Theo dõi Báo Hànộimới trên

Việt Nam sẽ trở thành nền kinh tế lớn trong khu vực

Đình Hiệp| 06/05/2011 07:11

(HNM) - Hội nghị thường niên lần thứ 44 của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), sự kiện quan trọng nhất trong năm của ADB lần đầu tiên được tổ chức tại Hà Nội từ ngày 3 đến 6-5, đang thu hút sự quan tâm đặc biệt của dư luận thế giới. Phóng viên Hànộimới ghi nhanh ý kiến của một số đại biểu trong số khoảng 3.600 đại biểu của gần 70 quốc gia tham dự hội nghị.

Ông Walter Mayr, Giám đốc Công ty Tư vấn quốc tế AIC của Áo:
Việt Nam đã phát triển vượt bậc

Lần đầu tiên tôi đến Hà Nội năm 1976, đúng một năm sau khi Việt Nam hoàn toàn thống nhất. Việt Nam khi đó còn là nước nghèo do chiến tranh tàn phá. Đúng 35 năm sau, khi trở lại Việt Nam để tham dự Hội nghị thường niên lần thứ 44 của ADB tại Hà Nội, tôi đã thực sự ngỡ ngàng trước sự phát triển vượt bậc của đất nước các bạn. Tôi đánh giá rất cao công tác chuẩn bị của nước chủ nhà Việt Nam cho sự kiện quan trọng này. Tôi được nghe nhiều ý kiến của các chuyên gia kinh tế, tài chính... thảo luận về những thách thức cũng như cách ứng phó với khủng hoảng kinh tế của Việt Nam và khu vực châu Á. Tôi đánh giá cao những nỗ lực của Chính phủ Việt Nam trong việc thúc đẩy nền kinh tế phát triển.

Ông Ayumi Konishi, Giám đốc Quốc gia ADB tại Việt Nam:
Cần có thời gian để "liều thuốc" chống lạm phát phát huy tác dụng

Tôi đánh giá cao việc Chính phủ Việt Nam đã triển khai các giải pháp đúng đắn để kiểm soát lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô. Trong đó, Nghị quyết 11 của Chính phủ Việt Nam là một giải pháp tốt. Tuy nhiên chúng ta cần nhìn nhận rằng, bất cứ chính sách kiểm soát lạm phát nào, kể cả chính sách đúng đắn, đều cần thời gian để "liều thuốc" đó phát huy tác dụng. Tôi tin rằng, từ tháng 5, chỉ số lạm phát ở Việt Nam sẽ giảm dần khi chính sách đúng đắn của Chính phủ phát huy hiệu quả. Việt Nam dự kiến thu nhập trung bình sẽ đạt từ 3.000-3.200 USD/người/năm đến năm 2020. Để đạt được mục tiêu này thì ngoài hoàn thiện thể chế, Việt Nam cần tập trung nỗ lực nâng cao nguồn nhân lực chất lượng cao, tăng năng suất lao động, đặc biệt là tăng trưởng nhanh, bền vững, phát triển cơ sở hạ tầng đồng bộ.

Ông R.K.Dubey, Giám đốc điều hành Ngân hàng Trung ương Ấn Độ:
Kiềm chế lạm phát cần các giải pháp đồng bộ

Tôi đánh giá cao quyết tâm của Chính phủ Việt Nam trong việc khắc phục tác động của khủng hoảng tài chính toàn cầu và đang phấn đấu để đưa Việt Nam cơ bản thành một nước công nghiệp phát triển theo hướng hiện đại. Tôi cho rằng, để kiềm chế lạm phát hiệu quả Chính phủ cần có những giải pháp kịp thời và đồng bộ. Thời gian qua, Ngân hàng Trung ương Ấn Độ đã đưa ra nhiều biện pháp như tăng lãi suất cơ bản, tăng tỷ lệ dự trữ bắt buộc... Đây là những biện pháp cơ bản nhất. Ngoài ra, chúng tôi cũng phải thực hiện chiến lược trợ giá đối với các mặt hàng lương thực, thực phẩm; tăng chi đối với khu vực nông thôn để bảo đảm an sinh xã hội và an ninh lương thực…

Ông Rajat Nag, Giám đốc điều hành ADB:
Nợ công của Việt Nam không đáng lo ngại

Sau một thập kỷ tăng trưởng nhanh, Việt Nam đang đối mặt với nhiều thách thức, đặc biệt là lạm phát ngắn hạn, quản trị công, nhân khẩu học và trách nhiệm giải trình. Tuy nhiên, kinh tế Việt Nam có nhiều tiềm năng thoát bẫy thu nhập trung bình và trở thành một nền kinh tế lớn trong khu vực châu Á, nếu áp dụng những chính sách đúng đắn và thiết lập được một nền quản trị công tốt. Là một nhà tài trợ đa phương lớn của Việt Nam, ADB không quan ngại về vấn đề nợ công của Việt Nam. Điều quan trọng là các khoản nợ đó được sử dụng như thế nào. Nếu các khoản nợ này được sử dụng cho các dự án đầu tư hiệu quả, chẳng hạn như đầu tư cho cơ sở hạ tầng, yếu tố sẽ giúp nền kinh tế tăng trưởng tốt hơn thì đó là một dấu hiệu tốt.

Ông Raymond Lui, Giám đốc Trung tâm Cục Phát triển doanh nghiệp quốc tế Singapore tại Việt Nam:
Chúng tôi đang dõi theo sự phát triển của Việt Nam

Chúng tôi vẫn dõi theo sự phát triển kinh tế và những thay đổi trong chính sách của Việt Nam. Cục Phát triển doanh nghiệp quốc tế Singapore tin tưởng vào tiềm năng lâu dài của nền kinh tế Việt Nam. Chúng tôi vẫn không ngừng khuyến khích quan hệ hợp tác kinh doanh và đầu tư của các doanh nghiệp Singapore trên các lĩnh vực như phát triển đô thị và hạ tầng, các ngành dịch vụ như giao thông vận tải, logistics và công nghệ thông tin. Chúng tôi cũng khuyến khích các doanh nghiệp Việt Nam sử dụng lợi thế của Singapore là một trung tâm tài chính để huy động vốn và tăng trưởng xuất khẩu ra phần còn lại của thế giới.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Việt Nam sẽ trở thành nền kinh tế lớn trong khu vực

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.