(HNM) - Hơn 1 năm sau phán quyết cho phép Mỹ trừng phạt Liên minh châu Âu (EU) vì cáo buộc trợ cấp bất hợp pháp cho hãng sản xuất máy bay Airbus, Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) lại “bật đèn xanh” cho khối này áp đặt trừng phạt xứ Cờ hoa vì lý do tương tự đối với hãng sản xuất máy bay Boeing. Diễn biến mới nhất trong cuộc tranh cãi suốt 16 năm giữa Brussels và Washington nhiều khả năng sẽ nối dài các đòn trừng phạt thuế quan xuyên Đại Tây Dương.
Theo phán quyết từ các trọng tài quốc tế của WTO, EU có thể áp đặt thuế quan và các hình phạt khác đối với hàng hóa và dịch vụ của Mỹ trị giá tới 4 tỷ USD do sự hỗ trợ bất hợp pháp của nước này đối với hãng sản xuất máy bay Boeing. Các trọng tài của WTO cũng cho rằng, mức phạt này tương ứng với mức độ và bản chất của những tác động tiêu cực do các khoản trợ cấp trái phép mà Mỹ dành cho Boeing. Năm 2019, cơ quan phúc thẩm của WTO đã phát hiện Boeing nhận được ít nhất 5 tỷ USD trợ cấp bị cấm theo các quy tắc thương mại quốc tế. Mỹ cho rằng khoản hỗ trợ này sẽ chịu mức phạt không quá 412 triệu USD, trong khi châu Âu phản bác và đưa ra con số gần 8,6 tỷ USD. Do đó, phán quyết được đưa ra cao gấp 10 lần so với lập luận của Washington song vẫn thấp hơn một nửa so với mong muốn ban đầu của Brussels.
Cuộc chiến pháp lý về Airbus và Boeing tại WTO bắt đầu từ năm 2004, khi xứ Cờ hoa cáo buộc 4 nước là Anh, Pháp, Đức, Tây Ban Nha trợ cấp bất hợp pháp hàng tỷ USD cho hãng Airbus nhằm tạo thuận lợi trong cạnh tranh với hãng Boeing của Mỹ. Động thái hôm 13-10 của WTO được đưa ra hơn 1 năm sau khi tổ chức này cho phép Mỹ áp dụng hình phạt đối với hàng hóa của EU trị giá 7,5 tỷ USD do đã trợ giúp Airbus. Tại thời điểm đó, con số 7,5 tỷ USD là mức phạt cao kỷ lục mà WTO đưa ra kể từ khi thành lập. Washington sau đó đã áp thuế trừng phạt 25% đối với các sản phẩm của EU như rượu vang, pho mát và dầu ô liu. Mức thuế 10% đối với máy bay Airbus cũng đã được tăng lên 15% vào tháng 3 vừa qua.
Với phán quyết của WTO, hiện EU có thể tự áp dụng mức phạt thương mại và cân nhắc sẽ nhắm mục tiêu vào sản phẩm nào của xứ Cờ hoa. Một danh sách sơ bộ mà Brussels công bố cho thấy hàng loạt mặt hàng mà khối này có thể áp thuế, từ phụ tùng ô tô, hóa chất, đến tương cà, cá đông lạnh, trái cây khô... Nhiều khả năng khối này cũng sẽ có các biện pháp hạn chế đối với lĩnh vực sản xuất máy bay. Tuy nhiên, đại diện thương mại Mỹ Robert Lighthizer cho rằng, quyết định này không thực sự mở đường cho bất kỳ hành động nào, bởi Washington đã bãi bỏ các khoản giảm thuế với Boeing mà WTO cho là bất hợp pháp. Ông cũng cho biết, các cuộc đàm phán giữa Mỹ với EU đang diễn ra nhằm khôi phục cạnh tranh công bằng và bình đẳng.
Trong khi đó, các quan chức EU vẫn đang đưa ra những quan điểm trái chiều. Phó Chủ tịch điều hành Ủy ban châu Âu (EC) Valdis Dombrovskis nhận định, mức thuế bổ sung từ phán quyết hôm 13-10 của WTO sẽ không mang lại lợi ích kinh tế cho cả hai bên, đặc biệt là trong bối cảnh các nền kinh tế đang vật lộn tìm cách thoát khỏi đà suy thoái do đại dịch Covid-19. Thay vào đó, hai bên nên ưu tiên cho đàm phán để tránh các biện pháp trả đũa có hại. Còn Chủ tịch Ủy ban Thương mại quốc tế của Nghị viện châu Âu (EP) Bernd Lange lại cho rằng, EU nên ban hành thuế quan ngay lập tức để đề phòng việc phía Mỹ thiếu sự tham gia mang tính xây dựng trong giải quyết bất đồng.
Theo các nhà phân tích, dù bước đi tiếp theo của Washington và Brussels là gì, mọi quyết định đưa ra đều cần có sự tính toán kỹ lưỡng khi nhìn về đồng minh phía bên kia bờ Đại Tây Dương.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.