Theo dõi Báo Hànộimới trên

Hướng đến vụ mùa bội thu

Ngọc Quỳnh| 07/06/2023 06:11

(HNM) - Đến thời điểm này, các địa phương trên địa bàn Hà Nội đã cơ bản thu hoạch xong lúa vụ xuân 2023. Với năng suất lên tới hơn 62 tạ/ha, có thể khẳng định, vụ xuân 2023, Hà Nội giành thắng lợi lớn. Cùng với đó, khẩu hiệu “thu hoạch đến đâu, làm đất, gieo cấy đến đó” tiếp tục được người dân thực hiện để bảo đảm gieo trồng vụ lúa mùa 2023 theo đúng kế hoạch. Điều này đã và đang hứa hẹn cho một mùa vàng bội thu.

Thu hoạch lúa xuân tại xã Phú Kim (huyện Thạch Thất). Ảnh: Nguyễn Quang

Vụ sản xuất thắng lợi toàn diện

Vụ xuân năm nay được đánh giá là vụ sản xuất thắng lợi toàn diện, được mùa lúa, chi phí đầu tư lại giảm. 

Theo ông Nguyễn Văn Sang ở xã Cao Dương (huyện Thanh Oai), vụ xuân 2023, lúa ít bị sâu bệnh, nông dân không sử dụng nhiều thuốc bảo vệ thực vật, giảm chi phí đầu vào, năng suất lại cao, đạt hơn 62 tạ/ha.

Vụ xuân năm 2023, huyện Ba Vì gieo trồng 5.980,8ha, với các giống lúa: TBR225 - 3.775ha; VNR20 - 365ha; Thiên ưu 8 - 504,4ha; JO2, QR5 - 816,8ha, năng suất đạt khá cao (61,8 tạ/ha). Trưởng phòng Kinh tế huyện Ba Vì Nguyễn Giáp Đông thông tin, vụ lúa xuân 2023 thành công là do nông dân các địa phương thực hiện nghiêm việc chọn giống lúa ngắn ngày và tuân thủ lịch xuống giống của ngành Nông nghiệp khuyến cáo. Đối với các diện tích lúa nhỏ lẻ, không thực hiện được cơ giới hóa trong gieo trồng và thu hoạch, bà con nông dân chuyển dần sang trồng các cây rau màu khác.

Còn tại huyện Chương Mỹ, vụ xuân năm nay huyện đã gieo cấy 8.643,3ha, chủ yếu bằng các giống lúa thuần. Nhìn chung, vụ xuân 2023 nông dân trên địa bàn huyện chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh tốt, thời tiết thuận lợi, nên lúa trổ bông tốt, cho năng suất rất cao, lên tới 65 tạ/ha (tăng 0,5 tạ/ha so năm 2022). Tiêu biểu là các xã: Hoàng Diệu, Đồng Phú, Thủy Xuân Tiên, Quảng Bị, thị trấn Xuân Mai...

Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Hà Nội Lưu Thị Hằng đánh giá, vụ xuân 2023, toàn thành phố gieo trồng 82.354ha lúa, đạt 101,5% kế hoạch. Cơ cấu giống lúa tiếp tục chuyển dịch theo hướng mở rộng diện tích lúa chất lượng cao, chiếm 68,2%; nhóm giống lúa thuần chiếm 27,4%; giống lúa lai chiếm 4,4%. Đến nay, các địa phương cơ bản đã thu hoạch xong lúa vụ xuân, năng suất ước đạt 62,1 tạ/ha (trong khi năng suất lúa vụ xuân năm 2022 là 61,66 tạ/ha).

“Hà Nội có nhiều hoạt động hỗ trợ cho sản xuất lúa, nên các địa phương đã tích cực mở rộng diện tích sản xuất lúa chất lượng cao, như: Hỗ trợ 50% kinh phí mua giống TBR225, Thiên ưu cho 2.000ha của huyện Ba Vì; hỗ trợ 50% giống, 50% kinh phí mua khay và giá thể làm mạ cho mô hình mạ khay máy cấy tại huyện Ứng Hòa. Ngoài ra, thành phố còn hỗ trợ cho các địa phương công tác diệt chuột của tất cả diện tích gieo trồng...”, bà Lưu Thị Hằng cho biết thêm.

