(HNMO) - Trong thực hiện nhiệm vụ, 6 tháng qua, lực lượng quản lý thị trường luôn coi xăng dầu là mặt hàng trọng tâm, trọng điểm để kiểm tra, xử lý. Nhờ công tác kiểm tra, kiểm soát sâu sát, gắt gao, hiện tượng gian lận thương mại tại các cây xăng ngày càng giảm.
Tổng Cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường Trần Hữu Linh đã nhấn mạnh như vậy tại hội nghị sơ kết công tác 6 tháng đầu năm 2022 của ngành quản lý thị trường, được tổ chức ngày 25-7, theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến.
6 tháng qua, hoạt động buôn bán, kinh doanh hàng giả, hàng nhái, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ… tiếp tục diễn biến phức tạp. Lực lượng quản lý thị trường đã kiểm tra 30.527 vụ việc; phát hiện, xử lý 17.305 vụ vi phạm, chuyển cơ quan điều tra 54 vụ; thu nộp ngân sách gần 137 tỷ đồng.
Về lĩnh vực an toàn thực phẩm, trong 6 tháng đầu năm, lực lượng quản lý thị trường đã kiểm tra 2.516 vụ việc, xử lý 1.472 vụ, xử phạt gần 5,9 tỷ đồng.
Riêng mặt hàng xăng dầu, trong nửa đầu năm, lực lượng quản lý thị trường cả nước đã giám sát gần 17.000 cửa hàng bán lẻ xăng dầu trên toàn quốc và kiểm tra trên 1.000 vụ, xử lý gần 190 vụ vi phạm, số tiền xử phạt hành chính trên 5,9 tỷ đồng.
Ông Trần Hữu Linh nhấn mạnh, lực lượng quản lý thị trường luôn coi xăng dầu là mặt hàng trọng tâm, trọng điểm để kiểm tra, xử lý. Nhờ công tác kiểm tra, kiểm soát được triển khai sâu sát, hiện tượng gian lận thương mại tại các cây xăng ngày càng giảm.
Liên quan đến hoạt động kinh doanh xăng dầu tại Hà Nội, ông Chu Xuân Kiên, Cục trưởng Cục Quản lý thị trường Hà Nội cho biết, trong thời điểm chuẩn bị điều chỉnh giá, lực lượng quản lý thị trường đã phối hợp với công an địa phương tới các cây xăng giám sát chặt chẽ và dán số điện thoại đường dây nóng tại các cây xăng để tiếp nhận các thông tin, phản ánh từ người dân.
Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đánh giá cao những đóng góp của lực lượng quản lý thị trường cả nước, đồng thời chỉ rõ những hạn chế còn tồn tại, như ý thức tuân thủ pháp luật của một số cán bộ, công chức quản lý thị trường chưa cao; tình trạng buôn lậu, vận chuyển, tàng trữ hàng nhập lậu, hàng không rõ nguồn gốc, sản xuất, kinh doanh hàng giả vẫn diễn ra ở nhiều địa phương…
Để khắc phục những hạn chế nêu trên, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên yêu cầu, thời gian tới, lực lượng quản lý thị trường cần bám sát tình hình và diễn biến thị trường trong nước và trên từng địa bàn, chủ động xây dựng kế hoạch công tác của từng đơn vị, lực lượng. Phân công rõ trách nhiệm và có cơ chế kiểm tra, kiểm soát, giám sát cụ thể nhằm nâng cao hiệu suất công tác và thực thi đầy đủ trách nhiệm, quyền hạn của mỗi tổ chức, cá nhân trong toàn lực lượng. Đồng thời, hoàn thiện quy hoạch cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp; chú trọng thực hiện công tác truyền thông nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm, sự ủng hộ, chia sẻ của toàn dân đối với công tác quản lý thị trường...
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.