Theo dõi Báo Hànộimới trên

Vĩnh Phúc cần đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công

Theo Lê Sơn (Chinhphu.vn)| 24/08/2020 14:49

Đây là ý kiến chỉ đạo của Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình tại cuộc làm việc sáng 24-8 với lãnh đạo chủ chốt tỉnh Vĩnh Phúc về công tác giải ngân vốn đầu tư công trên địa bàn tỉnh thời gian qua, phương hướng và giải pháp trong thời gian tới.

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình phát biểu tại cuộc làm việc. Ảnh: VGP/Lê Sơn

Lập các đoàn công tác kiểm tra, tháo gỡ khó khăn

Báo cáo với Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ và Đoàn công tác, Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc Nguyễn Văn Trì cho biết, với bối cảnh tình hình dịch bệnh Covid-19 trong các tháng đầu năm 2020 đã ảnh hưởng nhiều tới tốc độ phát triển kinh tế - xã hội, tỉnh xác định giải ngân vốn đầu tư công là động lực tạo đà cho phát triển.

Do vậy, tỉnh Vĩnh Phúc đã quyết liệt chỉ đạo triển khai thực hiện kế hoạch đầu tư công ngay từ đầu năm với việc tổ chức hội nghị chuyên đề giải pháp cấp bách về tăng trưởng kinh tế, tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội và đẩy mạnh công tác đầu tư công.

Ban Thường vụ Tỉnh ủy trực tiếp chỉ đạo cấp ủy các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố ký cam kết đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng, thực hiện hoàn thành 100% kế hoạch đầu tư công năm 2020, hoàn thành mục tiêu tăng trưởng năm 2020.

Trong tháng 8-2020, UBND tỉnh Vĩnh Phúc đã tổ chức 5 đoàn công tác của lãnh đạo UBND tỉnh trực tiếp kiểm tra thực tế tình hình triển khai thực hiện kế hoạch đầu tư công tại các sở, ban, ngành và UBND các huyện, thành phố và tại hiện trường dự án có vướng mắc để đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân đầu tư công năm 2020.

Khối lượng thực hiện và giải ngân vốn đến ngày 31-7-2020 đạt 3.491,027 tỷ đồng, bằng 52,7% kế hoạch vốn đầu tư công do Chính phủ giao; khối lượng thực hiện và giải ngân vốn đến ngày 21-8-2020 đạt 3.765,873 tỷ đồng, bằng 56,85% kế hoạch vốn đầu tư công do Chính phủ giao; ước khối lượng thực hiện và giải ngân vốn đến hết quý III-2020 đạt 4.890 tỷ đồng, bằng 73,8% kế hoạch vốn đầu tư công do Chính phủ giao.

Tỉnh Vĩnh Phúc xác định việc đẩy mạnh thực hiện kế hoạch đầu tư công và thực hiện giải ngân 100% kế hoạch được giao là nhiệm vụ chính trị trọng tâm năm 2020 của các cấp ủy Đảng, chính quyền trên địa bàn tỉnh, nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, thực hiện cao nhất các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2020 trong bối cảnh đại dịch Covid-19.

Sau khi nghe báo cáo của tỉnh về tình hình phát triển kinh tế - xã hội, kết quả giải ngân vốn đầu tư công, tháo gỡ khó khăn, phát biểu của đại diện các bộ, ngành, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình đánh giá cao, biểu dương nỗ lực, cố gắng khắc phục khó khăn của cấp ủy Đảng, chính quyền, quân và nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc về những kết quả mà tỉnh đã đạt được trong những năm qua, đóng góp quan trọng vào kết quả chung của cả nước.

Theo đó, tỉnh Vĩnh Phúc đã nỗ lực, quyết tâm cao, sáng tạo, đổi mới trong chỉ đạo, điều hành để kinh tế có những bước phát triển khá toàn diện.

