(HNMO) - Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị toàn quốc tổng kết công tác ngành Nội chính Đảng năm 2019, triển khai nhiệm vụ năm 2020 diễn ra sáng 6-1-2020, tại Hà Nội, đồng chí Trần Quốc Vượng, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư khẳng định, hoạt động của ngành Nội chính trong việc giữ gìn sự bình yên của đất nước và phòng, chống tham nhũng vừa qua đã góp phần quan trọng củng cố niềm tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân với Đảng, tạo môi trường ổn định cho đất nước phát triển.
Nhấn mạnh 5 kết quả nổi bật của ngành Nội chính Đảng trong năm 2019, Thường trực Ban Bí thư cho rằng, Ban Nội chính Trung ương đã làm tốt nhiệm vụ nghiên cứu, tham mưu, đề xuất nhiều chủ trương, định hướng lớn về công tác nội chính và phòng, chống tham nhũng, cải cách tư pháp với chất lượng ngày càng được nâng cao.
Đặc biệt, ngành Nội chính Đảng đã tích cực, chủ động tham mưu cho các cấp ủy lãnh đạo, chỉ đạo công tác phát hiện, xử lý các vụ việc, vụ án tham nhũng về kinh tế, bảo đảm kịp thời, nghiêm minh, đúng pháp luật, góp phần đẩy mạnh đấu tranh phòng, chống tham nhũng với phương châm “không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể người đó là ai”.
Đối với các vụ án, vụ việc thuộc diện Ban Chỉ đạo trung ương về Phòng, chống tham nhũng theo dõi, chỉ đạo, đến nay, đã đưa ra xét xử sơ thẩm 62 vụ/720 bị cáo, tuyên phạt 11 án tử hình, 23 án chung thân; 10 bị cáo bị phạt tù 30 năm; 23 bị cáo bị phạt tù từ 20 đến 30 năm. Từ đầu nhiệm kỳ 2015-2020 đến nay, gần 80 cán bộ diện Trung ương quản lý đã bị thi hành kỷ luật Đảng, xử lý hành chính, hình sự, qua đó thể hiện quyết tâm rất cao của Đảng, Nhà nước trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng.
Nhấn mạnh năm 2020 là năm có nhiều sự kiện trọng đại của đất nước, Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng đề nghị Ban Nội chính Trung ương tập trung thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm.
Thứ nhất, tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác nghiên cứu, đề xuất các chủ trương, giải pháp của Đảng về công tác nội chính, phòng, chống tham nhũng và cải cách tư pháp, nhất là tập trung nghiên cứu đề xuất những quan điểm, định hướng lớn về các lĩnh vực này để phục vụ cho việc chuẩn bị văn kiện đại hội đảng bộ các cấp và Đại hội lần thứ XIII của Đảng.
Thứ hai, tập trung tham mưu lãnh đạo, chỉ đạo xử lý dứt điểm các vụ án, vụ việc tham nhũng kinh tế nghiêm trọng, phức tạp, góp phần đẩy mạnh hơn nữa công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng. Ban Nội chính cần phối hợp chặt chẽ hơn với các cơ quan chức năng tham mưu, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, xử lý nghiêm minh các vụ án, vụ việc tham nhũng về kinh tế theo đúng chỉ đạo của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, Trưởng ban Chỉ đạo trung ương về Phòng, chống tham nhũng là: “Không có vùng cấm, không có đặc quyền, không có ngoại lệ, không chịu sức ép của bất cứ tổ chức, cá nhân nào”...
Thứ ba, tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác hướng dẫn, theo dõi, đôn đốc, kiểm tra, giám sát việc thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về công tác nội chính; phòng, chống tham nhũng và cải cách tư pháp; chống tham nhũng trước hết trong các cơ quan có chức năng phòng, chống tham nhũng.
Thứ tư, Ban Nội chính cần tích cực phối hợp với các bộ, ngành, địa phương xử lý tình trạng tụ tập đông người trước các cơ quan trung ương bằng cách xử lý tận gốc vụ việc, không để các thế lực thù địch lợi dụng việc khiếu kiện gây mất an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội...
“Ngoài ra, tiếp tục kiện toàn bộ máy, xây dựng đội ngũ cán bộ nội chính Đảng thật sự liêm chính, trong sạch, bản lĩnh, có dũng khí bảo vệ cái đúng, kiên quyết đấu tranh với cái sai; có kiến thức, kinh nghiệm sâu sắc về lĩnh vực nội chính; phòng, chống tham nhũng và cải cách tư pháp”, đồng chí Trần Quốc Vượng nhấn mạnh.
Đề cập hai vụ án tham nhũng nghiêm trọng liên quan đến Phan Văn Anh Vũ và Đinh Ngọc Hệ, Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng cho biết, liên quan đến Phan Văn Anh Vũ, cơ quan chức năng đã khởi tố 8 vụ án liên quan, đến nay, 7 vụ đã được truy tố, 6 vụ được đưa ra xét xử. Liên quan đến Đinh Ngọc Hệ, cơ quan chức năng đã khởi tố 4 vụ, trong đó truy tố 2 vụ, đưa ra xét xử 1 vụ, đang xử lý tiếp 2 vụ nữa.
Từ hai vụ án trên, có rất nhiều cán bộ đã lâm vào lao lý, do đó, các cấp ủy, chính quyền phải rút ra bài học về công tác cán bộ để không được lơ là, mất cảnh giác. Đặc biệt, ngay từ đầu phải đấu tranh quyết liệt với những biểu hiện sai trái, không chấp nhận bất cứ cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp nào có hành vi không đúng đắn.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.