(HNM) - Theo Khoản 2, Điều 2, Luật Thủ đô, Hà Nội là trung tâm chính trị - hành chính quốc gia, là trung tâm lớn về văn hóa, giáo dục, khoa học và công nghệ, kinh tế và giao dịch quốc tế của cả nước.
Đoàn viên thanh niên Thủ đô bóc, xóa quảng cáo trái phép. |
Phó Bí thư Thường trực Thành đoàn Hà Nội Nguyễn Khánh Bình: Định hình nhân cách, lối sống có văn hóa cho lớp trẻ
Thời gian qua, Thành đoàn Hà Nội đã nâng cao vai trò giáo dục, chất lượng học tập, rèn luyện, tu dưỡng đạo đức, văn hóa, thể chất, tinh thần thanh thiếu niên bằng các giải pháp có tính đột phá như: Cụ thể hóa những chủ trương công tác phù hợp với điều kiện thực tế của từng địa phương, đơn vị; chủ động đề xuất cấp ủy tăng cường lãnh đạo công tác thanh niên; nỗ lực củng cố hệ thống đoàn cơ sở, tạo động lực thúc đẩy phong trào thanh, thiếu nhi phát triển mạnh mẽ.
Trong đó, 9 chương trình hành động cụ thể và công tác giáo dục lý tưởng, đạo đức cách mạng, lối sống văn hóa, ý thức cho thanh niên được đặt lên hàng đầu, theo hướng kiên định phương châm giáo dục qua thực tiễn hành động và nêu gương. Vận dụng các chính sách của thành phố tạo môi trường cho thanh niên học tập nâng cao trình độ, chuyên môn nghiệp vụ bằng nhiều mô hình mới trong và ngoài trường học, góp phần thực hiện hiệu quả chủ trương của Đảng, xây dựng xã hội học tập.
10 năm qua, hơn 3.200 đề tài sáng kiến của thanh niên được ứng dụng vào thực tiễn; hàng trăm mô hình chuyển giao công nghệ, cùng hàng chục ý tưởng sáng tạo khởi nghiệp từ 23 câu lạc bộ và có hơn 20.000 lượt đoàn viên khởi sự doanh nghiệp; hơn 272 nghìn lao động trẻ có việc làm. Đồng thời, tạo điều kiện cho thanh niên nâng cao đời sống văn hóa tinh thần toàn diện, 100% điểm sinh hoạt cộng đồng, nhà văn hóa có hoạt động biểu diễn nghệ thuật thường xuyên của Đoàn thanh niên...
Ông Nguyễn Tùng Lâm, Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin huyện Phú Xuyên: Chất lượng cuộc sống nhân dân được nâng cao
Trước khi sáp nhập về Thủ đô, người dân huyện Phú Xuyên chủ yếu sống bằng sản xuất nông nghiệp, thu nhập bình quân đầu người thấp, chỉ đạt 7,4 triệu đồng/người/năm; hệ thống hạ tầng cơ sở, văn hóa xã hội hạn chế, đời sống nhân dân gặp nhiều khó khăn. Sau khi Nghị quyết 15/NQ-QH12 đi vào cuộc sống, tranh thủ sự chỉ đạo của thành phố, huyện Phú Xuyên phát huy truyền thống đoàn kết, tập trung trí tuệ, lựa chọn những việc có trọng tâm, trọng điểm, xác định rõ khâu đột phá, những nhiệm vụ chủ yếu, tạo sự đồng thuận cho cán bộ, nhân dân, đưa các mục tiêu trở thành hiện thực.
Kết quả, trường lớp được chỉnh trang, chất lượng đội ngũ giáo viên được nâng cao; tỷ lệ học sinh đỗ đại học, cao đẳng tăng cao; thu nhập bình quân đầu người năm 2017 đạt 33 triệu đồng/năm (gấp 3,8 lần so với năm 2008); 83% số thôn toàn huyện có nhà văn hóa; tỷ lệ hộ nghèo năm 2017 giảm còn 3,06% (giảm 4,98% so với 10 năm trước). Huyện đã huy động mọi nguồn lực cùng với đầu tư của thành phố, xây dựng hoàn thiện và tăng cường hiệu quả hoạt động hệ thống thiết chế văn hóa từ huyện đến cơ sở, đặc biệt khu vui chơi, giải trí ở thôn, cụm dân cư...
Chị Phạm Thu Hằng, Công ty CP Chu Phú Gia (quận Tây Hồ): Khẳng định vị thế "đầu tàu"
Trong những năm qua, nền kinh tế Hà Nội phát triển theo hướng chủ động hội nhập, tích cực tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, nhà đầu tư, thu hút các nguồn lực để phát triển bền vững, khẳng định vị thế "đầu tàu" kinh tế của cả nước với tổng mức đầu tư toàn xã hội trên địa bàn thành phố gần 10 năm qua đạt hơn 2 triệu tỷ đồng; riêng năm 2017, vốn đầu tư xã hội đạt hơn 308 nghìn tỷ đồng, gấp 2,85 lần so với năm 2008.
Bức tranh thu hút đầu tư của Hà Nội diễn tiến theo hướng đa dạng và dồi dào hơn, với sự tham gia của khu vực tư nhân cũng như đầu tư nước ngoài với 115 dự án đầu tư theo hình thức đối tác công - tư (PPP). Kết quả này tác động trực tiếp đến đời sống các tầng lớp nhân dân; hạ tầng cơ sở được quan tâm chỉnh trang, tạo thuận lợi cho giao thương phát triển; chợ "cóc" được giải tỏa, vệ sinh môi trường được quan tâm..., góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống nhân dân.
Ông Phạm Thanh Dũng, cán bộ hưu trí phường Chương Dương (quận Hoàn Kiếm): Tự hào là công dân Thủ đô
Theo dõi báo chí đưa tin những ngày gần đây về thành tựu của Thủ đô sau 10 năm điều chỉnh địa giới hành chính tôi rất mừng. Những con số biết nói như mức tăng trưởng kinh tế trung bình của Thủ đô đạt 7,41%/năm, trong đó GDP tính theo đầu người tăng 2,3 lần, thu ngân sách trên địa bàn tăng 2,93 lần... đã chứng minh những đóng góp quan trọng vào sự nghiệp phát triển kinh tế đất nước. Điều này càng rõ hơn khi Hà Nội chỉ chiếm 1% về diện tích, 8,2% về dân số nhưng đóng góp tới gần 16,5% GDP và hơn 19% về thu ngân sách của cả nước.
Bên cạnh đó, những vấn đề dân sinh cũng được thành phố quan tâm thực hiện như xóa "vùng trắng" xe buýt có trợ giá; việc đầu tư hệ thống nước sạch về các vùng nông thôn... Để rồi đến nay, tỷ lệ dân số đô thị toàn thành phố được cấp nước là 94,8%; xóa nhiều điểm "nóng" thiếu nước sạch cho khu vực nội đô. Những việc làm này đã mang lại lợi ích thiết thực, giúp đời sống người dân thực sự được nâng cao.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.