(HNM) - Là địa phương có hoạt động kinh tế sôi động nhất nước, các doanh nghiệp trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh bắt đầu triển khai kế hoạch đẩy mạnh sản xuất, dự trữ hàng hóa, nhất là nhóm hàng lương thực, thực phẩm để chuẩn bị cung ứng cho mùa cao điểm mua sắm cuối năm.
Chị Trần Thị Bích Ngọc (công nhân làm việc tại Khu chế xuất Tân Thuận, quận 7) cho biết, mức lương năm nay không biến động nhiều nhưng giá cả hàng hóa tiêu dùng lại liên tục tăng nên gia đình chị đặt mục tiêu tiết kiệm chi tiêu trong dịp Tết Quý Mão 2023. “Hy vọng các mặt hàng thực phẩm như: Thịt, trứng - mặt hàng thiết yếu trong dịp Tết năm nay không khan hiếm, giá cả ổn định để người lao động thu nhập thấp được đón Tết vui vẻ, đầm ấm”, chị Ngọc chia sẻ.
Là một trong những doanh nghiệp sản xuất và phân phối thực phẩm chủ lực tại thành phố Hồ Chí Minh, hiện dây chuyền sản xuất của Công ty cổ phần Việt Nam Kỹ nghệ súc sản (Vissan) đã nắm bắt được xu thế mua sắm và bắt đầu tăng tốc để dự trữ nguồn hàng cung ứng cho mùa mua sắm cao điểm cuối năm. Theo đại diện Vissan, đơn vị này đã chuẩn bị nguồn vốn khoảng 710 tỷ đồng để đầu tư sản xuất, dự trữ nguồn hàng phục vụ Tết Quý Mão 2023, tăng 20% so với Tết Nhâm Dần 2022. Riêng thực phẩm tươi sống (chủ yếu là thịt lợn), Tết năm nay Vissan chuẩn bị 2.000 tấn, tăng 30% so với Tết Nhâm Dần 2022. Đối với thực phẩm chế biến, Vissan chuẩn bị 4.200 tấn, tăng 10% so với Tết năm ngoái.
Phó Tổng Giám đốc Vissan Phan Văn Dũng cho biết, trước bối cảnh kinh tế còn khó khăn, Tết Nguyên đán năm nay khả năng người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu nên sẽ quan tâm nhiều hơn đến giá cả hàng hóa, nhất là nhóm mặt hàng lương thực, thực phẩm. Vì vậy, Vissan sẽ thực hiện các chương trình khuyến mại theo hình thức "cuốn chiếu", cả mặt hàng thực phẩm tươi sống và chế biến. Đặc biệt, giá sản phẩm chế biến giảm sâu nhất lên tới 25%.
Bên cạnh sản phẩm thịt, trứng cũng là sản phẩm “hút hàng” dịp cuối năm. Là đơn vị sản xuất trứng gia cầm lớn tại thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh lân cận, Tết Quý Mão tới Công ty cổ phần Ba Huân sẽ tăng 20% sản lượng so với Tết Nhâm Dần 2022. Trao đổi với phóng viên Báo Hànộimới, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Ba Huân Phạm Thị Huân cho biết, là đơn vị tham gia chương trình bình ổn thị trường của thành phố Hồ Chí Minh, công ty phải chủ động dự trữ nguồn nguyên liệu để không làm gián đoạn sản xuất. Đồng thời, đơn vị cố gắng kìm giữ giá bán sản phẩm trong bối cảnh chi phí đầu vào tăng.
Theo Hội Lương thực thực phẩm thành phố Hồ Chí Minh (FFA), thời điểm này giá nguyên vật liệu đầu vào vẫn còn cao hơn từ 20% đến 30% so với trước đây nên đã đẩy giá thành trên mỗi sản phẩm tăng lên. Điều này ảnh hưởng đáng kể đến kế hoạch sản xuất, kinh doanh cũng như năng lực dự trữ hàng hóa của các doanh nghiệp hoạt động trong ngành lương thực, thực phẩm để phục vụ mùa mua sắm cuối năm. Do đó, FFA kiến nghị UBND thành phố Hồ Chí Minh rút ngắn thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, hỗ trợ tiếp cận vốn vay với lãi suất ưu đãi để doanh nghiệp tăng năng lực sản xuất, giữ giá bán sản phẩm.
Sở Công Thương thành phố Hồ Chí Minh cho biết, chương trình bình ổn thị trường của thành phố năm nay có 69 doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh tham gia, trong đó có nhiều doanh nghiệp quy mô lớn, chiếm thị phần cao. Riêng nhóm mặt hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu có 39 doanh nghiệp, tăng 4 doanh nghiệp so với năm 2021. Sản lượng hàng hóa của 39 doanh nghiệp này đăng ký tham gia bình ổn thị trường cũng tăng mạnh so với năm ngoái. Số lượng doanh nghiệp cũng như sản lượng hàng hóa tham gia bình ổn thị trường chiếm “áp đảo” nguồn cung hàng hóa tiêu dùng tại thị trường thành phố nên giữ vai trò điều tiết thị trường, khả năng thiếu hàng, tăng giá sẽ không xảy ra.
Ngoài ra, Phó Giám đốc Sở Công Thương thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Nguyên Phương cho biết, bên cạnh chương trình bình ổn thị trường với sự tham gia của nhiều nhà sản xuất, phân phối lớn, thành phố còn triển khai chương trình kết nối cung cầu (dự kiến diễn ra từ giữa tháng 11-2022) với sự góp mặt của nhiều nhà cung cấp sản phẩm thiết yếu, sản phẩm mới, đặc trưng tại mỗi địa phương để bổ sung vào nguồn hàng cung ứng cho mùa mua sắm cuối năm trên địa bàn thành phố.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.