(HNM) - Trong 8 chương trình công tác lớn của Thành ủy Hà Nội khóa XVI, Chương trình số 07-CTr/TU ngày 26-4-2016 về “Nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016-2020” được xác định từ đầu là nhiệm vụ khó.
Lường trước điều đó, Thành ủy Hà Nội đã chỉ đạo xây dựng và thực hiện 13 chuyên đề với những nội dung rất cụ thể, giao trách nhiệm rõ ràng cho các sở, ngành, đơn vị thực hiện. Nhìn tổng thể, đây là những giải pháp đồng bộ, toàn diện, huy động sức mạnh tổng hợp nhằm nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.
Điều đáng mừng là đến nay, trong 13 chuyên đề, một số chuyên đề đã thu được kết quả bước đầu khả quan, góp phần củng cố niềm tin trong nhân dân đối với công cuộc phòng, chống “giặc nội xâm” của Đảng, Nhà nước ta.
Tuy nhiên, cũng như tình hình chung của cả nước, Ban Chỉ đạo thực hiện Chương trình số 07-CTr/TU đã thừa nhận còn có một số hạn chế trong công tác phòng, chống tham nhũng; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Đó là tính chủ động trong công tác tự kiểm tra, phát hiện sai phạm còn hạn chế. Công tác tổ chức và thực hiện kết luận sau thanh tra thiếu kịp thời. Việc thu hồi tài sản trong các vụ án tham nhũng còn nhiều khó khăn. Một số lĩnh vực tiềm ẩn nguy cơ tham nhũng cao, nhất là "tham nhũng vặt” chưa có biện pháp hữu hiệu để phát hiện và xử lý tận gốc.
Nhận rõ thực trạng trên để thấy rằng, công cuộc phòng, chống tham nhũng; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí cần phải làm bền bỉ, bài bản và không được nóng vội. Do đó, việc đầu tiên cần làm là rà soát, chỉ ra các lĩnh vực, các khâu công việc, các địa bàn “nóng” xảy ra tham nhũng để xây dựng các chuyên đề, kế hoạch ngăn chặn. Ban Nội chính Thành ủy, cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo Chương trình số 07-CTr/TU tập trung bóc tách cụ thể, rõ địa chỉ những cấp ủy, địa phương, cơ quan, đơn vị liên quan đến những hạn chế, khuyết điểm; làm rõ số liệu về tự phát hiện, tự xử lý tham nhũng của các cơ quan, đơn vị, địa phương; đánh giá rõ việc các cơ quan, đơn vị, tổ chức, địa phương xây dựng báo cáo đánh giá tiềm ẩn nguy cơ tham nhũng và kế hoạch khắc phục ra sao...
Ngoài ra, mấu chốt để đấu tranh phòng, chống tham nhũng hiệu quả là mọi cán bộ, đảng viên, trước hết là người đứng đầu, phải gương mẫu, tự giác, thống nhất cao về ý chí và hành động; không sợ mất uy tín, không sợ khuyết điểm; trái lại, phải mạnh dạn làm để giữ gìn uy tín, củng cố niềm tin của nhân dân và phải công khai để nhân dân biết, ủng hộ và giám sát. Cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong bộ máy chính quyền TP Hà Nội cần nghiêm túc thực hiện “Năm nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị”; thực hiện phương châm “5 rõ” trong mọi khâu của quá trình thi hành công vụ, nhiệm vụ.
Cùng với đó là rà soát và mạnh dạn đề xuất với trung ương sửa đổi các luật, nghị định không còn phù hợp để tăng cường hiệu quả công tác phòng chống với phương châm cán bộ không thể tham nhũng, không dám tham nhũng, không muốn tham nhũng. Tất nhiên, một hệ thống pháp luật dù chặt chẽ đến mấy cũng khó có thể bịt kín những kẽ hở trước lòng tham của con người. Vì thế, cùng với việc hoàn thiện thể chế quản lý kinh tế, cần tăng cường sự giám sát của Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể và mỗi người dân với những cơ chế cụ thể, hiệu quả hơn nữa.
…Những “hồi trống lệnh” chống tham nhũng, lãng phí đang gióng giả hơn bao giờ hết. Với quyết tâm cao của Đảng, sự hỗ trợ, giám sát tích cực của nhân dân, chắc chắn sẽ tạo ra những chuyển động đột phá, giúp cho cuộc chiến chống “giặc nội xâm” ở Hà Nội nói riêng và toàn quốc nói chung có chuyển biến mạnh về chất và thành công hơn nữa.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.