Giai đoạn 2016-2019, tăng trưởng kinh tế duy trì mức tăng trưởng khá với mức tăng bình quân 8,05%/năm, cao hơn so với bình quân cả nước. Tỷ lệ tổng thu ngân sách nhà nước/GRDP ở mức cao, đạt khoảng 129,813 nghìn tỷ đồng, tăng bình quân 8,29%/năm, trung bình toàn giai đoạn đạt tới 30,36%/năm, vượt mục tiêu kế hoạch đề ra (22-23% GRDP/năm); cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực, công nghiệp - xây dựng tiếp tục giữ vai trò đầu tàu trong tăng trưởng kinh tế của tỉnh, ước đạt 10,61%/năm, cao hơn mức 10,15%/năm của giai đoạn 2011-2015, vượt xa mục tiêu kế hoạch 5 năm 2016-2020 đề ra là 7-7,5% và chiếm đến 62,42% tổng giá trị tăng thêm của ba khu vực năm 2019.

GRDP bình quân đầu người tăng bình quân 7,73%/năm, vượt mức bình quân của cả nước; năm 2019, đạt 103,1 triệu đồng/người (tương đương 4.450 USD), cao gấp 1,6 lần so với mức trung bình của cả nước (2.800 USD), đứng 4/11 tỉnh thuộc Vùng Đồng bằng sông Hồng và đứng vị trí thứ 10 toàn quốc.

Về giải ngân vốn đầu tư công năm 2020, Phó Thủ tướng Thường trực đánh giá cao Ban Thường vụ Tỉnh ủy Vĩnh Phúc đã quyết liệt chỉ đạo cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng, phấn đấu hoàn thành 100% kế hoạch đầu tư công năm 2020, tập trung ưu tiên nguồn lực để thực hiện các dự án.

Theo báo cáo của tỉnh Vĩnh Phúc, giải ngân 7 tháng của năm 2020 cao hơn mức bình quân của cả nước. Hiện nay, có 28 dự án không giải ngân hết kế hoạch vốn được giao với tổng kế hoạch vốn không giải ngân được là 300,727 tỷ đồng.

Đối với kết quả triển khai thực hiện các giải pháp, chính sách hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, đã triển khai chính sách cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ như: Cho vay mới với lãi suất thấp hơn từ 0,5-2%/năm so với lãi suất khoản vay cũ với dư nợ đạt 8.051 tỷ đồng; miễn, giảm lãi vay, cơ cấu lại thời gian trả nợ với dư nợ đạt 1.664 tỷ đồng; cơ cấu lại thời hạn trả nợ với dư nợ đạt 395 tỷ đồng.

Gia hạn tiền thuế và tiền thuê đất cho 849 doanh nghiệp, tổ chức, hộ gia đình, cá nhân kinh doanh với tổng số tiền 765,166 tỷ đồng, trong đó, hỗ trợ 763,628 tỷ đồng cho doanh nghiệp và 1,538 tỷ đồng cho hộ gia đình và cá nhân.

Đến nay, Vĩnh Phúc là một trong 5 tỉnh có 100% số xã đạt chuẩn nông thôn mới; 4/9 huyện, thành phố đạt chuẩn nông thôn mới.

Hiện đại hóa nền hành chính được tăng cường, Vĩnh Phúc là tỉnh đầu tiên trong cả nước triển khai được phần mềm ứng dụng Bộ phận một cửa đồng bộ ở cả ba cấp, bảo đảm liên thông theo “chiều ngang”, “chiều dọc” khi thực hiện giải quyết thủ tục hành chính.

Các lĩnh vực văn hóa, xã hội có nhiều tiến bộ, an sinh xã hội được bảo đảm, đời sống người dân được nâng lên. Tỷ lệ hộ nghèo còn 1,46%, hết năm 2019, toàn tỉnh không còn hộ nghèo thuộc đối tượng chính sách người có công; không có hộ nghèo ở nhà dột nát, nhà thiếu kiên cố; 100% người nghèo trong độ tuổi lao động có yêu cầu đều được hỗ trợ đào tạo nghề và giới thiệu việc làm phù hợp. Tỷ lệ dân số có bảo hiểm y tế tăng từ 71,19% năm 2015 lên 92,5% năm 2019 (cao hơn trung bình toàn quốc 2,5%).

