Theo dõi Báo Hànộimới trên

Việc không thể chậm trễ

Thế Văn| 18/09/2021 06:10

(HNM) - Việc cấp mã vùng trồng đã được quy định trong Luật Trồng trọt và là yêu cầu bắt buộc của nhiều quốc gia nhập khẩu nông sản nhằm truy xuất nguồn gốc đối với từng vùng trồng. Đây là điều kiện bắt buộc để nông sản Việt Nam có thể xuất khẩu chính ngạch, xa hơn là trụ vững tại những thị trường lớn, giá trị cao như: Châu Âu, Hoa Kỳ, Nhật Bản…

Để đáp ứng yêu cầu của các thị trường nhập khẩu, những năm gần đây, Bộ NN&PTNT đã phối hợp với các địa phương triển khai nhiều hoạt động liên quan đến việc cấp mã số cũng như kiểm tra, giám sát các vùng trồng, cơ sở đóng gói nông sản. Tuy nhiên, việc cấp và quản lý mã số này tại nhiều địa phương còn lỏng lẻo; công tác kiểm tra, giám sát các vùng trồng, cơ sở đóng gói chưa được chú trọng; quá trình xử lý các vấn đề liên quan còn nhiều bất cập…

Tồn tại này đã dẫn đến tình trạng một số doanh nghiệp sử dụng không đúng mã số, mua sản phẩm ở vùng chưa được cấp mã trà trộn với sản phẩm vùng trồng đã được cấp mã để xuất khẩu. Việc một số lô hàng nông sản bị cơ quan quản lý chuyên ngành nước nhập khẩu “đóng băng” hay mới nhất là vào tháng 6 vừa qua xảy ra tình trạng mạo danh xoài Đồng Tháp để xuất khẩu sang Trung Quốc và bị phía đối tác thông báo dừng nhập khẩu cho thấy, siết chặt hoạt động giám sát, quản lý các vùng trồng, cơ sở đóng gói là việc làm cấp thiết.

Rõ ràng, nếu không đáp ứng được yêu cầu của các nước nhập khẩu, nông sản Việt Nam không thể xây dựng được thương hiệu tại các thị trường quốc tế. Và nếu tiếp tục để xảy ra tình trạng vi phạm thì nguy cơ mất thị trường xuất khẩu là rất lớn.

Nói như vậy để thấy, việc quản lý mã số vùng trồng phải được xem là một ưu tiên trong hàng loạt giải pháp thúc đẩy xuất khẩu nông sản Việt Nam, để có tư duy mới và hành động quyết liệt hơn nhằm đưa hoạt động này vào nền nếp.

Trước hết, cơ quan chức năng của ngành Nông nghiệp và các địa phương cần rà soát, đánh giá đúng thực trạng việc quản lý, sử dụng mã số vùng trồng, từ đó có giải pháp kiểm tra, giám sát, chấn chỉnh phù hợp; đồng thời triển khai các biện pháp “mạnh”, xử lý nghiêm các hành vi sử dụng không đúng mã số, mạo danh mã số của nhau… để xuất khẩu. Mặt khác, cần tăng cường tập huấn cho cán bộ nông nghiệp địa phương về các tiêu chí liên quan đến kiểm tra, giám sát vùng trồng để phục vụ cấp và quản lý mã số.

Song song với việc thúc đẩy liên kết chuỗi giá trị sản phẩm từ vùng trồng đến đóng gói, xuất khẩu…, các cơ quan quản lý nhà nước cần phối hợp chặt chẽ, triển khai hiệu quả các giải pháp khuyến khích các tổ chức, cá nhân đăng ký mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói để xuất khẩu chính ngạch, giảm dần xuất khẩu tiểu ngạch. Cùng với đó, tăng cường trao đổi thông tin với cơ quan có trách nhiệm của nước nhập khẩu nhằm kịp thời giải quyết các vấn đề phát sinh, giảm thiểu rủi ro cho nông sản xuất khẩu.

Và hơn hết, các doanh nghiệp, hợp tác xã cần có nhận thức đúng về mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói gắn với nâng cao chất lượng sản phẩm và uy tín, thương hiệu trên thị trường. Từ đó chủ động các giải pháp liên kết với vùng trồng, bảo đảm nguồn nguyên liệu chất lượng cao; đồng thời kiểm soát chặt chẽ hàng hóa xuất khẩu, không để tình trạng mạo danh mã số cũng như các hành vi vi phạm liên quan đến việc sử dụng mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói sản phẩm.

Để khẳng định vị thế, thương hiệu nông sản Việt Nam trên thị trường quốc tế và xây dựng một nền nông nghiệp xuất khẩu hiện đại thì quản lý chặt chẽ thông qua cấp mã số các vùng trồng, cơ sở đóng gói là việc không thể chậm trễ...

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Việc không thể chậm trễ

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.