Theo dõi Báo Hànộimới trên

VNPT đẩy mạnh tái cấu trúc khối công nghệ thông tin

Châu Anh| 07/12/2016 06:51

(HNM) - Tại buổi đánh giá kết quả thực hiện đề án tái cơ cấu Tập đoàn VNPT giai đoạn 2014-2015 diễn ra trong tháng 11-2016, lãnh đạo VNPT cho biết sẽ tái cấu trúc khối công nghệ thông tin (CNTT) theo hướng xây dựng một đơn vị mạnh, tập trung tại Tập đoàn và phát huy nguồn lực CNTT tại các đơn vị thành viên.


Bên cạnh các lĩnh vực thế mạnh như viễn thông, VNPT Hà Nội sẽ đẩy mạnh khai thác công nghệ thông tin.


Nhiều dự án về công nghệ thông tin

Trong 2 năm 2014-2015, bên cạnh việc đổi mới mô hình tổ chức theo đề án tái cơ cấu, VNPT đã định hướng chuyển dịch mô hình tăng trưởng từ các dịch vụ viễn thông (VT) truyền thống sang các dịch vụ CNTT, nội dung và giá trị gia tăng. Cụ thể, VNPT đã lần lượt ký thỏa thuận hợp tác với gần 50 đơn vị là UBND các tỉnh, thành phố, bộ, ngành, doanh nghiệp... để triển khai hợp tác về VT-CNTT. Trong đó, với các tỉnh, thành phố, bộ, ngành, bên cạnh việc xây dựng hạ tầng VT-CNTT để giúp các đơn vị triển khai Chính phủ điện tử, an toàn, an ninh thông tin, VNPT còn giúp các đơn vị đào tạo nguồn nhân lực VT-CNTT. Với các doanh nghiệp, thông qua việc hợp tác này, VNPT giúp các đơn vị nâng cao hiệu quả quản lý, kinh doanh...

Không chỉ vậy, thời gian gần đây, VNPT liên tục ký thỏa thuận hợp tác xây dựng “thành phố thông minh” với một số tỉnh, thành phố, như huyện đảo Phú Quốc (tỉnh Kiên Giang), TP Đà Lạt (tỉnh Lâm Đồng) và TP Hồ Chí Minh. Để triển khai mô hình thành phố thông minh này, VNPT cùng với đối tác cũng như các địa phương trên sẽ phải lựa chọn “đầu bài” để giải quyết các vấn đề lớn nhằm giúp chính quyền địa phương quản lý các nguồn lực một cách hiệu quả nhất cũng như đem lại các tiện ích cho người dân.

Trước đó, VNPT cũng đã phát triển, triển khai các sản phẩm, phần mềm như hệ thống cổng thông tin điện tử và hệ thống hành chính công một cửa tại hơn 40 tỉnh, thành phố; phần mềm quản lý bệnh viện (VNPT HIS) đã được triển khai tại hơn 5.000 cơ sở y tế trên toàn quốc; hệ thống quản lý trường học (VnEdu) tại 9.100 trường; hệ thống quản lý văn bản điều hành tại các cơ quan trung ương... Điều đó cho thấy, lĩnh vực CNTT tại Tập đoàn đã được phát triển nhanh, mạnh, mà trong đó nhu cầu cần nguồn nhân lực CNTT lớn để đáp ứng nhu cầu phát triển của Tập đoàn.

Cần 10.000 kỹ sư công nghệ

Thực tế, VNPT đã tập trung được nguồn lực CNTT rải rác tại các đơn vị thành viên, thành lập Công ty VNPT Soft (thuộc Tổng công ty VNPT VinaPhone) và các trung tâm CNTT thuộc 63 VNPT tỉnh, thành phố. Tổng công ty VNPT - Media cũng đã thành lập Công ty Phần mềm VNPT Media Software để xây dựng các nền tảng dịch vụ giá trị gia tăng (VAS), các giải pháp CNTT đáp ứng nhu cầu thị trường. Nhưng theo Chủ tịch HĐTV Tập đoàn VNPT Trần Mạnh Hùng thì mảng dịch vụ CNTT của VNPT đã phát triển khá nhanh và mạnh, với nhiều yêu cầu mới từ thị trường; vì vậy, trong thời gian tới, VNPT sẽ tái cấu trúc khối CNTT theo hướng xây dựng một đơn vị mạnh, tập trung để phát huy các nguồn lực và phát triển mảng dịch vụ CNTT. Đơn vị này sẽ trực thuộc Tập đoàn.

Tại buổi ký kết thỏa thuận hợp tác với Trường Đại học Bách khoa Hà Nội cuối tháng 10-2016, Chủ tịch HĐTV Tập đoàn VNPT Trần Mạnh Hùng đã cho biết, để phù hợp với xu hướng phát triển VNPT điều chuyển gần 2.000 người sang đào tạo về CNTT. Tỷ lệ nhân lực khối CNTT trong Tập đoàn sẽ ngày càng tăng và tỷ lệ nhân lực điện tử viễn thông sẽ ngày càng giảm. Dự kiến, đến năm 2020, VNPT cần khoảng 10.000 người chuyên về CNTT. Do vậy, một trong những nhiệm vụ được VNPT đẩy mạnh nhằm hiện thực hóa các mục tiêu đó là thực hiện ký thỏa thuận hợp tác với các trường đại học trong nước, trong đó Đại học Bách khoa Hà Nội sẽ đào tạo và cung ứng nguồn nhân lực chuyên môn cao cho VNPT. Trước đó, VNPT cũng đã ký thỏa thuận hợp tác với Học viện Công nghệ bưu chính viễn thông để đào tạo nguồn nhân lực VT-CNTT cho Tập đoàn.

Cùng với việc hợp tác với các cơ sở đào tạo hàng đầu trong nước, VNPT cũng công bố dành Quỹ Khoa học công nghệ với kinh phí gần 500 tỷ đồng và hằng năm có thể trích thêm 300-400 tỷ đồng nữa để đầu tư cho khoa học công nghệ. Điều đó cho thấy VNPT đã rất chú trọng đầu tư cho sáng tạo để phát triển.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
VNPT đẩy mạnh tái cấu trúc khối công nghệ thông tin

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.