(HNMO) - Ngày 22-4, tại Hà Nội, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp cùng phối hợp với Hội Nước sạch và Môi trường Việt Nam tổ chức tọa đàm trực tuyến với chủ đề: “Xã hội hóa đầu tư ngành nước: Cơ hội và thách thức”.
Nước sạch là vấn đề then chốt của quốc gia, liên quan đến đời sống của người dân. Những năm qua, Nhà nước đã đầu tư thêm nhiều nhà máy nước sạch để phục vụ nhu cầu người dân. Tuy nhiên, theo Hội Cấp thoát nước Việt Nam, khoảng 60% dân số chưa được tiếp cận với nước sạch, nước máy. Ngay tại khu vực đô thị, chỉ có 86% dân cư tiếp cận được với nước sạch, 14% cư dân chưa tiếp cận được nước sạch, nước máy từ hệ thống cấp nước tập trung.
Những năm gần đây, thực hiện chủ trương xã hội hóa ngành nước của Chính phủ, nhiều doanh nghiệp, cá nhân trong và ngoài nước tham gia đầu tư, xây dựng và vận hành công trình cấp nước tại hầu hết các tỉnh, góp phần nâng cao chất lượng dịch vụ cấp nước, bảo vệ sức khỏe người dân và góp phần phát triển kinh tế - xã hội.
Tuy nhiên, trong quá trình sản xuất, hoạt động, các doanh nghiệp tư nhân đầu tư vào lĩnh vực nước sạch cũng còn nhiều hạn chế, thách thức về công nghệ, thiết bị, tiêu chuẩn kỹ thuật, năng lực, quy trình xử lý nước sạch; chi phí đầu tư lớn; việc đấu thầu các dự án xây dựng nhà máy nước sạch ở một số địa phương còn nặng tính “xin - cho”; cơ chế độc quyền khiến doanh nghiệp tư nhân có tiềm lực, muốn đầu tư nhưng không thể tiếp cận dự án về nước sạch...
Tại tọa đàm, các đại biểu tập trung thảo luận một số nội dung: Thực trạng ngành nước và vệ sinh môi trường ở Việt Nam, đánh giá lợi ích các dự án công nghệ nước sạch hiện nay. Một số giải pháp được đề xuất là: Về cơ chế (quy định, pháp luật, chính sách...); về đầu tư; hợp tác công tư; liên ngành; quy hoạch; nhu cầu tháo gỡ độc quyền và thu hút đầu tư xã hội từ đòi hỏi thực tế và kinh nghiệm quốc tế.
Ông Nguyễn Quang Huân, Phó Chủ tịch Hội Nước sạch và Môi trường Việt Nam cho rằng: Để bảo đảm môi trường đầu tư lành mạnh, phát triển, trước hết cần công bố thông tin về tình trạng cấp thoát nước ở mỗi địa phương. Cần có hệ thống cơ sở dữ liệu (database) cởi mở cho mọi nhà đầu tư và người dân có thể truy cập. Hơn nữa, cần xây dựng chính sách khuyến khích đầu tư dài hạn vào lĩnh vực nước thải. Đồng thời, có cơ chế tuyển chọn nhà đầu tư công khai, bình đẳng và minh bạch để tìm đúng nhà đầu tư có cả năng lực tài chính, kỹ thuật và quản lý để đầu tư, tránh tình trạng mua bán dự án lòng vòng, tăng lãng phí xã hội.
Các đại biểu kiến nghị Nhà nước cần có cơ chế kiểm tra, kiểm soát độc lập, thường xuyên để bảo đảm tất cả các doanh nghiệp cấp thoát nước hoạt động bình đẳng, tuân thủ pháp luật, thực hiện cam kết với người dân và xã hội, đồng thời nêu cao tinh thần đạo đức trong kinh doanh để hệ thống phát triển bền vững và người dân được an toàn trong sử dụng.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.