Ảnh: VGP/Lê Sơn

Nhìn thẳng vào hạn chế, yếu kém

Bên cạnh những kết quả đạt được, Phó Thủ tướng Thường trực đề nghị cần thẳng thắn nhìn nhận hạn chế, yếu kém để có giải pháp quyết liệt khắc phục trong thời gian tới.

Đó là, 6 tháng đầu năm 2020, tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) -2,7% (do phụ thuộc chủ yếu vào các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài, dịch bệnh Covid-19 một số doanh nghiệp phải ngừng sản xuất); thu ngân sách đạt thấp, bằng 84% so với cùng kỳ; thu hút vốn FDI chỉ bằng 32,1% so với cùng kỳ năm 2019.

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình chỉ rõ: Giải ngân kế hoạch đầu tư công còn chậm, các chủ đầu tư chưa triển khai lập kế hoạch giải ngân cụ thể, chi tiết cho từng dự án để phấn đấu thực hiện giải ngân vốn trong tháng tiếp theo. Một số chính quyền, đoàn thể ở địa phương chưa tích cực vào cuộc trong công tác giải phóng mặt bằng; thiếu sự phối hợp chặt chẽ với chủ đầu tư dự án do các sở, ban, ngành quản lý. Một số dự án khởi công mới trong năm 2020 có sử dụng đất vướng mắc chưa có kế hoạch sử dụng đất dẫn đến chậm triển khai dự án; việc huy động nhân công gặp khó khăn đã ảnh hưởng tới tiến độ thi công một số dự án lớn, trọng điểm của tỉnh.

Còn một số vi phạm trong quản lý sử dụng đất, khai thác khoáng sản trái phép, nhất là tình trạng lấn chiếm đất, sử dụng đất không đúng mục đích còn xảy ra, chưa được sự quan tâm xử lý đúng mức của cấp có thẩm quyền; công tác thanh tra, xử lý vi phạm trong công tác quản lý đất đai, khoáng sản của chính quyền cơ sở chưa hiệu quả; ô nhiễm môi trường khu vực nông thôn, làng nghề vẫn còn xảy ra. Ví dụ, vụ việc xảy ra tại hồ Đại Lải cần được sớm giải quyết dứt điểm.

Quyết tâm cao trong thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm

Đề cập đến phương hướng, nhiệm vụ thời gian tới, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình nêu rõ, trong bối cảnh tình hình dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến hết sức phức tạp trên thế giới, nhằm tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, phục hồi phát triển kinh tế, Đảng bộ, chính quyền tỉnh Vĩnh Phúc cần quyết tâm, nỗ lực thực hiện tốt các nhiệm vụ trọng tâm.

Đó là thực hiện "mục tiêu kép" có hiệu quả, không để dịch bệnh bùng phát trở lại, tăng cường hơn nữa các giải pháp cho phát triển kinh tế - xã hội. Tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 84/NQ-CP ngày 29-5-2020 của Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công và bảo đảm trật tự an toàn xã hội trong bối cảnh đại dịch Covid-19. Khẩn trương đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng, thi công, giải ngân các dự án, trọng tâm là các dự án trọng điểm, các dự án có vốn bố trí lớn, dự án hoàn thành trong năm 2020. Tăng cường giám sát, kiểm tra phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong việc thực hiện nhiệm vụ đầu tư công.

Đặc biệt, để công tác giải ngân đầu tư công có hiệu quả, Phó Thủ tướng Thường trực chỉ rõ, cần rà soát và phân loại các dự án đầu tư công làm 3 loại chính. Đó là: Những dự án đã hoàn thành cần khẩn trương thực hiện các thủ tục thanh quyết toán; đối với những dự án có khả năng hoàn thành trong năm 2020 thì tập trung tháo gỡ vướng mắc, khó khăn, chỉ rõ khó khăn, vướng mắc cụ thể, thẩm quyền giải quyết của chính quyền các cấp; rà soát, kiên quyết điều chuyển nguồn vốn đầu tư công từ các dự án có tỷ lệ giải ngân thấp sang các dự án có khả năng hoàn thành, giải ngân cao, nhu cầu vốn lớn mà khi hoàn thành có tác động lan tỏa đối với phát triển kinh tế - xã hội theo quy định của Luật Đầu tư công và các văn bản hướng dẫn của Chính phủ, cơ quan trung ương. Phấn đấu hoàn thành giải ngân 100% kế hoạch vốn đầu tư công năm 2020.

