Nông thôn mới

Mỹ Đức: Không để người dân "khát" nước sạch

Kim Nhuệ 26/03/2024 - 07:49

Nhiều năm nay, người dân 21 xã, thị trấn trên địa bàn huyện Mỹ Đức vẫn chưa được sử dụng nước sạch sinh hoạt từ công trình cấp nước tập trung.

Đáp ứng mong mỏi của người dân, các nhà đầu tư dự án cấp nước sạch đang đẩy nhanh tiến độ thi công hệ thống cung cấp nước sạch.

cong-nhan-cong-ty-co-phan-n.jpg
Công nhân Công ty cổ phần Nước sạch Hà Nam đấu nối tuyến ống truyền dẫn nước sạch từ huyện Ứng Hòa qua sông Đáy sang huyện Mỹ Đức.

Nhiều xã, thị trấn chưa có nước sạch

Nhiều năm nay, gia đình ông Vũ Bá Kế ở thôn Đốc Kính (xã Đốc Tín) phải sử dụng nguồn nước giếng khoan để sinh hoạt. Do ở tầng thấp nên nước có mùi tanh, vị lợ, chứa nhiều cặn vàng trên bể lọc và vật dụng trữ nước. Lo ngại chất lượng không bảo đảm, gia đình ông Kế đầu tư kinh phí khoan thêm giếng, lấy nước ở tầng sâu hơn thì ấm đun và phích chứa nước xuất hiện mảng bám như đá vôi…

“Đầu tư 40-50 triệu đồng khoan giếng, xây bể lọc nhưng gia đình tôi cũng chỉ sử dụng nguồn nước này để tắm giặt, rửa rau. Còn để nấu cơm và uống hằng ngày, phải mua máy lọc nước với chi phí thay lõi lọc 600.000-700.000 đồng/lõi/năm...”, ông Kế chia sẻ.

Tương tự, nhiều gia đình ở các xã: Mỹ Thành, Phúc Lâm, Tuy Lai… đã phải tiết giảm các khoản chi tiêu hoặc vay mượn để khoan giếng, xây bể lọc, mua máy lọc làm nước sinh hoạt. Theo các hộ dân nơi đây, nếu trước đây, chỉ cần khoan một mũi xuống khoảng 20-25m là có nước, nhưng bây giờ phải khoan 2-3 mũi, sâu tới 60-70m, cá biệt như khu vực thôn Phúc Lâm (xã Phúc Lâm), thôn Vĩnh Xương (xã Mỹ Thành)… phải khoan sâu hơn 100m mới tìm được nguồn nước.

Đặc biệt tại các xã: An Tiến, Lê Thanh, Xuy Xá…, nhiều gia đình không thể khoan giếng vì lo ngại xảy ra sự cố sụt lún đất, chấp nhận sử dụng nguồn nước lấy từ giếng khơi, bể chứa nước mưa để sử dụng. Thực tế ở những địa phương này đã từng xảy ra nhiều sự cố sụt lún đất gây hư hỏng nhà ở liên quan đến việc khoan giếng lấy nước sinh hoạt…

“Biết những nguồn nước này có khả năng bị ô nhiễm nhưng chúng tôi cũng không còn lựa chọn nào khác và cũng không có tiền để mua máy lọc nước. Vì vậy, chúng tôi rất mong các cấp, ngành của thành phố xây dựng công trình cấp nước sạch tập trung…”, bà Nguyễn Thị Hoàn, người dân xã An Tiến bày tỏ nguyện vọng.

Theo Phó Trưởng phòng Quản lý đô thị huyện Mỹ Đức Lê Nghiêm Huấn, trên địa bàn huyện hiện có 4 nhà máy sản xuất nước sạch tập trung, trong đó có 3 công trình nằm trên địa bàn xã Hương Sơn và 1 công trình ở thị trấn Đại Nghĩa. Tuy nhiên, do công suất nhỏ nên 3 công trình ở xã Hương Sơn chỉ đủ phục vụ nhân dân địa phương và du khách về tham quan, trẩy hội chùa Hương, không thể mở rộng mạng cấp ra địa phương xung quanh. Nhà máy Nước sạch Đại Nghĩa vẫn trong quá trình đầu tư.

