016 ở Tây Phi và sự bùng phát dịch Zika năm 2016, thậm chí, tất cả các dịch bệnh này đều có ảnh hưởng tới không chỉ 1 quốc gia.

Tuy nhiên, cả 3 sự bùng phát dịch bệnh trên đều chưa đáp ứng tiêu chí để trở thành một đại dịch như định nghĩa mà tiến sĩ Heath Kelly đưa ra trong 1 bài báo của WHO rằng đó là "một bệnh dịch xảy ra trên toàn thế giới, hoặc một khu vực rất rộng, vượt qua biên giới các quốc gia và thường ảnh hưởng đến một số lượng lớn người".

Bài báo của Kelly cũng khẳng định: "Một đại dịch thực sự xảy ra khi gần như sự truyền nhiễm đồng thời xảy ra trên toàn thế giới".

Như vậy, mấu chốt nằm ở đặc điểm "gần như đồng thời truyền nhiễm". Điều đó tức là dịch bệnh, trong trường hợp này là một loại vi rút đang chủ động truyền nhiễm ở nhiều khu vực khác nhau trên thế giới. Cần phải lưu ý rằng việc xuất hiện trên khắp thế giới không có nghĩa là sự truyền nhiễm xảy ra trên khắp thế giới.

Có một sự khác biệt lớn giữa việc phải tới một hoặc một vài địa điểm cụ thể thì mới nhiễm vi rút với việc có nhiều nơi khác nhau trên khắp thế giới mà bạn có thể bị mắc bệnh. Sự khác biệt này có ý nghĩa quan trọng bởi khi sự truyền nhiễm xảy ra ở nhiều nơi trên thế giới, dịch bệnh sẽ khó kiểm soát hơn nhiều. Bạn sẽ không còn có thể kiểm soát hay hạn chế dịch bệnh chỉ ở một hay một vài địa điểm nữa.

Khi sự lây nhiễm xảy ra đồng thời trên khắp thế giới, mục tiêu sẽ thay đổi từ sự ngăn chặn sang việc làm dịu tình hình. Làm dịu tình hình tức là nỗ lực làm giảm tác động của dịch bệnh và chấp nhận thực tế rằng việc không bị ảnh hưởng gì là điều bất khả thi.

Đại dịch Covid-19 và những đại dịch từng xuất hiện trong lịch sử

Ngoài ra, cũng theo định nghĩa của WHO, ngoài việc lây lan trên toàn cầu thì để 1 dịch bệnh thành một đại dịch toàn cầu thì đó phải là một dịch bệnh mới. Chẳng hạn như cúm mùa, mặc dù mỗi năm chủng vi rút gây nên dịch bệnh này lan rộng khắp thế giới, ảnh hưởng và truyền nhiễm đồng thời ở nhiều quốc gia khác nhau nhưng nó không phải là đại dịch bởi vi rút gây nên cúm mùa không phải là một loại vi rút mới.

Tuy nhiên, chủng mới của một loại vi rút đã biết lại là chuyện khác. Có thể kể tới chủng vi rút cúm mới từng khiến WHO tuyên bố đại dịch cúm H1N1 vào năm 2009. Chủng vi rút cúm mới này rất khác so với dòng vi rút cúm mùa thông thường. Khi cơ thể của bạn chưa từng tiếp xúc với một loại vi rút nào đó, hệ miễn dịch của cơ thể hầu như có rất ít chỉ dẫn cụ thể để đối phó với loại vi rút này.

Hơn nữa, cùng không có vắc xin nào để bảo vệ cơ thể khỏi căn bệnh mới bởi để phát triển được một loại vắc xin sẽ cần nhiều thời gian, tiền bạc và các nghiên cứu. Do đó, những căn bệnh mới thường gây nguy hiểm hơn và có nguy cơ tử vong nhiều hơn.

Đó cũng là lý do đặc điểm "mới" lại quan trọng trong định nghĩa về một đại dịch. Điều này cũng giúp giải thích vì sao vi rút cúm mới từng gây nên những đại dịch vô cùng thảm khốc, chẳng hạn như đại dịch cúm Tây Ban Nha năm 1918 từng ảnh hưởng đến 1/3 dân số thế giới và khiến 20 - 50 triệu người tử vong.

Những vi rút cúm mới và chủng mới của vi rút corona không phải là những nguyên nhân duy nhất khiến dịch bệnh trở thành đại dịch. Lịch sử từng ghi nhận đại dịch tả lần thứ 6 năm 1910 - 1911 khiến hơn 800.000 người tử vong.

Tên gọi đại dịch tả lần thứ sáu đã cho thấy đó không phải là lần đầu tiên đại dịch này từng xảy ra. Đại dịch Cái chết Đen cũng đã kéo dài từ năm 1346 - 1353. Trong trường hợp này, bệnh dịch hạch thể hạch (Bubonic Plague) đã khiến 70 - 200 triệu người tử vong.

Không phải tất cả đại dịch đều lây lan nhanh như cúm hay dịch Covid-19. Đại dịch HIV/AIDS bắt đầu vào khoảng năm 1980 và chưa đạt đỉnh cho tới tận sau năm 2000. Cho tới nay, đại dịch này đã khiến hơn 36 triệu người tử vong. Vì thế, đại dịch không có nghĩa là nó diễn ra trong 1 hay 2 năm.

Thế giới đứng chung một chiến tuyến

Mặc dù việc tuyên bố đại dịch ngày 11-3 đã thay đổi cách mọi người và các quốc gia nhìn nhận về dịch Covid-19 nhưng điều đó hoàn toàn không thay đổi những việc chúng ta cần làm.

Trong khi chờ đợi vắc xin được phát triển, những biện pháp tốt nhất để ngăn ngừa dịch bệnh là giữ vệ sinh tay và khử trùng mọi bề mặt có nguy cơ lây nhiễm, cũng như đứng cách xa nhau khi giao tiếp xã hội hay tránh để tay chạm vào các bộ phận trên mặt như mắt, mũi, miệng.

Tuy nhiên, việc gọi một dịch bệnh là một đại dịch còn là thông điệp gửi tới mọi người trên thế giới một điều rằng: Tất cả chúng ta đứng cùng một chiến tuyến trong cuộc chiến này. Điều đó tức là đại dịch Covid-19 không phải là vấn đề của một vài quốc gia hay một số người.

Đại dịch này đã là một vấn đề toàn cầu và hơn bao giờ hết, bây giờ chính là thời điểm để các quốc gia làm việc cũng như hợp tác cùng nhau để đối phó với vấn đề chung này.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Ý nghĩa đằng sau việc WHO tuyên bố Covid-19 là “đại dịch toàn cầu”

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.