(HNM) - Theo báo cáo tại Hội nghị sơ kết công tác 6 tháng đầu năm nay của ngành công thương diễn ra ngày 4-7, tại Hà Nội, kim ngạch XK 6 tháng đầu năm nay đạt 42,3 tỷ USD, tăng 30,3% so với cùng kỳ năm ngoái và đạt 53% kế hoạch cả năm.
Đây là kết quả nổi bật trong bối cảnh đầy khó khăn của nền kinh tế, khi DN phải đối phó với lãi suất vay cao, tỷ giá "đỏng đảnh", giá nguyên, nhiên liệu đầu vào tăng liên tục…
Các chuyên gia nhận xét, hoạt động XK tăng trưởng có "chất" vì thể hiện trên cả hai yếu tố là tăng cả về lượng và giá khiến hàng của ta đứng vững trên thị trường thế giới. Những nhóm hàng chủ lực vẫn giữ được nhịp độ tăng trưởng cao, gồm nông, thủy sản; nhiên liệu và khoáng sản; hàng công nghiệp chế biến... Đã có 11 mặt hàng đạt kim ngạch XK hơn 1 tỷ USD như gạo, cà phê, dệt may… (cùng kỳ năm ngoái có 9 mặt hàng). Đáng lưu ý, mặc dù mới qua nửa năm nhưng kim ngạch XK đã đạt được những con số đáng khích lệ, trong khi thông thường tốc độ XK luôn tăng cao vào những tháng cuối năm với sự nỗ lực để cán đích của DN. Điều này cho thấy thời gian tới vẫn còn rất nhiều "đất" cho khả năng tăng tốc XK, nâng cao tổng kim ngạch XK cả năm. Nếu tính toán thuần túy, bình quân các DN đạt giá trị XK hơn 7 tỷ USD/tháng, cao hơn hẳn so với mục tiêu kế hoạch là 6,62 tỷ USD/tháng. Điều đó giải thích vì sao Bộ Công thương nhận định, tổng kim ngạch XK cả năm 2011 sẽ đạt 84,5-85,5 tỷ USD (kế hoạch là 79,4 tỷ USD) đồng thời là kỷ lục mới trong những năm gần đây. Tỷ lệ nhập siêu cũng sẽ được kìm giữ ở mức khoảng 16% tổng kim ngạch XK, bằng chỉ tiêu đề ra.
Hiệp hội Dệt may cho biết, hàng dệt may đạt kim ngạch XK hơn 6 tỷ USD, trong đó xuất siêu khoảng 2 tỷ USD do các DN ký hợp đồng mua nguyên liệu từ cuối năm ngoái - khi giá còn thấp trên thị trường thế giới. Hiện hàng dệt may Việt Nam đứng thứ 2 hoặc 3 về thị phần tại nhiều địa bàn có sức mua lớn và các DN đang chuẩn bị tăng tốc hoàn thành các dự án cung cấp nguyên, phụ liệu nhằm nâng cao tỷ lệ nội địa hóa sản phẩm, tức là tăng thực lãi tính trên mỗi sản phẩm XK. Đó là tiền đề cho việc thực hiện chiến lược dài hơi của ngành này.
Chính phủ nhận định, 6 tháng cuối năm tình hình XK vẫn còn khó khăn, các DN phải cố gắng hơn, nhất là triệt để khai thác, tận dụng cơ hội, tăng cường tìm, áp dụng nhiều biện pháp để tăng tốc XK. Tất cả nhằm mục tiêu vượt kế hoạch càng "xa" càng tốt, nhằm đóng góp tích cực vào tăng trưởng GDP, cải thiện cán cân thanh toán.
Theo Thứ trưởng Bộ Công thương Lê Danh Vĩnh, Bộ đang tập trung theo sát tình hình và chỉ đạo các DN phát huy tối đa năng lực, thời cơ XK, nhất là xoáy sâu vào bất kỳ thị trường nào có thể dẫn hướng cho DN xuất khẩu vào. Đáng mừng là, gần đây thị trường châu Phi - tuy quy mô còn nhỏ, nhưng lại có tốc độ tăng trưởng tới hơn 70% so với cùng kỳ. Bộ khuyến khích DN tập trung xúc tiến thương mại, thâm nhập mạnh cũng như tìm cách duy trì sự hiện diện của hàng hóa Việt tại thị trường này. Đại diện Hiệp hội Lương thực Việt Nam cũng xác nhận, DN ta đang mở rộng xuất gạo sang một số nước ở châu Phi và thực tế cho thấy thị trường này mong muốn tiếp tục "ăn" gạo Việt Nam trong thời gian tới. Bộ Công thương yêu cầu DN bám sát thị trường đang khai thác, tăng cường thâm nhập thị trường mới để quảng bá và từng bước tăng quy mô XK, nỗ lực biến thị trường mới thành thị trường truyền thống của ta. Bộ sẽ tăng cường tuyên truyền, cung cấp thông tin về tình trạng pháp lý và tài chính của đối tác nhập khẩu hàng Việt Nam cho DN, lưu ý thỏa đáng việc tháo gỡ rào cản kỹ thuật, tiêu chuẩn vệ sinh thực phẩm và kiểm dịch của các nước cũng như phòng tránh kiện chống bán phá giá từ phía DN nước ngoài. Thời gian tới, Bộ tổ chức một số chuyến công tác khảo sát thị trường và tiến tới thành lập văn phòng xúc tiến thương mại ở các địa phương Trung Quốc để hỗ trợ XK.
Một số DN đã nêu những giải pháp thiết thực, xuất phát từ thực tiễn sản xuất, XK mang tính đặc thù của mình. Ông Phạm Chí Cường, Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam cho biết, các DN sản xuất thép đạt kim ngạch XK gần 900 triệu USD trong 6 tháng qua và dự kiến đạt tổng kim ngạch hơn 2 tỷ USD trong năm nay. Tuy nhiên, do thép là mặt hàng mới tham gia XK từ năm ngoái nên còn "trẻ" cũng như thiếu điều kiện cạnh tranh, nên càng cần đến sự hỗ trợ của Nhà nước bằng cơ chế hợp lý. Ông Cường nhấn mạnh, việc tiêu thụ thép ở thị trường trong nước ngày càng khó khăn bởi sức tiêu thụ giảm do nhiều dự án, công trình đang bị đình hoãn theo chủ trương cắt giảm đầu tư của Chính phủ. Các DN thép đương nhiên phải chia sẻ thực tế này và phải đẩy mạnh XK, coi đó như một trong nhiều giải pháp để "thoát hiểm"...
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.