(HNM) - Văn hóa, văn minh nơi công sở, hiểu đơn giản là bầu không khí làm việc gần gũi, thân thiện, đúng quy định và hiệu quả ở mỗi cơ quan, đơn vị. Chủ thể làm nên điều đó chính là những cán bộ, công chức, viên chức thực thi công vụ; những tổ chức, công dân, doanh nghiệp tương tác với cơ quan nhà nước để giải quyết thủ tục hành chính…
Xác định tầm quan trọng của văn hóa công sở, thành phố Hà Nội luôn rất chú trọng việc nâng cao ý thức, trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức Thủ đô. Đặc biệt, trong những năm gần đây, việc thực hiện Chương trình số 04-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội về “Phát triển văn hóa - xã hội, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực Thủ đô, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh”; hai quy tắc ứng xử, đã tạo sự chuyển biến mạnh mẽ, từng bước bồi đắp môi trường văn hóa công sở văn minh, hiện đại và chuyên nghiệp.
Cùng với đó, thành phố thực hiện chủ đề công tác năm “Nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động hệ thống chính trị”, “Năm kỷ cương hành chính”… với mục tiêu bao trùm là lấy người dân và doanh nghiệp làm trọng tâm phục vụ. Nhờ vậy, hệ thống chính trị thành phố đã tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính, xây dựng “Chính quyền phục vụ”. Đặc biệt, vai trò nêu gương, đạo đức công vụ, tinh thần, thái độ, ý thức, văn hóa ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức Thủ đô ở công sở, nơi cư trú và nơi công cộng đã được chú trọng, với những hình ảnh đẹp, gần gũi, giàu giá trị nhân văn, giá trị văn hóa của người Hà thành.
Thực tế cho thấy, bồi đắp văn hóa công sở phải là việc làm thường xuyên, như “cơm ăn nước uống” hằng ngày. Bởi hiện ở một số nơi vẫn còn hiện tượng tiếp công dân chưa thường xuyên, chưa đi vào thực chất. Một bộ phận cán bộ, công chức mang nặng tư duy cửa quyền, thiếu trách nhiệm với nhân dân, không nghiêm túc chấp hành nội quy, quy chế, có lời nói, hành xử không chuẩn mực, gây bức xúc trong nhân dân, doanh nghiệp... Khắc phục những tồn tại này, mỗi cán bộ, công chức, viên chức, nhất là người đứng đầu cơ quan, đơn vị một mặt tăng cường trau dồi chuyên môn nghiệp vụ, mặt khác cần tích cực tu dưỡng đạo đức, có ý thức trách nhiệm với công việc và người dân.
Văn hóa công sở phải gắn với trách nhiệm công vụ, trong đó trách nhiệm công vụ là trung tâm, văn hóa là cái gốc. Cụ thể hơn là phải khắc phục cho được những hiện tượng như “nước đến chân mới nhảy”, chậm trễ trong xử lý nhiệm vụ được giao; trong giờ làm việc rời nhiệm sở không có lý do chính đáng… Trong quá trình thực thi công vụ, lấy lợi ích người dân, doanh nghiệp làm mục tiêu phục vụ. Mỗi cán bộ, công chức, viên chức cũng cần hiểu văn hóa công sở là gắn chặt với gia đình và xã hội. Cán bộ, công chức phải thực sự nêu gương với người thân trong gia đình và các mối quan hệ xã hội.
Đối với mỗi cơ quan, đơn vị cần quy định rõ chức năng, nhiệm vụ cho từng vị trí việc làm để cán bộ, công chức, viên chức xác định rõ, hoàn thành tốt nhiệm vụ. Cùng với đó là người đứng đầu cơ quan, đơn vị cần chú trọng giám sát, kiểm tra, đôn đốc; đánh giá, động viên rõ ràng, minh bạch ai làm tốt, ai làm chưa tốt để tạo động lực, bầu không khí làm việc lành mạnh, đoàn kết, thống nhất, hiệu quả trong đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức.
Việc xây dựng nếp sống văn hóa, văn minh nơi công sở ở Hà Nội là đòi hỏi cấp bách từ thực tế. Văn hóa, văn minh công sở chỉ có thể hình thành và duy trì bền vững tùy thuộc vào sự chuyển biến thực chất của từng cấp, ngành, được xây dựng trên nền tảng của nhận thức, trách nhiệm và hành động của từng cán bộ, công chức, viên chức Thủ đô. Nét đẹp ấy, nếu được xây dựng vững chắc và lan tỏa là góp phần xây dựng và quảng bá hình ảnh Hà Nội thân thiện, an toàn và mến khách.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.