(HNM) - Những năm gần đây, nhiều sản phẩm nông nghiệp của Hà Nội đã có vị thế mới, giữ được chữ tín trên thị trường. Phần lớn, đó là những sản phẩm đã có từ lâu, nhưng sau khi được gắn thương hiệu đã nâng tầm giá trị thương phẩm… Để rồi, khi nhắc đến Hoài Đức, Quốc Oai người tiêu dùng nghĩ ngay đến nhãn chín muộn; về Ứng Hòa nhớ đến vịt cỏ Vân Đình; về Thanh Oai nhớ đến gạo nếp cái hoa vàng hay cam Canh… Những cái tên không đơn thuần để gọi, mà đã trở thành giá trị riêng có của mỗi địa phương.
Hơn 40 nhãn hiệu nông sản được Hà Nội tạo dựng, phát triển. Có thể kể đến gà đồi Ba Vì - Sóc Sơn, nhãn Đại Thành, gạo Bối Khê... Đặc biệt, đã có thương hiệu chinh phục được khách hàng quốc tế. Nhãn chín muộn của Hà Nội có mặt tại Malaysia từ năm 2016; năm 2018 tiếp tục gia nhập thị trường Mỹ, Ba Lan và mới nhất là xuất hiện trong các siêu thị ở Australia, một thị trường mà người tiêu dùng đòi hỏi rất cao…
Tuy nhiên, về cơ bản thương hiệu của nông sản Hà Nội chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh. Nhiều nông sản chủ yếu vẫn ở dạng xuất khẩu thô, giá trị gia tăng thấp. Ngoài ra, khi chưa có thương hiệu hoặc thương hiệu chưa đủ mạnh, nông sản Việt phải chấp nhận dán nhãn mác nước ngoài và như vậy sẽ không thể "đi xa".
Nói vậy để thấy, phát triển thương hiệu có ý nghĩa đặc biệt quan trọng với nông sản Hà Nội nói riêng và cả nước nói chung trong thời kỳ hội nhập kinh tế sâu rộng. Thương hiệu mạnh, sức cạnh tranh và lợi nhuận sẽ tăng. Vì thế, xây dựng thương hiệu chính là tạo nền tảng phát triển thương mại và mở rộng thị trường quốc tế cho nông sản.
Trên bình diện chung, Nhà nước đã có nhiều chủ trương, chính sách khuyến khích việc xây dựng thương hiệu cho nông sản Việt Nam. Gần đây, tại Nghị quyết số 53/NQ-CP ngày 17-7-2019 về giải pháp khuyến khích, thúc đẩy doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp hiệu quả, an toàn và bền vững, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tập trung xây dựng và quảng bá thương hiệu sản phẩm tại các thị trường trọng điểm…
Trên cơ sở này, các sở, ngành của Hà Nội phải tiếp tục quy hoạch các vùng nguyên liệu, vùng sản xuất tập trung, chuyên canh, ưu tiên các nông sản có tiềm năng và thế mạnh của từng địa phương; xây dựng chuỗi liên kết, hợp tác với một số tỉnh, thành ở miền Bắc... để có chiến lược phát triển thương hiệu chung cho toàn thành phố.
Thời gian tới, các cơ quan chức năng, các hiệp hội xã hội - nghề nghiệp của Thủ đô cần tiếp tục đẩy mạnh, ưu tiên việc xây dựng thương hiệu cho những mặt hàng nông nghiệp chủ lực. Và khi đã tạo lập được vị thế, nên có cơ chế hỗ trợ để doanh nghiệp xây dựng thương hiệu riêng. Cùng với đó là việc thúc đẩy lợi thế của các sản phẩm địa phương trên cơ sở xây dựng chỉ dẫn địa lý, bởi đây cũng là một công cụ cạnh tranh trên thị trường nông sản.
Ngoài ra, các sở, ngành cũng phải quan tâm, định hướng, tổ chức hỗ trợ nông dân, hợp tác xã, tổ chức và địa phương chú trọng việc đăng ký bảo hộ sở hữu trí tuệ ở nước ngoài cho một số nông sản có thế mạnh.
Bên cạnh đó, cộng đồng doanh nghiệp, hợp tác xã... phải chủ động dành tiền bạc, thời gian cho việc đầu tư công nghệ thu hoạch, chế biến, bảo quản, đóng gói; xúc tiến thương mại..., những yếu tố bổ trợ hiệu quả cho quá trình xây dựng, quảng bá thương hiệu nông sản…
Để việc xây dựng thương hiệu bền từ gốc, công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức về vai trò đặc biệt quan trọng của thương hiệu đến người nông dân cần được đẩy mạnh hơn nữa. Bởi chỉ khi hiểu được lợi ích cân, đong, đo, đếm được do thương hiệu mang lại, người nông dân mới thay đổi tư duy manh mún; từ đó có định hướng, cách làm bài bản, dài hơi, áp dụng tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, EurepGAP... trong sản xuất nông nghiệp. Chỉ như vậy, nông sản của Hà Nội mới nâng được giá trị thương phẩm và vươn xa.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.