(HNMO) - Tổng Thanh tra Chính phủ Lê Minh Khái nhận định, các đại biểu Quốc hội rất quan tâm đến vấn đề xử lý tài sản kê khai không trung thực hoặc kê khai nhưng không giải trình rõ nguồn gốc...
Cân nhắc thận trọng vì liên quan đến quyền sở hữu tài sản
Tại dự thảo Luật trình vào kỳ họp thứ tư (tháng 10-2017) không có điều khoản này. Trên cơ sở tiếp thu ý kiến đóng góp của các đại biểu Quốc hội về việc cần phải có chế tài xử lý tài sản không chứng minh được nguồn gốc hợp lý (không phải là tài sản bất hợp pháp, bất minh), dự thảo Luật trình Quốc hội lần này có mục 5 quy định về xử lý tài sản thu nhập kê khai không trung thực; tài sản, thu nhập tăng thêm không giải trình một cách hợp lý với hai phương án Chính phủ trình ra tại Điều 59.
Đại biểu Đào Tú Hoa (Hà Nội). |
Góp ý kiến về nội dung này, đại biểu Đào Tú Hoa (Hà Nội) cho rằng, đây là vấn đề lớn, cần cân nhắc thận trọng vì liên quan đến quyền sở hữu tài sản của mỗi cá nhân đã được quy định trong Hiến pháp. Về pháp luật dân sự, theo quy định Luật Tố tụng dân sự, không thể coi đó là tài sản của nhà nước để xác lập quyền sở hữu của nhà nước. Theo Luật Tố tụng hình sự, không thể coi là tài sản do phạm tội mà có để tịch thu và người dân không phải có trách nhiệm chứng minh.
Cùng đoàn Hà Nội, đại biểu Hoàng Văn Cường cho rằng, phương án xử lý thứ nhất có cơ sở thuyết phục hơn. "Nếu cho rằng nhờ 'buôn chổi đót mà xây được nhà' thì phải có hoá đơn chứng từ hợp lý. Nếu không có thì là trốn thuế. Trốn thuế thì phải truy thu, thậm chí là khởi tố. Do đó, phương án 1 sẽ là hợp lý khi xem xét xử lý đến cùng, đặt ra trách nhiệm nặng hơn là phương án 2" - đại biểu Cường nêu ví dụ.
Đại biểu Hoàng Văn Cường (Hà Nội). Ảnh: Như Ý |
Cần bổ sung thêm hành vi tham nhũng chính sách
Đó là góp ý của đại biểu Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình) với Điều 2 dự thảo Luật về các hành vi tham nhũng. Theo đại biểu Phương, đó là hành vi tham nhũng thông qua việc ban hành chính sách vì lợi ích cá nhân. Ngoài ra, tham nhũng trong bổ nhiệm, đề bạt cán bộ cũng là tham nhũng.
Đại biểu Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình). |
Đại biểu Hoàng Văn Cường (Hà Nội) có cùng quan điểm khi góp ý và nhận định: "Tham nhũng chính sách, tức là ban hành những chính sách, quy định chỉ mang lại lợi ích cho một nhóm người... Đó là hành vi tham nhũng nặng. Ngay cả các đại biểu Quốc hội, khi bấm nút thông qua một chính sách mà không thận trọng, cân nhắc kỹ càng thì cũng phải chịu hậu quả".
Từ kinh nghiệm thực tế của Hà Nội, đại biểu Nguyễn Thị Bích Ngọc, Chủ tịch HĐND TP Hà Nội đã nêu ra nhiều biện pháp để ngăn ngừa tham nhũng về chế độ chính sách. Đó là phải rà soát những cơ chế chính sách có thể tạo cơ hội cho tham nhũng tại các đơn vị, địa phương. Cụ thể, Hà Nội qua rà soát đã ban hành các văn bản quy định tiêu chí, tiêu chuẩn cụ thể trong sử dụng phương tiện, phòng ốc, kinh phí chi tiêu... Những quy định này đã được công khai trên cổng thông tin điện tử của thành phố để nhân dân biết.
"Giải pháp nào để công khai, minh bạch hoạt động của các cơ quan? - dự thảo Luật chưa đề cập đến cụ thể. Theo tôi, quan trọng nhất đó là cải cách thủ tục hành chính và công khai tất cả các hoạt động. Lịch làm việc của đồng chí lãnh đạo cũng phải đưa lên cổng thông tin để nhân dân giám sát. Những việc làm này tuy nhỏ nhưng giúp phòng ngừa những hành vi lãng phí, không tiết kiệm" - đại biểu Nguyễn Thị Bích Ngọc nêu.
Đại biểu Nguyễn Thị Bích Ngọc (Hà Nội). Ảnh: Như Ý |
Đại biểu Nguyễn Thị Bích Ngọc cũng đánh giá, qua tiếp xúc cử tri, nhiều người mong muốn việc quy trách nhiệm người đứng đầu phải mạnh mẽ hơn. Lần này dự thảo Luật đã tiếp thu, sửa đổi khi có 2 điều mới quy định về trách nhiệm người đứng đầu. Tuy nhiên, dự thảo Luật phải quy định chặt chẽ hơn, đề cập đến trách nhiệm của người đứng đầu trong "phòng" rồi mới đến "chống" tham nhũng tại đơn vị, địa phương mình.
Ngoài những nội dung nêu trên, các vấn đề như có nên mở rộng phạm vi điều chỉnh của luật, mở rộng đối tượng kê khai tài sản, cơ quan nào sẽ chịu trách nhiệm giám sát tài sản, thu nhập..., được nhiều đại biểu tích cực tranh luận với những quan điểm thuyết phục.
Dự kiến, phiên thảo luận ở hội trường về dự án Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi) sẽ diễn ra vào ngày 13-6 tới và được truyền hình, phát thanh trực tiếp.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.