Trên địa bàn huyện Phúc Thọ có một số dự án đầu tư xây dựng hạ tầng đã khởi công hoặc có chủ trương đầu tư từ lâu nhưng chậm triển khai.
Người dân mong muốn các cấp, ngành, đơn vị vào cuộc, có giải pháp tháo gỡ, đẩy nhanh tiến độ để dự án phát huy hiệu quả, nâng cao đời sống người dân, góp phần phát triển kinh tế - xã hội…
Cụ thể, dự án Vườn sinh thái Cẩm Đình - Hiệp Thuận có diện tích gần 250ha được triển khai từ năm 2007, được kỳ vọng trở thành điểm du lịch sinh thái hấp dẫn. Tuy nhiên, 17 năm đã trôi qua, tiến độ triển khai dự án vẫn chưa như kỳ vọng. Hiện tại, mới có một số hạng mục thi công hạ tầng kỹ thuật, trồng cây xanh cảnh quan được triển khai. “Dự án thu hồi hàng trăm héc ta đất sản xuất được xem là “bờ xôi, ruộng mật” của người dân. Nhưng đến nay, đất vẫn bỏ hoang, rất lãng phí”, ông Đỗ Khắc Long, người dân xã Ngọc Tảo nói.
Tương tự, dự án đường trục kinh tế Bắc - Nam, đoạn qua địa bàn huyện Phúc Thọ cũng chậm triển khai. Dự án này được khởi công từ năm 2008, do Công ty cổ phần Tập đoàn Nam Cường Hà Nội làm chủ đầu tư (trước đây dự án có tên là đường trục phát triển kinh tế - xã hội Bắc Nam tỉnh Hà Tây) đi qua 6 huyện của thành phố Hà Nội. Đến nay, 16 năm đã trôi qua, dự án vẫn “giậm chân tại chỗ”. Nhiều diện tích đất nông nghiệp của các hộ dân bị thu hồi để thực hiện dự án, giờ đây bỏ hoang rất lãng phí... Ngoài ra, người dân huyện Phúc Thọ cũng mong muốn thành phố sớm triển khai 13km còn lại của đường Tây Thăng Long - đoạn từ cống Đan Hoài, xã Đan Phượng, huyện Đan Phượng lên thị xã Sơn Tây (đoạn qua địa bàn huyện Phúc Thọ) nhằm phát triển hạ tầng giao thông kết nối khu vực.
Trong khi đó, việc thực hiện dự án cải tạo nâng cấp quốc lộ 32 - đoạn qua các xã: Thọ Lộc, Trạch Mỹ Lộc, Tích Giang, Ngọc Tảo và Phụng Thượng (huyện Phúc Thọ) cũng khiến nhiều hộ dân bức xúc. Ông Cấn Minh Kha ở xã Phụng Thượng cho biết: “Người dân không biết khi nào dự án sẽ triển khai. Trong khi chờ đợi, các hộ dân sống ven quốc lộ 32 nằm trong chỉ giới mở đường nhiều năm nay không được phép tu sửa, nâng cấp, xây dựng nhà ở. Một số gia đình có 3-4 thế hệ sinh sống trong một mái nhà, rất chật chội. Đề nghị các cơ quan chức năng thông tin để người dân được biết; nếu chưa triển khai dự án thì có quy định để người dân được phép tu sửa nhà ở, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt”.
Với các dự án chậm triển khai cùng vướng mắc liên quan đến đầu tư hạ tầng, huyện Phúc Thọ mong muốn thành phố và trung ương sớm tháo gỡ khó khăn để phát huy hiệu quả công trình, tránh lãng phí, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.