Tỉnh sớm hoàn thiện và hướng dẫn triển khai thống nhất toàn tỉnh hệ thống thông tin về đầu tư, giải ngân vốn ngân sách nhà nước theo quy định để kịp thời cập nhật tình hình giải ngân, phục vụ điều hành, triển khai kế hoạch vốn đầu tư công.

Nhấn mạnh về vai trò của người đứng đầu các cấp, các ngành đối với công tác này, Phó Thủ tướng Thường trực nêu rõ, phải coi việc đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công là nhiệm vụ chính trị trọng tâm năm 2020; tích cực chủ động rà soát, tháo gỡ hoặc đề xuất cấp có thẩm quyền giải quyết các vướng mắc liên quan đến thủ tục đầu tư, khi triển khai thực hiện các chương trình, dự án và giải ngân vốn đầu tư công, đặc biệt là các dự án sử dụng vốn ODA theo quy định tại Nghị định 56/2020/NĐ-CP về quản lý và sử dụng ODA, vay ưu đãi nước ngoài.

Trường hợp giải ngân không đạt tiến độ, xem xét điều chuyển chủ đầu tư dự án theo thẩm quyền; thực hiện việc tổ chức lựa chọn nhà thầu qua mạng, bảo đảm công khai, minh bạch, bảo đảm nhà thầu có năng lực triển khai thực hiện dự án. Nếu không làm tốt, có thể trung ương sẽ điều chuyển vốn cho địa phương khác thực hiện.

Tăng cường quản lý nhà nước trong lĩnh vực đất đai, tài nguyên khoáng sản theo hướng tiết kiệm đất, tiết kiệm tài nguyên khoáng sản, phát triển xanh. Làm tốt công tác bảo vệ môi trường, nhất là môi trường trong các khu công nghiệp, khu du lịch, làng nghề, đô thị, vùng nông thôn để nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân.

Đồng thời, tỉnh nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác cải cách thủ tục hành chính, trọng tâm là thủ tục hành chính; coi trọng chất lượng, trách nhiệm đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, nhất là trách nhiệm của người đứng đầu. Tăng cường sự giám sát của người dân, doanh nghiệp đối với hoạt động của cơ quan hành chính nhà nước; xử lý nghiêm, ngăn chặn tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp trong giải quyết công việc, đảm bảo nguyên tắc “lấy người dân, doanh nghiệp là trung tâm phục vụ”. Cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh thuộc 10 tỉnh dẫn đầu của cả nước.

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ đề nghị tỉnh Vĩnh Phúc cần tiếp tục giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội; tăng cường phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tự diễn biến, tự chuyển hóa; phòng, chống tội phạm, kiềm chế tai nạn giao thông, tín dụng đen, tệ nạn ma túy, cờ bạc. Tăng cường đối thoại trực tiếp với người dân; giải quyết dứt điểm đơn thư khiếu nại, tố cáo ngay từ cơ sở. Tập trung triển khai tổ chức tốt đại hội đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2020-2025, tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.

Đối với những kiến nghị của tỉnh Vĩnh Phúc, Phó Thủ tướng Thường trực giao các bộ, ngành tiếp thu đầy đủ, nghiên cứu và đề xuất cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định. Nhất là việc sớm rà soát, sửa đổi các quy định của pháp luật cho phù hợp với thực tiễn nhằm tháo gỡ khó khăn, tăng cường phân cấp, hướng dẫn cho địa phương trong điều kiện dịch bệnh như hiện nay để quá trình giải ngân vốn đầu tư công hiệu quả hơn.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Vĩnh Phúc cần đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.