(HNM) - Nhà thầu yếu kém sẽ không có “cửa” tham gia dự án là khẳng định của Bộ Giao thông - Vận tải nhằm quyết tâm xây dựng tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông trở thành công trình kiểu mẫu. Mặt khác, việc bảo đảm tiến độ, chất lượng dự án này cũng góp phần đẩy nhanh tốc độ giải ngân vốn đầu tư công.
Đồng loạt triển khai 6 dự án
Dự án thành phần đầu tư xây dựng đoạn Cam Lộ - La Sơn, thuộc tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017-2020, theo hình thức đầu tư công, đi qua địa bàn hai tỉnh Quảng Trị và Thừa Thiên - Huế, có tổng chiều dài khoảng 99km, được khởi công từ tháng 9-2019. Đến nay, các nhà thầu đã triển khai đồng loạt 11/11 gói thầu xây lắp. Việc giải phóng mặt bằng cũng đạt hơn 98% khối lượng và đã giải ngân hơn 97% vốn được giao. Theo Trưởng phòng Kinh tế - Kế hoạch (Ban Quản lý dự án đường Hồ Chí Minh) Vũ Anh Tuấn, tiến độ thi công các gói thầu đáp ứng yêu cầu, bảo đảm hoàn thành vào cuối năm 2021.
Ngày 30-9 vừa qua, Bộ Giao thông - Vận tải đã đồng loạt tổ chức khởi công thêm 3 dự án thành phần khác của tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông, gồm: Mai Sơn - Quốc lộ 45 (dài 63,37km, đi qua địa phận hai tỉnh Ninh Bình và Thanh Hóa); Vĩnh Hảo - Phan Thiết (dài 100,8km đi qua địa phận tỉnh Bình Thuận) và Phan Thiết - Dầu Giây (dài khoảng 99km đi qua địa phận hai tỉnh Bình Thuận và Đồng Nai). Đây là 3 dự án được Quốc hội cho phép chuyển đổi từ hình thức đầu tư PPP (đối tác công - tư) sang đầu tư công. Theo kế hoạch, 3 dự án này sẽ hoàn thành vào cuối năm 2022.
Như vậy đến thời điểm này, cả 6 dự án thành phần theo hình thức đầu tư công đều đã được các ban quản lý dự án và nhà thầu tập trung triển khai. Đồng thời, Bộ Giao thông - Vận tải cũng đang khẩn trương lựa chọn nhà đầu tư thực hiện 5 dự án thành phần theo phương thức đầu tư PPP. Đến nay, đã có 4/5 dự án có nhà đầu tư nộp hồ sơ dự thầu. Dự kiến, việc lựa chọn nhà đầu tư sẽ hoàn thành trong tháng 12-2020. Riêng với dự án Nghi Sơn - Diễn Châu, do không có nhà đầu tư nộp hồ sơ nên theo quy định hiện hành phải hủy thầu và báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét chuyển đổi hình thức đầu tư.
Không có chỗ cho nhà thầu yếu
Với quyết tâm xây dựng cao tốc Bắc - Nam phía Đông trở thành công trình kiểu mẫu, ngay từ quá trình lựa chọn nhà thầu, Bộ Giao thông - Vận tải đã đưa ra rất nhiều yêu cầu khắt khe cả về năng lực tài chính cũng như kỹ thuật, công nghệ. Nếu vi phạm tiến độ lần 1 sẽ bị phê bình, lần 2 bị khiển trách, xem xét điều chuyển khối lượng và lần 3 sẽ đánh giá lại năng lực và điều chuyển khối lượng thi công cho nhà thầu khác.
Trong hợp đồng, Bộ cũng khống chế số lượng thầu chính, thầu phụ; phân rõ hạng mục thầu chính, thầu phụ được làm nhằm chọn nhà thầu có năng lực thực sự. Với cách làm này, từ hàng trăm nhà thầu nộp hồ sơ, Bộ Giao thông - Vận tải đã lựa chọn được những doanh nghiệp có năng lực, nhiều kinh nghiệm thi công các dự án đường cao tốc, cầu lớn đòi hỏi yêu cầu cao về kỹ thuật, công nghệ.
Là đơn vị trúng một gói thầu của Dự án cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây, Phó Tổng Giám đốc Tổng công ty cổ phần Xuất nhập khẩu và xây dựng Việt Nam (Vinaconex) Dương Văn Mậu nhận định, các đơn vị không đủ năng lực theo yêu cầu khó có thể tham gia đấu thầu trực tiếp vào Dự án cao tốc Bắc - Nam. “Khi Bộ Giao thông - Vận tải tổ chức đấu thầu, Vinaconex đã chủ động chọn thành viên liên danh có tên tuổi. Với vai trò đứng đầu liên danh, Vinaconex sẵn sàng hỗ trợ các thành viên để bảo đảm thực hiện dự án đúng cam kết”, ông Dương Văn Mậu khẳng định.
Theo Bộ trưởng Bộ Giao thông - Vận tải Nguyễn Văn Thể, sau khoảng 2 năm, khi hoàn thành thi công 654km của 11 dự án thành phần, tuyến đường cao tốc chạy dọc theo chiều dài đất nước sẽ hình thành, kết nối nhiều cảng biển, cảng hàng không lớn. Đặc biệt, tuyến cao tốc này còn kết nối với nhiều tuyến quốc lộ. Chắc chắn nhiều địa phương sẽ có bước đột phá về kinh tế - xã hội dựa trên lợi thế kết nối cao tốc Bắc - Nam. Hiểu rõ kỳ vọng của người dân, Chính phủ, Bộ Giao thông - Vận tải rất quyết tâm xây dựng tuyến cao tốc này trở thành một công trình giao thông kiểu mẫu.
Tại lễ khởi công 3 dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam, ngày 30-9, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo, công trình cao tốc Bắc - Nam phải là công trình mẫu mực, không được làm dối, làm ẩu, ảnh hưởng đến chất lượng công trình; không được bán thầu, để nhiều thầu phụ ăn chênh lệch; không được sử dụng vật liệu kém chất lượng để thi công; không làm sai các định mức, tiêu chuẩn kỹ thuật.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.