(HNM) - Với sự đồng thuận của Bộ Tư pháp, Bộ An ninh nội địa Mỹ đã chính thức hủy bỏ chính sách có từ thời cựu Tổng thống Barack Obama: Tạm hoãn thi hành lệnh trục xuất cha - mẹ công dân Mỹ và thường trú nhân.
Duy trì DACA cho thấy nước Mỹ vẫn mở vòng tay với những người nhập cư trẻ tuổi. |
Được ban hành năm 2014, DAPA quy định các bậc cha mẹ nhập cư trái phép, nếu sinh con tại Mỹ sẽ được phép ở lại nước này mà không bị trục xuất. Theo luật pháp xứ Cờ hoa, một đứa trẻ sinh ra trên đất Mỹ sẽ đương nhiên mang quốc tịch nước này. Do đó, chính sách trên có ý nghĩa nhân đạo trong việc tránh chia cắt đứa trẻ với cha mẹ. Tuy nhiên, trong thông báo hủy DAPA, Bộ An ninh nội địa Mỹ cho biết sẽ vẫn duy trì chính sách Tạm hoãn thi hành lệnh trục xuất những người đến Mỹ bất hợp pháp từ thời thơ ấu (DACA), cũng do chính quyền Tổng thống B.Obama ban hành năm 2012.
Quyết định lần này được đưa ra trong bối cảnh Mỹ đang siết chặt số người nhập cư theo sắc lệnh của Tổng thống Donald Trump. Trong thời gian vận động tranh cử, ông chủ Nhà Trắng từng tuyên bố sẽ hủy bỏ cả DAPA và DACA, tiến tới trục xuất phần lớn trong số 11 triệu người đang sinh sống bất hợp pháp ở Mỹ, kể cả việc rất nhiều trong số này đã sống tại Mỹ hàng chục năm, có công việc ổn định, đã lập gia đình, sinh con. Điều này khiến những người có ý định ở lại Mỹ dựa trên những quyền lợi mà DAPA, DACA hay các đạo luật tương tự đem lại không khỏi lo lắng.
Theo số liệu từ Chính phủ Mỹ, riêng DACA đã giúp hơn 787.000 người nhập cư trẻ tuổi được ở lại Mỹ. Tuy nhiên, việc duy trì chính sách không bảo đảm cho các gia đình nhập cư bất hợp pháp đã sinh sống tại Mỹ hàng chục năm được tiếp tục ở lại. DACA luôn bị chỉ trích do mở cửa cho hàng triệu lao động mới, tạo ra lực lượng cạnh tranh trực tiếp với nhóm lao động phổ thông người Mỹ. Đây là những người đang đối mặt với tỷ lệ thất nghiệp lên tới hai con số và mức thu nhập ngày càng giảm. Nhiều cá nhân thuộc diện DACA lâu nay vẫn lo lắng rằng, quyền lợi của họ vẫn dễ dàng bị tước bỏ bởi các cơ quan chấp pháp Mỹ trong nhiều tình huống thực tế. Mặt khác, việc DAPA bị hủy cũng dẫn tới tâm lý lo lắng một ngày nào đó DACA hoàn toàn có thể “chung số phận”.
Trước kia, DAPA được kỳ vọng sẽ giúp cải cách hệ thống quản lý người nhập cư của Mỹ, đồng thời giúp gần 5 triệu người nhập cư trái phép vào Mỹ từ năm 2010 tránh khỏi cảnh bị trục xuất và được cấp phép làm việc. Điều kiện duy nhất yêu cầu chỉ là họ phải chưa từng phạm pháp và có con mang quốc tịch Mỹ hoặc thuộc diện được định cư vĩnh viễn. Tuy nhiên, kể từ khi được cựu Tổng thống B.Obama ký thông qua vào năm 2014, DAPA chưa từng được thực thi do bị 26 bang phong tỏa bằng đơn kiện tại một tòa án thuộc bang Texas. Tòa án tối cao Mỹ sau đó đã giữ nguyên phán quyết này. Vì thế, việc loại bỏ một chính sách chưa từng được áp dụng như DAPA trên thực tế sẽ không tác động tức thời tới những người đang có mặt trên đất Mỹ. Thế nhưng, thay vào đó, nó sẽ chặn đứng những tính toán của không ít cá nhân đang tìm kiếm cơ hội sinh sống tại quốc gia này.
Việc tuyên bố hủy bỏ DAPA trong khi vẫn duy trì DACA cho thấy, Chính phủ Mỹ bên cạnh nỗ lực bảo vệ thị trường việc làm nội địa cũng đã phân tách rõ ràng quan điểm xử lý đối với hai loại hình người nhập cư nói trên. Hồi tháng 4, Tổng thống D.Trump từng khẳng định mục tiêu của các đợt siết chặt chính sách sẽ nhằm vào các cá nhân sinh sống bất hợp pháp trên lãnh thổ Mỹ, đồng thời trấn an những người nhập cư trẻ tuổi rằng họ vẫn có thể yên tâm học tập, phát triển sự nghiệp tại "miền đất hứa".
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.