(HNM) - Vụ mùa năm 2019 gặp không ít khó khăn do thời tiết diễn biến bất thường, nắng nóng rồi mưa lớn gây úng ngập ở đầu vụ, đổ lúa ở cuối vụ, sâu bệnh gia tăng... Tuy nhiên, năng suất, chất lượng lúa vẫn đạt cao; nông dân được mùa, phấn khởi. Nhiều kinh nghiệm quý được rút ra từ vụ mùa năm nay để các vụ tiếp theo bội thu hơn nữa…
Năng suất, chất lượng đạt cao
Đến xã Đại Hưng (huyện Mỹ Đức) vào những ngày cuối tháng 9, trên cánh đồng rộn rã tiếng máy, tiếng cười, nông dân đang hối hả thu hoạch lúa vụ mùa cho kịp khung thời vụ để chuẩn bị làm cây vụ đông. Dù thời tiết diễn biến bất thường, nền nhiệt độ các tháng đầu vụ phổ biến ở mức cao hơn so với năm trước, cộng với thời gian chuyển từ vụ xuân sang vụ mùa ngắn, gốc rạ chưa kịp phân hủy nên dễ làm cho lúa mới cấy bị bệnh nghẹt rễ... nhưng với sự chuẩn bị kỹ từ cơ cấu giống lúa đến chăm sóc nên năng suất, chất lượng vẫn cao.
Chia sẻ niềm vui này, ông Nguyễn Văn Triều ở thôn Trinh Tiết, xã Đại Hưng (huyện Mỹ Đức) cho biết, với diện tích 2,5ha, nếu như mọi năm năng suất chỉ đạt 58-60 tạ/ha thì năm nay dự kiến đạt hơn 64 tạ/ha. Nông dân vô cùng phấn khởi.
Chung niềm vui, bà Nguyễn Thị Nhài ở xã Bích Hòa (huyện Thanh Oai) nói: “Vụ mùa năm nay gia đình tôi gieo cấy chủ yếu các giống lúa lai TH3, TH3-4..., do chú trọng đầu tư phân bón, phòng trừ sâu bệnh nên năng suất lúa đạt cao. Thu hoạch vụ mùa sớm nên gia đình tôi và nhiều hộ dân có thêm thời gian làm đất, xử lý rơm rạ để gieo trồng vụ thu đông”.
Theo thống kê của Sở NN&PTNT, đến ngày 25-9, nông dân Hà Nội thu hoạch được khoảng 60-70% diện tích lúa vụ mùa. Có thể nói, vụ mùa 2019 cơ bản thắng lợi, sâu bệnh không bùng phát, nông dân hạn chế sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, năng suất và chất lượng lúa thu hoạch tốt.
Với phương châm “xanh nhà hơn già đồng”, ngành Nông nghiệp đã chỉ đạo các địa phương tuyên truyền để nông dân thu hoạch nhanh gọn, tránh thiệt hại do mưa bão và làm đất kịp gieo cấy vụ đông năm 2019-2020 (cơ bản hoàn thành thu hoạch lúa mùa trước ngày 30-9). Đáng chú ý, một số huyện đã thu hoạch lúa mùa đạt từ 80% đến 100% như: Ba Vì, Phú Xuyên, Ứng Hòa, Mỹ Đức…
Trưởng phòng Kinh tế huyện Ứng Hòa Đặng Thị Tươi cho biết, vụ mùa 2019, toàn huyện cấy 7.700ha, đến thời điểm này, nông dân đã thu hoạch được khoảng 90% diện tích và dự kiến hoàn thành trước ngày 30-9. Năm nay, do làm tốt công tác chuẩn bị từ giống lúa đến phòng trừ sâu bệnh nên năng suất đạt hơn 60 tạ/ha.
Nhiều kinh nghiệm cho vụ sau
Từ thắng lợi của vụ mùa năm nay, có thể thấy, nếu nông dân sử dụng các giống lúa tốt, gieo cấy đúng khung thời vụ, thường xuyên theo dõi tình hình sâu bệnh để có biện pháp phòng trừ kịp thời thì năng suất, chất lượng sẽ tăng.