Phấn đấu 100% người dân tiếp cận nguồn nước sạch tập trung Đáp ứng mong mỏi của người dân, thành phố Hà Nội đã chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, nhà đầu tư tập trung thực hiện mục tiêu đến năm 2025 có 100% người dân tại 21 xã, thị trấn của huyện Mỹ Đức được tiếp cận nguồn nước sạch từ công trình cấp nước tập trung; chấp thuận chủ trương giao Công ty cổ phần Nước sạch Hà Nam xây dựng hệ thống cấp nước cho 20 xã; Công ty TNHH Nước sạch Đại Nghĩa tiếp tục hoàn thiện nhà máy để cấp nước sạch cho nhân dân thị trấn Đại Nghĩa…

Theo Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Nước sạch Hà Nam Phạm Trọng Khôi, năm 2023, công ty đã xây dựng kế hoạch thi công mạng lưới cấp nước cho 4 xã của huyện Mỹ Đức, gồm: Đốc Tín, Hùng Tiến, Vạn Kim, Đại Hưng. Tuy nhiên, do gặp khó khăn trong việc xin giấy phép thi công tuyến ống đưa nguồn từ huyện Ứng Hòa sang Mỹ Đức qua sông Đáy nên kế hoạch trên chưa hoàn thành. Sau khi được cấp giấy phép, công ty sẽ dồn lực thi công tuyến ống truyền dẫn qua sông Đáy và mạng ống cấp nước trong các khu dân cư... Dự kiến trong quý II-2024, công ty sẽ hoàn thành mạng ống, lắp đặt đồng hồ để cấp nước sạch cho nhân dân 4 xã nêu trên.

Ngoài ra, Công ty cổ phần Nước sạch Hà Nam tập trung chỉ đạo các xí nghiệp huy động tối đa nhân lực, phương tiện, tăng ca thi công mạng lưới đường ống, bảo đảm trong năm 2024 cấp nước cho 8 xã: An Tiến, An Phú, Hợp Thanh, Phù Lưu Tế, Hợp Tiến, Phùng Xá, Xuy Xá, Hồng Sơn. Đến năm 2025, công ty tiếp tục xây dựng mạng lưới đường ống và cấp nước cho các xã: Lê Thanh, An Mỹ, Bột Xuyên, Tuy Lai, Mỹ Thành, Thượng Lâm, Đồng Tâm, Phúc Lâm.

Còn theo Phó Giám đốc Công ty TNHH Nước sạch Mỹ Đức Hoàng Hà, sau khi được các cấp, ngành của thành phố Hà Nội giao quản lý Nhà máy Nước sạch Đại Nghĩa, công ty đã rà soát, đầu tư kinh phí thay thế thiết bị xử lý nước thô trước đây bằng công nghệ lọc nước của Đức và Nhật Bản, bảo đảm chất lượng nước sạch sinh hoạt đạt Quy chuẩn QCVN 01-1:2018/BYT của Bộ Y tế với 99 chỉ tiêu. Công ty đang xây dựng mạng ống phân phối, lắp đặt đồng hồ, dự kiến trong tháng 4 tới đây cấp nước sạch cho người dân trên địa bàn thị trấn Đại Nghĩa.

“Để 100% người dân trên địa bàn thị trấn được sử dụng nước sạch từ Nhà máy Nước sạch Đại Nghĩa, công ty sẽ miễn giảm kinh phí lắp đặt đồng hồ đo nước đối với hộ nghèo, cận nghèo, hộ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Hằng tháng, công ty gửi kết quả thử nghiệm 99 chỉ tiêu nước sinh hoạt về các khu dân cư để người dân theo dõi, giám sát, yên tâm sử dụng…”, ông Hoàng Hà thông tin thêm.

Với sự chỉ đạo quyết liệt, giải pháp thực hiện rõ ràng, Mỹ Đức đang phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng mạng cấp nước sạch tại các xã, thị trấn. Tuy nhiên, để đạt tối đa số hộ dân lắp đặt đồng hồ, các nhà đầu tư kiến nghị huyện cần đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền về lợi ích nước sạch từ nguồn cấp tập trung...

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Mỹ Đức: Không để người dân "khát" nước sạch

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.