Góc nhìn

Nâng tầm văn hóa giao thông

Hà Trang 27/09/2023 - 06:17

Tất cả trường hợp vi phạm pháp luật về giao thông đều được làm rõ thông tin cá nhân và gửi thông báo kiến nghị kiểm điểm, xem xét trách nhiệm đến cơ quan, đơn vị quản lý.

Thực hiện Chỉ thị số 23-CT/TƯ ngày 25-5-2023 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông trong tình hình mới và Chỉ thị số 10/CT-TTg ngày 19-4-2023 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ trong tình hình mới, thời gian qua, Bộ Công an đã chỉ đạo công an các địa phương tăng cường triển khai đồng bộ, quyết liệt thực hiện các giải pháp với quyết tâm nâng cao văn hóa giao thông trong cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và nhân dân.

Mới đây, Bộ Công an đã chỉ đạo thành lập các Tổ công tác để chủ trì, phối hợp với công an các tỉnh, thành phố thực hiện chuyên đề xử lý “Người điều khiển xe trên đường mà trong cơ thể có chất ma túy, vi phạm nồng độ cồn”.

Sau một thời gian triển khai, các Tổ công tác của Bộ Công an đã phát hiện một số cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang vi phạm pháp luật về trật tự, an toàn giao thông, trong đó có vi phạm về nồng độ cồn. Tất cả các trường hợp vi phạm đều được làm rõ thông tin cá nhân và gửi thông báo kiến nghị kiểm điểm, xem xét trách nhiệm đến cơ quan, đơn vị quản lý.

Xử lý nghiêm vi phạm nồng độ cồn khi tham gia giao thông góp phần bảo đảm an toàn giao thông và quan trọng hơn, dần nâng cao văn hóa cho người tham gia giao thông là: “Đã uống rượu bia - không lái xe”.

Cùng với các địa phương trong cả nước, Hà Nội cũng đã tăng cường các biện pháp kiểm soát, xử lý nghiêm vi phạm nồng độ cồn khi điều khiển phương tiện tham gia giao thông.

UBND thành phố đã ban hành Văn bản số 348/UBND-ĐT về việc tiếp tục thực hiện hiệu quả các biện pháp tuyên truyền, kiểm soát, xử lý vi phạm nồng độ cồn khi điều khiển phương tiện tham gia giao thông.

Các sở, ban, ngành, đoàn thể, tổ chức chính trị - xã hội thành phố đã nghiêm túc triển khai, có các giải pháp đồng bộ và nhận được sự đồng thuận, ủng hộ của đông đảo nhân dân.

Vì vậy, tình hình trật tự, an toàn giao thông trên địa bàn thành phố tiếp tục có nhiều chuyển biến tích cực. Số vụ tai nạn giao thông xảy ra do người điều khiển phương tiện giao thông sử dụng rượu, bia đã giảm...

Để tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác phòng ngừa, kiềm chế tai nạn giao thông, nhất là tai nạn giao thông do người điều khiển phương tiện vi phạm nồng độ cồn, thời gian tới, các cấp, ngành, địa phương cần tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về trật tự, an toàn giao thông tới mọi tầng lớp nhân dân.

Đặc biệt, lực lượng chức năng khi xử lý vi phạm trật tự, an toàn giao thông cần thực hiện nghiêm việc thông báo hành vi vi phạm của người điều khiển phương tiện giao thông vi phạm nồng độ cồn là cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang, đảng viên, người lao động trong các cơ quan nhà nước đến cơ quan, đơn vị, tổ chức Đảng của người vi phạm để xử lý theo quy định. Nghiêm cấm việc can thiệp, tác động vào quá trình kiểm tra, xử lý vi phạm của lực lượng thực thi công vụ.

Các cấp, ngành, địa phương cũng cần đổi mới về tư duy, nhận thức và hành động, xác định bảo đảm trật tự an toàn giao thông là động lực phát triển kinh tế - xã hội, là thành tố quan trọng trong bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội của Thủ đô và đất nước; thể hiện rõ quan điểm lấy người dân là trung tâm, là chủ thể, động lực, nguồn lực và đặt an toàn về tính mạng, sức khỏe, tài sản của người dân lên trên hết, trước hết...

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nâng tầm văn hóa giao thông

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.