Gieo cấy trong khung thời vụ tốt nhất

Sau khi thu hoạch lúa xuân, nông dân các địa phương đang tập trung làm đất, gieo mạ, chuẩn bị các điều kiện, sẵn sàng cho một vụ mùa bội thu. 

 Làm đất chuẩn bị gieo cấy vụ lúa mùa tại xã Đốc Tín (huyện Mỹ Đức). Ảnh: Ánh Ngọc

Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Thạch Thất Nguyễn Kim Loan, vụ mùa 2023, huyện Thạch Thất phấn đấu gieo trồng 4.341,7ha, trong đó diện tích lúa là 3.444,3ha. Huyện đã yêu cầu các xã, thị trấn đẩy mạnh tuyên truyền để nông dân thực hiện nghiêm túc kế hoạch sản xuất vụ mùa, vụ đông 2023-2024, nhất là về thời vụ, cơ cấu giống; chủ động áp dụng khoa học, kỹ thuật vào gieo cấy, mở rộng diện tích gieo mạ khay, cấy lúa bằng máy hoặc gieo sạ, bảo đảm thời vụ tốt nhất cho sản xuất. Cùng với đó, thường xuyên kiểm tra, duy tu, khai thác tối đa năng lực của hệ thống công trình thủy lợi hiện có, chỉ đạo nạo vét kênh mương nội đồng, bảo đảm tưới tiêu, phòng, chống ngập úng cho lúa mùa.

Còn theo Trưởng phòng Kinh tế huyện Ứng Hòa Phạm Văn Hoạch, để vụ mùa 2023 giành thắng lợi, huyện yêu cầu các xã bảo đảm cung ứng đủ giống lúa, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, tập huấn quy trình thâm canh cho nông dân. Các xã cũng cần tăng cường công tác kiểm tra, bám sát đồng ruộng; đồng thời, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, hướng dẫn bà con cách chăm sóc và phòng, chống nóng cho mạ.

Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Mạnh Phương cho biết, vụ mùa năm nay, toàn thành phố phấn đấu gieo trồng khoảng 92.283ha, trong đó diện tích cấy lúa là 72.382ha. Trong số diện tích cấy lúa, thì nhóm giống lúa chất lượng cao chiếm 60%; nhóm giống lúa thuần, có năng suất cao chiếm 35-37%; nhóm giống lúa lai chiếm 3-5%. Theo đó, gieo mạ trà cực sớm và sớm từ ngày 1 đến 10-6, cấy từ ngày 12 đến 20-6; trà chính vụ gieo mạ từ ngày 10 đến 20-6, cấy từ ngày 20-6 đến 5-7; gieo thẳng từ ngày 10 đến 20-6. Các huyện tuyên truyền, vận động nông dân thu hoạch lúa xuân đến đâu, làm đất cấy ngay lúa mùa đến đó, bảo đảm gieo cấy trong khung thời vụ tốt nhất.

Đặc biệt, các địa phương cần theo dõi chặt chẽ tình hình thời tiết để thực hiện phương án điều tiết nước phù hợp, bảo đảm an toàn và vận hành hiệu quả các hồ chứa nước theo quy trình đã được phê duyệt; đồng thời, có phương án tích nước hợp lý, phục vụ cho sản xuất vụ mùa. Các địa phương cần bảo đảm cung cấp đủ nước tưới phục vụ sản xuất, đề phòng hạn hán vụ mùa và chủ động tiêu nước khi có mưa lớn xảy ra. Cùng với đó, làm tốt công tác dự tính, dự báo, thường xuyên kiểm tra đồng ruộng, phát hiện sâu bệnh hại để có biện pháp phòng trừ kịp thời, không để lây lan ra diện rộng.

“Hà Nội sẽ tiếp tục triển khai các chính sách hỗ trợ giống, kỹ thuật canh tác mới, cơ giới hóa trong nông nghiệp, diệt chuột, chế phẩm xử lý rơm rạ sau thu hoạch cho lúa. Tất cả để hướng đến mùa thu hoạch lúa bội thu tiếp theo”, ông Nguyễn Mạnh Phương cho hay.  

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Hướng đến vụ mùa bội thu

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.