Theo dõi Báo Hànộimới trên

Vì sự an toàn của người bệnh

Đình Hiệp| 14/07/2017 06:01

(HNM) - Với 206 bệnh viện và hơn 30 nghìn phòng khám hoạt động trên cả nước, không thể phủ nhận vai trò của cơ sở khám, chữa bệnh tư nhân trong cung cấp các dịch vụ khám, chữa bệnh cho người dân, giúp giảm tải các bệnh viện công lập.

Thực tế cho thấy, dù giá dịch vụ y tế cao hơn so với bệnh viện công, nhưng với tâm lý muốn khám nhanh nên các cơ sở khám, chữa bệnh tư nhân vẫn là "điểm đến" được lựa chọn của nhiều bệnh nhân, nhất là với những gia đình có điều kiện kinh tế.

Tuy nhiên, bên cạnh những cơ sở khám, chữa bệnh tư nhân bảo đảm chất lượng, thì vẫn còn không ít địa chỉ hoạt động kém, trở thành "con sâu làm rầu nồi canh" làm ảnh hưởng đến cả hệ thống. Thực tế cho thấy, vi phạm của các cơ sở này được "nhận diện" như không niêm yết giá; ghi chép hồ sơ, bệnh án không đầy đủ; không bảo đảm điều kiện cơ sở vật chất, nhân lực khám, chữa bệnh; bác sĩ không có giấy phép hành nghề; hành nghề vượt quá phạm vi chuyên môn được cấp phép; quảng cáo quá phạm vi; điều trị theo kiểu “nuôi” bệnh, bệnh nhẹ thành bệnh nặng, cố tình “móc túi” người bệnh… Đây là những sai phạm không mới và đã bị cơ quan chức năng “điểm mặt, chỉ tên”, chỉ có điều nhiều cơ sở khám, chữa bệnh tư nhân vừa bị xử phạt xong lại nhởn nhơ hoạt động khiến dư luận bức xúc?

Câu hỏi đặt ra là vì sao các cơ sở vi phạm đó vẫn tồn tại? Vai trò của các cơ quan chức năng ở đâu?

Nhiều chuyên gia y tế thừa nhận, mức phạt cũng như chế tài xử lý quá nhẹ chính là nguyên nhân khiến các cơ sở khám, chữa bệnh tư nhân sẵn sàng nộp phạt để tồn tại. Do vậy, đã đến lúc các cơ quan quản lý cần có quy định rõ mức độ vi phạm để xử lý, chẳng hạn vi phạm đến đâu thì kiên quyết đóng cửa; vi phạm nào thì xử phạt cho khắc phục mới được hoạt động, trường hợp vi phạm về chuyên môn, đạo đức nghề nghiệp thì phải kiên quyết đóng cửa ngay...

Đặc biệt, về thực trạng trên, mới đây Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đã ban hành Chỉ thị số 04/CT-BYT về việc tăng cường quản lý hoạt động của cơ sở khám, chữa bệnh tư nhân. Theo đó, Bộ Y tế yêu cầu các Sở Y tế tăng cường quản lý người hành nghề thông qua đăng ký hành nghề, bảo đảm tất cả người hành nghề phải được cấp chứng chỉ hành nghề và hành nghề đúng phạm vi hoạt động chuyên môn cho phép. Các trang thông tin điện tử của Sở Y tế phải đăng công khai danh sách các cơ sở khám, chữa bệnh tư nhân đã được cấp giấy phép hoạt động trên địa bàn, kèm theo phạm vi hoạt động chuyên môn… để người dân có thể tìm hiểu thông tin trước khi khám, chữa bệnh.

Có thể nói, việc Bộ Y tế ban hành Chỉ thị số 04/CT-BYT là hết sức cần thiết, kịp thời nhằm khắc phục tình trạng yếu kém tại các cơ sở khám, chữa bệnh tư nhân làm mất lòng tin của người dân. Hơn nữa, việc chấn chỉnh, siết chặt công tác quản lý khám, chữa bệnh tư nhân cần được các cơ quan chức năng tiếp tục thực hiện nghiêm túc, có trách nhiệm để đưa hoạt động của lĩnh vực này đi vào “quỹ đạo”.

Cùng với chế tài để tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với các cơ sở khám, chữa bệnh tư nhân, cũng rất cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa ngành Y tế với các cơ quan chức năng. Bên cạnh đó, lực lượng thanh tra y tế cần đẩy mạnh công tác thanh - kiểm tra, hậu kiểm, kiểm tra đột xuất, thường xuyên đối với những cơ sở khám, chữa bệnh tư nhân có biểu hiện vi phạm, có yếu tố nước ngoài; các cơ sở gần cổng các bệnh viện lớn; đồng thời niêm yết công khai số điện thoại đường dây nóng của Sở Y tế để người dân phản ánh khi phát hiện có dấu hiệu vi phạm. Trong trường hợp phát hiện ra vi phạm cần xử lý kiên quyết, triệt để, không ngoại lệ bất cứ trường hợp nào nhằm hướng tới mục tiêu chung là vì sức khỏe, tính mạng của người bệnh.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Vì sự an toàn của người bệnh

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.