(HNM) - Phần lớn các vụ tai nạn giao thông (TNGT) liên quan tới phương tiện vận tải là do vi phạm quy định về tải trọng khi tham gia giao thông. Dù đã có quy chế xử lý nhưng mức phạt còn quá nhẹ cộng với những bất cập trong quy định khiến việc kiểm soát tải trọng vẫn chưa hiệu quả.
Xe quá tải tiềm ẩn nguy cơ tai nạn giao thông. |
Ông Thái Văn Chung, Tổng Thư ký Hiệp hội Vận tải hàng hóa TP Hồ Chí Minh cho rằng, việc các xe chở quá tải trọng và tự cơi nới thùng xe để chở hàng hóa đã góp phần gây ra TNGT. Đồng quan điểm, ông Lê Văn Tiến, Chủ tịch Hiệp hội vận tải hàng hóa đường bộ TP Hải Phòng cho biết, tình trạng chở hàng quá khổ, quá tải, không phù hợp với kết cấu thùng xe của nhà sản xuất hoặc đổi thùng xe có kết cấu khác với nguyên trạng ban đầu để tăng tải trọng cũng gây nên nguy cơ mất ATGT. Cụ thể, theo khảo sát của Cục Đăng kiểm Việt Nam, hiện cả nước có 3.851 sơmirơmooc loại 2 trục và 5.218 sơmirơmooc loại 3 trục có tải trọng trục vượt đến 20%.
Theo nhiều đại biểu tham dự hội nghị, chính những bất cập trong quy định liên quan đến việc chở hàng hóa quá tải trọng đã giúp nhiều nhà xe "lách luật". Ông Nguyễn Hữu Trí, Phó Cục trưởng Cục Đăng kiểm Việt Nam chỉ rõ, lâu nay cơ quan chức năng liên quan chủ yếu tập trung quản lý hoạt động vận tải trên các trục đường, nhưng khi yêu cầu chủ phương tiện san tải hay hạ tải gây mất thời gian, công sức và chi phí cho cả cơ quan chức năng và chủ phương tiện. Do đó, cần có thêm giải pháp kiểm soát tải trọng của xe thông qua việc kiểm soát kích thước và kết cấu thùng hàng của cả loại xe chở hàng.
Hiệp hội Vận tải hàng hóa TP Hồ Chí Minh cho rằng, mục tiêu Bộ GTVT đặt ra là đến năm 2015 chấm dứt tình trạng chở quá tải không khả thi, bởi dù cam kết không chở quá tải chỉ làm cho có. Muốn giảm tình trạng này cần sự đồng thuận của các bên, từ khách hàng, chủ hàng đến đơn vị vận tải, và phải xử lý nghiêm những đơn vị vi phạm. Việc kiểm soát tải trọng phải thực hiện ngay tại nơi giao, nhận, bốc xếp hàng hóa.
Công ty CP Vận tải và dịch vụ du lịch Phương Trang (TP Hồ Chí Minh) đề xuất kiểm soát tốc độ cũng như tải trọng xe bằng phương pháp số hóa, lắp đặt các camera trên các xe dịch vụ để kiểm soát hành trình. Còn theo đại diện Tập đoàn Mai Linh, các thành phố lớn như Hà Nội và TP Hồ Chí Minh cần nhanh chóng hoàn thiện đầu tư hệ thống phương tiện vận tải có sức chuyên chở lớn để hạn chế tình trạng chở quá tải của các doanh nghiệp vận tải hiện nay.
Đi vào chi tiết cụ thể, Hiệp hội Vận tải hàng hóa TP Hải Phòng đề nghị Bộ GTVT cho phép được điều chỉnh khối lượng toàn bộ phương tiện cho phép tham gia giao thông lên 33 tấn (loại 2 trục); 38 tấn (loại 3 trục) và ghi nhận vào giấy chứng nhận kiểm định theo đúng Nghị định 107/2014/NĐ-CP. Các sơmirơmooc có tải trọng trục vượt quá 20% phải điều chỉnh vị trí chốt kéo và vị trí cụm trục. Cục Đăng kiểm Việt Nam cần rà soát hướng dẫn cho hoán cải và điều chỉnh tải trọng với sơmirơmooc không đủ điều kiện. Đồng thời, tăng thời gian chu kỳ đăng kiểm với sơmirơmooc có niên hạn sử dụng dưới 20 năm là 12 tháng, niên hạn trên 20 năm là 6 tháng.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.