Theo dõi Báo Hànộimới trên

Xây dựng hệ giá trị chuẩn mực con người Việt Nam

Võ Lâm| 29/01/2016 07:27

(HNM) -

Phát triển con người toàn diện với các đặc tính cơ bản: Yêu nước, nhân ái, nghĩa tình, trung thực, đoàn kết, cần cù, sáng tạo... đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước.Ảnh: Nhật Nam


1. Báo cáo các văn kiện trình Đại hội XII của Đảng, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định: "Các cấp, các ngành phải nhận thức đầy đủ, sâu sắc tầm quan trọng đặc biệt của văn hóa, con người; phải thực hiện có kết quả mục tiêu xây dựng nền văn hóa và con người Việt Nam phát triển toàn diện, hướng đến chân - thiện - mỹ, thấm nhuần tinh thần dân tộc, nhân văn, dân chủ và khoa học; xây dựng văn hóa thực sự trở thành nền tảng tinh thần vững chắc của xã hội; xây dựng con người Việt Nam phát triển toàn diện".

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nêu rõ: "Đúc kết và xây dựng hệ giá trị văn hóa và hệ giá trị chuẩn mực của con người Việt Nam thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế. Làm cho giá trị văn hóa thấm sâu vào mọi lĩnh vực, mọi mặt hoạt động, mọi quan hệ xã hội, thành sức mạnh nội sinh quan trọng của phát triển bền vững. Xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, tạo điều kiện để xây dựng con người Việt Nam đẹp về nhân cách, đạo đức, tâm hồn; cao về trí tuệ, năng lực, kỹ năng sáng tạo; khỏe về thể chất; nâng cao trách nhiệm xã hội, nghĩa vụ công dân, ý thức tôn trọng, tuân thủ pháp luật; phát huy tốt vai trò chủ thể sáng tạo trong sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc.

Trong mọi hoạt động kinh tế, chính trị, xã hội đều phải đề cao nhân tố văn hóa, con người. Mọi hoạt động văn hóa, từ bảo tồn, phát huy các di sản lịch sử, văn hóa; phát triển văn học, nghệ thuật, báo chí, xuất bản đến bảo tồn, phát huy văn hóa các dân tộc thiểu số, văn hóa tôn giáo, xây dựng thiết chế văn hóa... đều phải phục vụ thiết thực sự nghiệp xây dựng, phát triển văn hóa, con người".

2. Yêu cầu xây dựng văn hóa, con người càng cần thiết hơn trong bối cảnh Việt Nam đang hội nhập sâu rộng vào cộng đồng thế giới. Phát biểu tại Đại hội, Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam Nguyễn Quốc Cường nhận định: "Nông dân đang mất dần năng lực sáng tạo văn hóa, bị cuốn theo lợi ích vật chất. Lối sống thực dụng "đèn nhà ai nhà nấy rạng", "sống chết mặc bay", đua theo lợi ích trước mắt mà buông lỏng vệ sinh an toàn thực phẩm, bất chấp sức khỏe người tiêu dùng. Văn hóa truyền thống "tình làng, nghĩa xóm" bị suy giảm. Một bộ phận nông dân trẻ có lối sống đua đòi, hưởng thụ cao hơn lao động, xa dần văn hóa, nghệ thuật dân gian, lịch sử dân tộc và luôn mong muốn từ bỏ nguồn gốc "nông dân" của mình".

Theo Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam Nguyễn Thị Thanh Hòa, có đến 84,6% lao động nữ không có trình độ chuyên môn kỹ thuật; 60,7% chưa qua đào tạo nghề; 67,3% không biết bất cứ một ngoại ngữ nào; 66,9% không sử dụng được tin học văn phòng. "Một số phẩm chất cần thiết của người lao động như tinh thần trách nhiệm, ý thức tổ chức kỷ luật, sự say mê, sẵn sàng tham gia lao động của phụ nữ Việt Nam được đánh giá cao nhưng tính độc lập tự chủ, sự tự tin, khả năng tự học, tự vươn lên, khả năng thích ứng với những thay đổi trong công việc, các kỹ năng bổ trợ (như kỹ năng hợp tác với người khác, kỹ năng thuyết phục, kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin…) của lao động nữ còn hạn chế" - Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam cho biết thêm.

Nước ta đang ở trong giai đoạn "dân số vàng", lực lượng lao động trẻ dồi dào, là lợi thế để thu hút đầu tư. Theo Bí thư Thứ nhất Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh Nguyễn Đắc Vinh, lực lượng lao động nước ta hiện nay khoảng 52,2 triệu người; hằng năm trung bình có khoảng 1,5-1,6 triệu thanh niên bước vào tuổi lao động. Tuy nhiên, khả năng làm việc theo nhóm, tính chuyên nghiệp, năng lực sử dụng ngoại ngữ làm công cụ giao tiếp và làm việc của nguồn còn rất hạn chế; tinh thần trách nhiệm đối với công việc, đạo đức nghề nghiệp, đạo đức công dân, ý thức văn hóa công nghiệp, kỷ luật lao động của một bộ phận đáng kể người lao động chưa cao; năng suất lao động còn thấp so với nhiều nước trong khu vực và thế giới.

3. Tham luận tại Đại hội, Bộ trưởng Bộ VH-TT&DL Hoàng Tuấn Anh cho rằng: Thực tiễn đang đặt ra yêu cầu xây dựng văn hóa, phát triển con người và phải xử lý tốt một số vấn đề, trong đó có việc "xử lý thỏa đáng mối quan hệ giữa truyền thống và hiện đại, bảo tồn và phát huy, giữ gìn và phát triển, để bảo đảm duy trì, bảo vệ được các giá trị truyền thống tốt đẹp của văn hóa và con người Việt Nam; đồng thời xác lập, bổ sung những giá trị mới đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa của xã hội đương đại.

Theo Bộ trưởng Hoàng Tuấn Anh, phải bảo đảm sự phát triển hài hòa, đúng mức giữa văn hóa tinh hoa và văn hóa đại chúng, vừa góp phần phổ cập văn hóa phổ thông cho quảng đại quần chúng, nâng cao mặt bằng dân trí, tiến tới một xã hội công bằng, dân chủ, vừa tạo những bước ngoặt về tư duy, học thuật, tư tưởng, những thành tựu đỉnh cao trong văn hóa nghệ thuật.

Nhất trí cao với văn kiện Đại hội XII, Bộ trưởng Hoàng Tuấn Anh cho rằng, một trong những nhiệm vụ hàng đầu hiện nay là giữ vững vai trò lãnh đạo của Đảng đồng thời với việc không ngừng đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với sự nghiệp xây dựng văn hóa, con người Việt Nam trong giai đoạn mới. Quan điểm xuyên suốt của Đảng từ Đề cương Văn hóa Việt Nam là: "Văn hóa là một trong ba mặt trận (kinh tế, chính trị, văn hóa) ở đó người cộng sản phải hoạt động". Mỗi cán bộ, đảng viên phải phát huy tinh thần tiên phong, gương mẫu, phải thực sự tiêu biểu về đạo đức, lối sống, thực sự gần dân, thân dân, trọng dân, phấn đấu vì lợi ích của dân, thấm nhuần đạo lý "Dân là gốc nước", "Đảng viên đi trước, làng nước theo sau"...

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Xây dựng hệ giá trị chuẩn mực con người Việt Nam

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.