(HNM) - Đến bất cứ thôn, xóm nào trên địa bàn các xã thuộc huyện Đan Phượng đều thấy rõ hạ tầng khang trang, sạch sẽ với hệ thống thoát nước, chiếu sáng phù hợp.
Đường làng ngõ xóm xã Tân Hội, huyện Đan Phượng ngày một đổi mới. Ảnh: Linh Ngọc |
Đó là kết quả của việc thực hiện Chỉ thị số 06-CT/HU ngày 22-2-2011 của Ban Thường vụ Huyện ủy về xây dựng thôn, phố văn hóa xanh, sạch, đẹp trên địa bàn huyện. Nỗ lực này đã góp phần đưa Đan Phượng trở thành Huyện nông thôn mới đầu tiên của Thủ đô.
Từ mô hình "ao môi trường"...
Có lẽ, hiếm có nơi nào để lại ấn tượng đẹp với nhiều người như khi đến với các xã Đan Phượng, Song Phượng, Tân Hội, Tân Lập. Lạ là ở một nơi giáp với nội đô, tốc độ đô thị hóa nhanh đến chóng mặt mà những chiếc ao làng sạch, đẹp vẫn được gìn giữ! Chủ tịch UBND xã Song Phượng Bùi Văn Đức cho biết: "Mỗi thôn đều có ít nhất một ao như vậy và được gọi là "ao môi trường". Ao làng vừa tạo cảnh quan, điều hòa môi trường vừa trữ nước phòng cháy, chữa cháy khi cần. Theo ông Bùi Văn Đức, trước khi cải tạo, đây đều là ao tù, nước đọng, đầy rác thải. Khi xây dựng nông thôn mới, theo chủ trương của huyện, xã Song Phượng đã đầu tư hơn 3 tỷ đồng cải tạo, lát kè, tách riêng hệ thống thoát nước thải ở khu dân cư, nạo vét bùn đất, đáy ao được lót một lớp cát vàng. Sau khi cải tạo, quanh ao được trồng cây xanh, đặt ghế đá và giao cho các chi hội phụ nữ thôn quản lý.
Theo Chủ tịch UBND huyện Đan Phượng Nguyễn Hữu Hoàng, không chỉ ở Song Phượng, huyện Đan Phượng có 101 ao đã được quy hoạch xây dựng, cải tạo thành các "ao môi trường". Đến nay, toàn huyện đã kè được 47 ao. Trong đó, xã Đan Phượng đã kè được 13/13 ao, xã Song Phượng được 5/5 ao. Ngoài ngân sách nhà nước hỗ trợ, người dân đã góp công sức, tiền của, vật liệu để mua, làm ghế đá, trồng cây xanh quanh các ao. Các ao còn lại, huyện xác định sẽ tiếp tục cải tạo thành "ao môi trường" trong thời gian sớm nhất khi bố trí được kinh phí.
... đến sạch nhà, đẹp ngõ
Nhiều người thích thú khi chứng kiến Đan Phượng - một vùng quê ven đô với nhịp sống khá sôi động, sầm uất mà vẫn giữ được môi trường sạch sẽ, trong lành. Đi từ Thôn Đoài, đến Thôn Đông, tuyến đường nào ở xã Đan Phượng cũng đều sạch sẽ như vừa được quét dọn. Những ngôi nhà hai bên đường giữ được vẻ trật tự, gọn gàng. Trưởng thôn Đoài Khê Nguyễn Thị Thám chia sẻ, "phố làng" sạch đẹp ở Đan Phượng bắt nguồn từ khi địa phương xây dựng nông thôn mới. Khi những tuyến giao thông ngõ xóm được xây dựng khang trang, thôn Đoài Khê đã họp dân, thống nhất đưa tiêu chí xanh, sạch, đẹp vào quy ước làng văn hóa. Việc tưởng nhỏ như không thả rông chó, để chó phóng uế bừa bãi cũng được phổ biến đến các hộ. Chủ trương đúng được người dân đón nhận.
Rồi chuyện rác thải sinh hoạt, nhân dịp Hội Phụ nữ huyện hỗ trợ 100 thùng đựng rác, thôn Đoài Khê đã phát động toàn dân đóng góp mua thêm hơn 500 thùng, tương ứng mỗi hộ gia đình có một thùng để đựng rác thải. Tương tự, tại xã Liên Hà, người dân đã đồng loạt góp tiền mua thùng chứa rác thải sinh hoạt trong các gia đình. Theo Trưởng phòng Tài nguyên - Môi trường huyện Đan Phượng Nguyễn Đức Nam, đến nay, rác thải sinh hoạt trong khu dân cư trên địa bàn huyện đều được công ty môi trường thu gom hết trong ngày theo thỏa thuận ký kết với huyện. Chỉ trong trường hợp có sự cố mới đưa đến bãi trung chuyển. Toàn huyện có 16 xã, thị trấn nhưng có tới 22 bãi trung chuyển rác, cũng là một điều kiện thuận luận cho việc giữ gìn vệ sinh môi trường.
Chủ tịch UBND huyện Đan Phượng Nguyễn Hữu Hoàng cho biết, không phải tự nhiên mà các địa phương đều quan tâm đến công tác xây dựng môi trường xanh - sạch - đẹp. Chương trình này từng được coi là nhiệm vụ chính trị quan trọng được cả hệ thống chính trị huyện tập trung triển khai từ trên xuống dưới. Để tất cả các xã, thị trấn cùng vào cuộc, từ năm 2011, huyện đã ban hành Chỉ thị số 06 về xây dựng thôn, phố xanh - sạch - đẹp, vận động nhân dân triển khai làm cổng làng, cổng chào; kè ao, trồng cây xanh và xây dựng hệ thống đèn chiếu sáng trên tất cả các tuyến đường trong khu vực dân cư do xã quản lý theo tiêu chí nông thôn mới.
Đến nay, các xã đã làm được 34 cổng làng, 106 cổng chào, kè 47 "ao môi trường", trồng được 132.000 cây xanh, lắp đặt 8 hệ thống đèn chiếu sáng. Ngoài ra, mỗi xã còn có trên 15 tuyến đường tự quản trong khu dân cư bảo đảm tiêu chí sáng - xanh - sạch - đẹp. "Chúng tôi thường xuyên kiểm tra, đôn đốc, vận động nhân dân giữ gìn môi trường xanh, sạch, đẹp và coi đây là nhiệm vụ quan trọng góp phần giữ vững danh hiệu Huyện nông thôn mới" - ông Nguyễn Hữu Hoàng cho biết.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.