(HNM) - Với vị trí của mình trong xã hội, thông qua hoạt động xây dựng pháp luật, chính sách, giám sát và quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước cũng như từng địa phương, nữ đại biểu (ĐB) QH, ĐB HĐND các cấp là lực lượng bảo đảm quyền lợi cho phụ nữ vững chắc nhất. Tuy vậy, do nhiều nguyên nhân, việc đạt được tỷ lệ 30% nữ ĐB trong các cơ quan quyền lực của Nhà nước còn nhiều khó khăn.
Độ chênh khó vượt
Đội ngũ cán bộ nữ đang ngày càng khẳng định vai trò và vị trí trong xã hội. Ảnh: N.Nam
Tại cuộc tọa đàm về tuyên truyền nâng cao tỷ lệ nữ ĐBQH khóa XIII và ĐB HĐND các cấp nhiệm kỳ 2011-2016 do Ủy ban Quốc gia vì sự tiến bộ của phụ nữ và Bộ LĐ-TB&XH tổ chức vào tháng 4 vừa qua, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Duy Thăng cho biết: Trong 3 nhiệm kỳ QH gần đây, số liệu thống kê cho thấy trước hiệp thương, tỷ lệ nữ ứng cử viên ĐBQH luôn đạt hơn 30%. Nhưng sau khi bầu cử, tỷ lệ nữ ĐBQH lại thấp hơn 30%. Tỷ lệ nữ ứng cử viên ĐBQH khóa XIII sau hiệp thương lần 2 là 31,12%, liệu kết quả kỳ này có lặp lại tiền lệ các kỳ trước? Điều dễ nhận thấy là với tỷ lệ sát nút như vậy, mục tiêu 30% đại biểu nữ trong các cơ quan quyền lực như yêu cầu của Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới đề ra là không dễ đạt được.
Mổ xẻ vấn đề này, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia vì sự tiến bộ của phụ nữ, Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng: Thách thức trong thực hiện bình đẳng giới ở lĩnh vực chính trị còn nhiều, nhưng khó khăn nhất là những định kiến giới của xã hội. Bên cạnh đó, một số quy định khác biệt về nam - nữ như tuổi nghỉ hưu, tuổi đào tạo, bồi dưỡng, quy hoạch cán bộ… như hiện nay đã hạn chế sự tham gia của phụ nữ vào các lĩnh vực đời sống xã hội, nhất là trong quản lý, lãnh đạo, tham chính. Cùng với lo ngại này, nhiều ý kiến đồng tình với Phó Chủ tịch Thường trực TƯ Hội LHPN Việt Nam Nguyễn Thị Kim Thúy rằng có không ít nguyên nhân về quan niệm, nhận thức chưa đầy đủ về vị trí của phụ nữ trong gia đình và ngoài xã hội, của nhiều người và ngay chính bản thân phụ nữ. Phải chăng điều này cản trở phụ nữ tự giải phóng, phấn đấu vươn lên và là "chỗ lùi trách nhiệm" trong việc đào tạo, bố trí, sử dụng cán bộ nữ (?).
Chỉ nhận thức không,chưa đủ
Nhận thức rõ trách nhiệm của mình, Hội LHPN Việt Nam đã đẩy mạnh tuyên truyền, vận động các tầng lớp phụ nữ. Sau hiệp thương vòng 3, tỷ lệ nữ ứng cử viên ĐB QH khóa XIII, ĐB HĐND các cấp nhiệm kỳ 2011-2016 đã được cải thiện rõ rệt. Tại Hà Nội, tỷ lệ này là 37,5% (ứng cử viên ĐBQH) và 35,4% (ứng cử viên ĐB HĐND TP).
Chủ tịch Hội LHPN TP Hà Nội Nguyễn Minh Hà cho biết: Từ tháng 4-2011, Thành hội đã tập huấn cho đội ngũ cán bộ hội và báo cáo viên của 100% quận, huyện, thị xã về bình đẳng giới và bảo đảm bình đẳng giới trong bầu cử, Luật Bầu cử, kinh nghiệm tham gia ứng cử, kỹ năng lồng ghép giới trong tuyên truyền... Hội LHPN 29 quận, huyện, thị xã trên địa bàn TP tổ chức tập huấn cho nữ ứng cử viên ĐB HĐND cấp cơ sở và quận, huyện về vai trò của HĐND, ĐB HĐND, kỹ năng tiếp xúc, tuyên truyền, vận động... Bên cạnh đó, Thành hội biên soạn nhiều tài liệu tuyên truyền, tổ chức hoạt động bám sát các bước hiệp thương bầu cử ĐB QH và ĐB HĐND các cấp. Qua tập huấn, nữ ứng cử viên đã bám sát chương trình phát triển của TP và địa phương, xây dựng tốt chương trình hành động, đáp ứng đòi hỏi của cử tri trước các vấn đề nổi cộm trong đời sống xã hội, nâng cao kỹ năng tiếp xúc cử tri, tự tin trong vận động tranh cử bình đẳng… Chủ tịch Nguyễn Minh Hà cho biết, bên cạnh các hoạt động hỗ trợ nữ ứng cử viên nâng cao trình độ, Thành hội sẽ tiếp tục gắn bó, giúp các chị bám sát tình hình, yêu cầu, nguyện vọng của phụ nữ nói riêng và cử tri nói chung, nói lên tiếng nói, nguyện vọng của người dân, xứng đáng là người đại diện cho ý chí, nguyện vọng của người dân…
Tuy vậy, để xóa bỏ rào cản về định kiến giới, thiết thực hỗ trợ phụ nữ tham chính, các cấp hội phụ nữ cần có chiến lược tuyên truyền liên tục, mạnh mẽ, giải pháp cụ thể nhằm giúp chị em nâng cao nhận thức. Từ đó, chị em sẽ hiểu rõ sự cần thiết có tỷ lệ thích đáng nữ ĐBQH, ĐB HĐND, tự hoàn thiện bản thân, cân bằng giữa công việc và gia đình, đáp ứng nhu cầu phát triển của xã hội. Bên cạnh sự cố gắng của hội viên và các cấp hội phụ nữ, Nhà nước cần có những dự án cụ thể nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ nữ để giới thiệu bầu cử, bổ nhiệm, đề bạt vào vị trí quản lý, lãnh đạo các cấp… Công tác truyền thông nâng cao nhận thức, phá bỏ rào cản định kiến lạc hậu rất cần được các ngành, các cấp chú trọng, nhất là ở các cấp lãnh đạo…
Cùng với sự hỗ trợ đắc lực của chính sách, pháp luật, hội viên phụ nữ Thủ đô đang nỗ lực khẳng định quyền bình đẳng trong cuộc bầu cử QH, HĐND các cấp nhiệm kỳ 2011-2016 và rất cần sự hỗ trợ tích cực của gia đình, cộng đồng và xã hội.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.