Theo dõi Báo Hànộimới trên

Xây dựng nếp văn hóa giao thông từ việc nhỏ

Thống Nhất| 01/04/2017 07:04

(HNM) - Câu chuyện hiệu trưởng, giáo viên Trường Tiểu học Tràng An (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) hằng ngày bất kể thời tiết mưa, nắng, đều đến sớm để đón học sinh đã làm đẹp thêm hình ảnh người giáo viên Thủ đô.


Giáo viên Trường Tiểu học Tràng An (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) ra tận cổng đón học sinh vào trường. Ảnh: Thanh Hùng


Cô giáo Lê Minh Sơn, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Tràng An cho biết, tập thể nhà trường rất bất ngờ và xúc động khi được Bộ trưởng Bộ Giáo dục - Đào tạo (GD-ĐT) Phùng Xuân Nhạ biểu dương toàn ngành. Về nguồn gốc việc làm này, cô Sơn cho biết: Trường nằm trên con phố Nhà Chung, là đường một chiều, hẹp, nếu để tất cả 900 học sinh (HS) cùng tan học trong một khoảng thời gian thì sẽ không chỉ gây ách tắc giao thông phía ngoài cổng trường, nguy hiểm hơn còn có thể khiến kẻ xấu lợi dụng gây hại cho HS. Vì vậy, nhà trường quy định giờ tan học của mỗi khối cách nhau từ 5 đến 10 phút, bắt đầu từ khối lớp 5 tan học lúc 16h30, sau đó đến khối 4, khối 3… Các em xếp hàng lần lượt ra khu vực bố mẹ đón tại trước cửa Nhà thờ Lớn và khu vực gần chùa Bà Đá. Riêng HS khối lớp 1 sau khi tan học được ở tại khu vực cổng trường, có giáo viên quản lý để chờ phụ huynh đến đón. Những phụ huynh nào không thể đón con đúng giờ tan học thì có thể đăng ký gửi con tại các câu lạc bộ như võ, cờ vua, thể dục nhịp điệu…

Với cách làm này, nhiều năm nay trường không để xảy ra sự cố về mất an toàn cho HS, không có tình trạng lộn xộn ngoài cổng trường giờ tan học. Theo Hiệu trưởng Lê Minh Sơn, đây chỉ là việc làm rất nhỏ của đội ngũ giáo viên nhằm đem lại sự yên tâm, tin tưởng cho phụ huynh nhà trường, đồng thời qua đây rèn cho HS thói quen chấp hành quy định của nhà trường, xây dựng nếp tham gia giao thông có văn hóa.

Không chỉ có Trường Tiểu học Tràng An, nhiều trường học khác trên địa bàn thành phố cũng đã có nhiều sáng tạo trong việc giáo dục HS ứng xử có văn hóa khi tham gia giao thông từ những việc tưởng chừng nhỏ, nhưng hiệu quả. Thay vì như “ong vỡ tổ”, HS Trường Tiểu học đô thị Sài Đồng (Long Biên) sau mỗi giờ tập thể dục buổi sáng được hướng dẫn xếp hàng lần lượt đi về các lớp. Trường THCS Chu Văn An (Tây Hồ) triển khai nhiều chuyên đề về việc xây dựng nếp sống văn minh đô thị và văn hóa giao thông người Hà Nội; nhiều trường học thành lập câu lạc bộ “Thanh niên xung kích” trong HS nhằm hỗ trợ, hướng dẫn và làm gương cho các bạn trong việc chấp hành quy định về giao thông…

Với những nỗ lực ấy, nhiều năm qua, Hà Nội là địa phương được Bộ GD-ĐT đánh giá có nhiều chuyển biến trong công tác giáo dục đạo đức, lối sống, rèn kỹ năng và ý thức tuân thủ pháp luật cho HS. Hà Nội cũng là địa phương đầu tiên và duy nhất cho đến nay biên soạn và đưa vào giảng dạy đại trà bộ tài liệu “Giáo dục nếp sống thanh lịch, văn minh” cho HS, trong đó có giáo dục nếp văn hóa giao thông. Tùy theo từng cấp học, HS được tiếp cận, thực hành ứng xử với các tình huống giao thông ở mức độ khác nhau. Nếu như HS tiểu học chỉ cần nhận biết để phân biệt đúng - sai, thì yêu cầu với HS THPT là nhận thức để định hướng hành vi sao cho chuẩn mực và đẹp, xứng đáng là HS Thủ đô.

Ở một lộ trình dài, Hà Nội đã ban hành Kế hoạch thi đua bảo đảm an toàn giao thông giai đoạn 2016-2020, trong đó giáo dục cho HS biết ứng xử đúng - đẹp khi tham gia giao thông, hình thành thế hệ trẻ có văn hóa được chọn là trọng tâm. Ông Nguyễn Hữu Độ, Giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội cho biết, việc triển khai kế hoạch nhằm xây dựng lộ trình giáo dục văn hóa giao thông một cách bền vững cho HS. Các em không chỉ được tiếp cận nội dung này ở các hoạt động ngoại khóa, mà còn cả trong các tiết học nội khóa. Ngành Giáo dục cũng đã có các biện pháp mạnh tay với các trường hợp vi phạm, tránh tình trạng “giơ cao đánh khẽ” như trước đây. Theo đó, tùy theo mức độ và số lần vi phạm các quy định về giao thông, HS sẽ bị hạ hạnh kiểm và xử lý kỷ luật.

Từ những việc làm tưởng chừng nhỏ, nhưng “mưa dầm thấm lâu”, song song với hình thức giáo dục, nghiêm khắc với sai phạm, Hà Nội đang nỗ lực hình thành ý thức và nếp văn hóa cho HS khi tham gia giao thông một cách bền vững.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Xây dựng nếp văn hóa giao thông từ việc nhỏ

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.