Thời gian qua, lực lượng Cảnh sát giao thông Hà Nội đã thực hiện đầy đủ nhiệm vụ được giao với tinh thần trách nhiệm cao nhất, kiên quyết xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về giao thông, tận tình giúp đỡ người dân tham gia giao thông...
Từ đó xây dựng, định hình nét đẹp văn hóa giao thông của người Hà Nội.
Tạo gắn kết với người dân
Một trong những nét mới trong công tác bảo đảm an toàn giao thông được triển khai và đạt hiệu quả cao, đó là xây dựng kênh tương tác qua mạng xã hội Zalo giữa Cảnh sát giao thông và người dân Hà Nội.
Thiếu tá Trần Ngọc Lực, cán bộ trực tiếp nhận thông tin của Phòng Cảnh sát giao thông (Công an thành phố Hà Nội) cho biết, từ đầu năm 2024 đến nay, trang Zalo "Phòng Cảnh sát giao thông Hà Nội" đã có 1.459 lượt tài khoản truy cập, với 804 người quan tâm mới, nâng tổng số tài khoản quan tâm lên 14.611 lượt kể từ khi triển khai vào cuối năm 2023. Phòng Cảnh sát giao thông đã ban hành 17 công văn gửi các đơn vị kiểm tra, xác minh 223 tin phản ánh. Qua đó, các đơn vị lập biên bản vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và ra quyết định xử phạt đối với 109 trường hợp.
Mới đây, ngày 26-2, Phòng Cảnh sát giao thông tiếp nhận phản ánh của quần chúng nhân dân về hành vi vi phạm trật tự an toàn giao thông giữa hai thanh niên đi xe mô tô SH biển kiểm soát 29H1-74xxx không đội mũ bảo hiểm, lạng lách, đánh võng, tạt đầu một số xe ô tô trên đường Vành đai 2. Hai đối tượng này còn giật cửa xe ô tô biển kiểm soát 30K-84xxx và hành hung người trên xe… Ngay khi tiếp nhận thông tin, Đội Cảnh sát giao thông số 4 (Phòng Cảnh sát giao thông) đã cùng Công an quận Hai Bà Trưng vào cuộc làm rõ. Đến nay, hai thanh niên trên đã bị tạm giữ để điều tra hành vi gây rối trật tự công cộng.
Thực hiện chủ trương của Công an thành phố về xây dựng văn hóa giao thông, Phòng Cảnh sát giao thông đã tiếp nhận 32 tin tương tác, đề nghị giải đáp các vấn đề liên quan đến thủ tục hành chính, như: Công tác đăng ký quản lý phương tiện; cấp phép chấp thuận cho phương tiện đi vào khu vực hạn chế; xử phạt vi phạm hành chính…
Trung tá Nguyễn Minh Thúy, Phó Đội trưởng Đội Đăng ký, quản lý phương tiện giao thông (Phòng Cảnh sát giao thông) cho biết, trong công tác đăng ký và quản lý phương tiện, đơn vị đã tạo điều kiện thuận lợi cho người dân đến làm thủ tục. Người dân có thể ngồi nhà đăng ký làm việc qua Cổng dịch vụ công.
Nói về sự tận tình giúp đỡ người dân của Cảnh sát giao thông thành phố, anh Nguyễn Minh Phương (ở quận Nam Từ Liêm) cho biết, nhiều người dân chưa quen với thao tác trên máy tính, điện thoại, khi đến đăng ký xe luôn được cán bộ, chiến sĩ hướng dẫn tận tình với thủ tục nhanh gọn không phải xếp hàng chờ đợi…
Xác định việc cần làm ngay
Để xây dựng văn hóa giao thông, các đơn vị thuộc Phòng Cảnh sát giao thông phụ trách địa bàn đã có nhiều sáng kiến, chủ động trong công việc. Đơn cử, Đội Cảnh sát giao thông số 3, số 11… đã chủ động xử lý hiện tượng người dân điều khiển xe máy cố tình chạy vào làn ô tô trên Đại lộ Thăng Long, đường Vành đai 2; Đội Cảnh sát giao thông số 1 chủ động xử lý xe khách đón, trả khách du lịch trong phố cổ…
Trung tá Nguyễn Đức Thắng, Đội trưởng Đội Cảnh sát giao thông số 7 (Phòng Cảnh sát giao thông) cho biết, để văn hóa giao thông đi vào nền nếp, đơn vị đã tổ chức xử lý vi phạm giao thông tập trung vào đối tượng học sinh, sinh viên. Từ đầu năm 2024, đơn vị còn phối hợp với ngành Giáo dục các quận: Thanh Xuân, Hà Đông… lên kế hoạch và tổ chức tuyên truyền về an toàn giao thông, xây dựng văn hóa giao thông hướng đến học sinh, sinh viên.
Tại cơ sở, công an các quận, huyện, thị xã cũng thực hiện đầy đủ nhiệm vụ, tích cực xây dựng văn hóa giao thông. Tại quận Bắc Từ Liêm, Thượng tá Nguyễn Bác Ngự, Phó Trưởng Công an quận cho biết, đơn vị đã thiết lập các kênh tương tác thông tin chống ùn tắc giao thông qua nhóm Zalo, Facebook, nhằm đồng hành với người dân trên địa bàn trong việc xây dựng văn hóa giao thông.
Theo Thiếu tướng Nguyễn Hồng Ky, Phó Giám đốc Công an thành phố Hà Nội, trong thời gian tới, Công an thành phố tiếp tục đẩy mạnh các biện pháp bảo đảm trật tự, an toàn giao thông, trong đó trọng tâm vào các chuyên đề: Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông cho lứa tuổi học sinh; xử lý xe tự chế chở hàng hóa cồng kềnh; người điều khiển xe vi phạm nồng độ cồn; phòng, chống tội phạm đường phố; chống đua xe, lạng lách, đánh võng, gây rối trật tự công cộng; đẩy mạnh, đổi mới công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật; huy động tối đa lực lượng tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm để góp phần nâng cao ý thức của người tham gia giao thông.
Công an thành phố cũng đề nghị nhân dân Thủ đô tham gia phát hiện, cung cấp thông tin phản ánh những hành vi vi phạm trật tự, an toàn giao thông; ghi nhận bằng hình ảnh, clip, phản ánh trực tiếp qua số điện thoại đường dây nóng, Zalo, Facebook của Công an thành phố.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.