(HNM) - Bên cạnh những kết quả đạt được sau hơn 10 năm thi hành, Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng đã phát sinh những bất cập, một số quy định không còn phù hợp với thực tiễn. Thực tế này đòi hỏi những sửa đổi kịp thời nhằm bảo vệ tối đa quyền lợi người tiêu dùng trong tình hình mới, thúc đẩy xây dựng môi trường kinh doanh, tiêu dùng lành mạnh.
Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng có hiệu lực từ ngày 1-7-2011, góp phần kiến tạo khung khổ, nền tảng cơ bản, vững chắc trong bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng tại Việt Nam. Tuy nhiên theo Bộ Công Thương, hiện một số nội dung của Luật đã bộc lộ những hạn chế, bất cập.
Cụ thể, một số quy định không còn phù hợp, trong đó có nhiều quy định quan trọng liên quan đến phạm vi và đối tượng điều chỉnh, giao dịch giữa tổ chức, cá nhân kinh doanh và người tiêu dùng, các giao dịch có sự tham gia của nhiều bên hoặc có yếu tố nước ngoài... Vì vậy, cần sửa đổi, bổ sung nhằm khắc phục những tồn tại, bất cập đặt ra trong quá trình thi hành Luật và thực hiện chủ trương của Đảng, Nhà nước về hoàn thiện thể chế đối với bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; bảo đảm thực hiện các cam kết quốc tế mà Việt Nam đã tham gia.
Theo Phó Cục trưởng Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng (Bộ Công Thương) Trịnh Anh Tuấn, dự thảo Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi) có 7 chương, 80 điều, trong đó bổ sung 1 chương mới về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong các giao dịch đặc thù với các tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ; giữ nguyên 13 điều, sửa đổi 38 điều và bổ sung mới 29 điều.
Đại diện quyền lợi người tiêu dùng, Chủ tịch Hội Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam Nguyễn Mạnh Hùng nêu quan điểm, luật mới phải phát huy rõ vai trò, trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước trong lĩnh vực bảo vệ người tiêu dùng. Đồng thời, có cơ chế kêu gọi toàn xã hội tham gia vào công tác này, đặc biệt là xây dựng cơ chế phù hợp để thành lập và tạo điều kiện cho các tổ chức xã hội bảo vệ người tiêu dùng hoạt động một cách chuyên nghiệp, hiệu quả. Cùng với đó, cần xác định vị trí của Luật này trong quan hệ với các luật chuyên ngành để bảo vệ tốt nhất quyền lợi người tiêu dùng.
Chị Nguyễn Thị Quyên (phường Việt Hưng, quận Long Biên) cho biết: “Dịch Covid-19 buộc người tiêu dùng phải tăng mua sắm trực tuyến, tuy nhiên hình thức này còn nhiều bất cập, khiến người mua phải chịu không ít thiệt thòi. Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng sửa đổi cần quy định chặt chẽ để bảo đảm tối đa quyền lợi người tiêu dùng trên môi trường số”.
Về vấn đề này, Trưởng ban Pháp chế (Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam) Đậu Anh Tuấn chỉ rõ, cần tính đến mô hình kinh doanh có yếu tố mới, đặc biệt là các mô hình kinh doanh dựa trên nền tảng chia sẻ, kinh tế số và khoa học công nghệ 4.0.
Đây cũng là nhận định của các chuyên gia tư pháp, khi cho rằng việc xuất hiện nhóm người tiêu dùng mới và hành vi tiêu dùng mới đặt ra yêu cầu cần làm mới một số quy định đối với trách nhiệm bảo vệ người tiêu dùng của doanh nghiệp. Nhiều hành vi xâm phạm quyền lợi người tiêu dùng mới xuất hiện cũng cần được bổ sung vào phần các hành vi cấm hoặc nghĩa vụ của các chủ thể có liên quan. Bên cạnh đó cần bổ sung, sửa đổi các phương thức giải quyết tranh chấp giữa người tiêu dùng và các tổ chức, cá nhân kinh doanh; cơ chế tiếp nhận và giải quyết yêu cầu tại cơ quan nhà nước cần thể hiện rõ vai trò, trách nhiệm của người tiêu dùng trong việc thúc đẩy sản xuất, tiêu dùng bền vững…
Dự kiến dự thảo Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi) sẽ được trình Quốc hội xem xét tại kỳ họp tháng 10-2022 và thông qua tại kỳ họp tháng 5-2023.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân nhấn mạnh: “Việc xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng sẽ giúp bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người tiêu dùng cũng như quyền và lợi ích hợp pháp của các tổ chức, cá nhân kinh doanh. Đồng thời bảo đảm tính ổn định, thống nhất, đồng bộ, minh bạch, khả thi, dễ tiếp cận, hiệu lực và hiệu quả của hệ thống pháp luật nhằm thúc đẩy xây dựng môi trường kinh doanh, tiêu dùng lành mạnh và bền vững tại Việt Nam. Từ đó góp phần vào sự nghiệp phát triển đất nước trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế sâu rộng”.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.