Theo Trưởng phòng Kinh tế huyện Mỹ Đức Lê Hải Hồng, để sản xuất vụ mùa thắng lợi, ngay từ khi xây dựng kế hoạch, huyện đã yêu cầu các xã chỉ đạo nông dân chuẩn bị đầy đủ cho sản xuất, có biện pháp cụ thể để khắc phục khó khăn do thời tiết gây ra; đồng thời đẩy mạnh kỹ thuật thâm canh sản xuất lúa, tăng cơ cấu giống lúa thuần mới, lúa chất lượng cao.
Và, cùng với việc hỗ trợ nông dân ứng dụng công nghệ mới vào sản xuất như: Làm mạ khay, máy cấy, gieo sạ..., huyện Mỹ Đức đã chỉ đạo Trạm trồng trọt và Bảo vệ thực vật thường xuyên thực hiện công tác dự tính, dự báo sâu bệnh để hướng dẫn nông dân biện pháp phòng trừ.
Vì vậy, toàn bộ diện tích lúa vụ mùa 7.760ha của huyện cho năng suất cao. Đây cũng là kinh nghiệm cho huyện trong công tác chỉ đạo sản xuất các vụ sau, đặc biệt là vụ mùa vì thường bị sâu bệnh, mưa bão nên năng suất thấp hơn so với vụ xuân.
Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Hà Nội Nguyễn Mạnh Phương cho biết thêm, vụ mùa 2019, Hà Nội gieo cấy 82.923ha, cơ cấu giống lúa chủ yếu sử dụng bộ giống ngắn ngày (chiếm hơn 90%). Để hạn chế thiệt hại (như các năm trước đây), Hà Nội chỉ đạo các địa phương chuẩn bị, cung ứng kịp thời, bảo đảm về số lượng và chất lượng các loại vật tư đầu vào phục vụ sản xuất. Các địa phương tuân thủ nghiêm khung thời vụ (toàn bộ lúa mùa được cấy trong khung thời vụ tốt nhất), và lựa chọn bộ giống phù hợp nên năng suất, chất lượng cao, có khả năng chống chịu sâu bệnh tốt.
“Cả giai đoạn lúa phân hóa đòng và trỗ bông, thời tiết nắng nóng kéo dài cộng với mưa bão tạo điều kiện cho sâu bệnh phát sinh. Tuy nhiên, Hà Nội đã chỉ đạo các địa phương bám sát đồng ruộng để phát hiện sâu bệnh và có hướng xử lý kịp thời. Đồng thời, Sở NN&PTNT Hà Nội cũng phối hợp với các địa phương khuyến cáo nông dân không bón phân rải rác mà bón thúc, bón tập trung. Đặc biệt, với diện tích lúa vùng trũng và các giống lúa thơm chất lượng cao, lúa nếp thì hạn chế sử dụng phân đạm. Đối với từng giai đoạn lúa phát triển có những cách chăm sóc khác nhau để cây trồng bảo đảm chất dinh dưỡng” - ông Nguyễn Mạnh Phương nhấn mạnh.
Chia sẻ về kinh nghiệm thu được từ vụ mùa năm nay, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Xuân Đại cho rằng: "Thắng lợi từ vụ mùa năm nay cho thấy, việc các địa phương đưa nhiều tiến bộ kỹ thuật mới về giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật vào sản xuất đã góp phần nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm. Các huyện cũng mở rộng ứng dụng hệ thống thâm canh lúa cải tiến (SRI), ứng dụng cơ giới hóa trong gieo cấy...".
Ngoài việc chuẩn bị các loại giống lúa, vật tư phục vụ sản xuất, ngành Nông nghiệp còn yêu cầu các đơn vị tiến hành nạo vét kênh mương, tu sửa gia cố các công trình thủy lợi bảo đảm kịp thời đưa nước vào phục vụ sản xuất. Sở NN&PTNT cũng phối hợp với các địa phương đẩy mạnh liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm bảo đảm đầu ra thuận lợi.
Thêm một mùa vàng bội thu, mùa của ấm no đến với người nông dân. Đây cũng là tiền đề quan trọng để nông dân Hà Nội sẵn sàng bước vào vụ sản xuất mới với kỳ vọng thắng lợi mới.
Dự kiến, năng suất lúa vụ mùa năm 2019 của thành phố đạt 53,3 tạ/ha, cao hơn 2-3 tạ/ha so với vụ mùa năm 2018; sản lượng lúa vụ mùa năm 2019 dự kiến đạt 443.639,66 tấn.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.