(HNM) - UBND TP Hà Nội đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ về việc lập đề án thu phí phương tiện cơ giới vào một số khu vực trên địa bàn thành phố có nguy cơ ùn tắc giao thông, ô nhiễm môi trường...
Cảnh ùn tắc kéo dài tại nút giao Đại Cồ Việt - Trần Khát Chân (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội). |
Ông Ngô Anh Tú, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Khoa học và Đào tạo (Sở Giao thông - Vận tải Hà Nội):
Tác động vào kinh tế nhằm điều tiết giao thông
Trước thực trạng phương tiện giao thông cá nhân phát triển nhanh, tập trung hoạt động trên địa bàn các quận nội thành, đặc biệt từ khu vực đường Vành đai 3 trở vào thì việc thu phí đối với các phương tiện ô tô, xe máy là chủ trương đúng đắn. Đây cũng là 1 trong những nhiệm vụ quan trọng Nghị quyết số 04/2017/ NQ-HĐND, ngày 4-7-2017, của HĐND TP Hà Nội về việc thông qua Đề án “Tăng cường quản lý phương tiện giao thông đường bộ nhằm giảm ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường trên địa bàn TP Hà Nội, giai đoạn 2017-2020, tầm nhìn đến năm 2030” đề ra. Biện pháp tác động vào kinh tế nhằm điều tiết giao thông, tạo thói quen sử dụng phương tiện công cộng - là cách làm nhiều nước đã áp dụng và mang lại hiệu quả. Theo tôi, để đề án đi vào cuộc sống, quá trình triển khai cần nghiên cứu kỹ đặc điểm giao thông của thành phố trên cơ sở phân tích, đánh giá tác động đến các đối tượng chịu phí. Bên cạnh đó, cần triển khai đồng bộ các giải pháp phát triển hệ thống hạ tầng giao thông, giải pháp kết nối giữa các loại hình vận tải khác, phát triển không gian đi bộ...
Ông Phạm Tuấn Long, Phó Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm:
Vừa hạn chế phương tiện, vừa phát triển giao thông công cộng
Trong bối cảnh ùn tắc giao thông gia tăng ở các quận trung tâm, đòi hỏi tổ chức lại giao thông là tất yếu. Và giải pháp thu phí để hạn chế ô tô, xe máy vào khu vực nội đô là điều cần tính đến. Lúc này, vai trò của các đơn vị tư vấn rất quan trọng để đưa ra phương án cụ thể về phí phương tiện cơ giới vào một số khu vực trên địa bàn thành phố. Cùng với giải pháp trên, theo tôi, cần đồng thời đẩy mạnh hệ thống giao thông công cộng để phục vụ một lượng lớn hành khách từ bỏ xe cá nhân sang đi xe buýt, tàu điện trên cao. Tại Đề án Tổ chức giao thông trên địa bàn, quận Hoàn Kiếm đã thành công trong việc tổ chức tuyến phố đi bộ, giảm tải ùn tắc cục bộ. Đề án cũng điều chỉnh lại những phân bổ giao thông chưa hợp lý trên một số tuyến phố, như điều chỉnh phố Phan Chu Trinh thành phố hai chiều; cấm ô tô hợp đồng, taxi trên phố Phủ Doãn theo giờ; sắp xếp lại giao thông động, tĩnh trên địa bàn quận...
Ông Bùi Thanh Hải, Phó Chủ tịch UBND phường Lê Đại Hành, quận Hai Bà Trưng:
Tạo sự đồng thuận trong nhân dân
Cá nhân tôi rất đồng tình với đề án “Thu phí phương tiện cơ giới vào một số khu vực trên địa bàn thành phố có nguy cơ ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường để hạn chế số lượng xe cơ giới đi vào”. Tuy nhiên, quá trình triển khai đề án chắc chắn sẽ gặp không ít khó khăn, bởi hiện nay nhu cầu đi lại, vận chuyển hàng hóa bằng các phương tiện xe cơ giới của người dân là rất lớn và thường xuyên. Do vậy, thu phí như thế nào, cơ quan nào thu, loại phương tiện, chủng loại nào sẽ phải nộp phí... là những vấn đề cần được các sở, ngành làm rõ, công khai để các tầng lớp nhân dân được biết nhằm tạo sự đồng thuận. Cùng với việc áp dụng biện pháp thu phí, để giải quyết tình trạng ùn, tắc giao thông, Sở Giao thông - Vận tải Hà Nội cần nghiên cứu để tăng thêm điểm trông giữ phương tiện, đồng thời phát huy hiệu quả hệ thống camera giao thông.
Chị Nguyễn Thu Trang, phường Hàng Bột, quận Đống Đa:
Để biến thói quen thành hiện thực...
Tôi hoàn toàn ủng hộ chủ trương của thành phố về thu phí với ô tô, xe máy vào một số khu vực "nóng". Hiện tại, đa số người dân vẫn giữ thói quen đi xe cá nhân, ý thức chấp hành giao thông vẫn chưa cao nên gây tắc đường cục bộ. Nếu áp dụng phương án thu phí khi vào các khu vực nội đô, người điều khiển phương tiện giao thông sẽ phải "cõng" thêm một khoản phí khác và sẽ tính đến phương án đi xe công cộng. Khi có đánh giá tốt về các phương tiện này, người dân sẽ có thói quen đi xe bus, tàu điện trên cao, theo đó sẽ giảm lượng xe lưu thông trên đường, hạn chế lượng khói bụi xả vào môi trường... Tuy nhiên, để biến những thói quen đó thành hiện thực, ngoài việc thay đổi nhận thức của người dân, các cơ quan chức năng cần nâng cao năng lực vận tải công cộng.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.