(HNM) - Phát triển sản xuất nông nghiệp công nghệ cao trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 là xu thế tất yếu, nhằm gia tăng giá trị, tạo ra các sản phẩm có sức cạnh tranh cao trên thị trường. Hà Nội là đô thị lớn, thị trường nhiều tiềm năng, việc này càng quan trọng và cấp thiết hơn bao giờ hết.
Với thế mạnh về khoa học công nghệ, nguồn lực, hệ thống cơ chế chính sách, trong những năm gần đây, Hà Nội đã phát triển mạnh mẽ các mô hình sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Nhiều mô hình ở lĩnh vực thủy sản, chăn nuôi, trồng trọt hình thành và dẫn đầu cả nước, cho thấy nông dân và doanh nghiệp Thủ đô đã tận dụng, phát huy tốt lợi thế, tạo ra nông sản chất lượng, góp phần mang đến hiệu quả cao cho sản xuất nông nghiệp.
Trên thực tế, dư địa để lĩnh vực này có thể phát triển mở rộng, chuyên nghiệp hơn ở Hà Nội còn rất lớn. Ngoài các lợi thế kể trên, về nguồn lực đất đai, Hà Nội đã cơ bản hoàn thành dồn điền đổi thửa đất nông nghiệp. Đây là cơ sở quan trọng cho ngành Nông nghiệp Thủ đô triển khai những mô hình sản xuất chuyên canh công nghệ cao quy mô lớn. Trong đó, rau, hoa, trái cây, thịt, thủy sản… là những sản phẩm chủ lực của Thủ đô mà các địa phương có thể tiếp tục mở rộng diện tích sản xuất công nghệ cao.
Sở dĩ phải đặt vấn đề trên vì thực tế để ứng dụng công nghệ cao hiệu quả thì diện tích đất phải đủ lớn, khi ấy việc đầu tư, sản xuất mới “ra tấm ra món”. Tuy nhiên, có nhiều vấn đề nội tại trong lĩnh vực nông nghiệp hiện nay cần giải quyết triệt để, trước khi muốn đi những bước đột phá hơn. Cụ thể, người nông dân phải thoát ly được tư duy sản xuất nhỏ lẻ, thủ công để tính chuyện lâu dài là liên kết với hợp tác xã, doanh nghiệp “làm ăn lớn”. Ví như, liên kết để tích tụ ruộng đất, liên kết sản xuất theo chuỗi hoặc thay đổi phương thức canh tác…
Tiếp đến, vai trò của doanh nghiệp là đặc biệt quan trọng. Thực tế, việc thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp công nghệ cao đang gặp không ít khó khăn, vì cần nguồn kinh phí lớn, dễ gặp rủi ro do thời tiết, hay biến động thị trường… Vì vậy, một mặt các ngành chức năng và địa phương cần tiếp tục thực hiện tốt cơ chế, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp phát triển nông nghiệp công nghệ cao mà thành phố đã ban hành, mặt khác là tiếp tục tháo gỡ những vấn đề về thủ tục hành chính, nguồn vốn theo hướng tạo thuận lợi nhất cho tổ chức, cá nhân.
Hà Nội là nơi tập trung đông đảo các nhà khoa học đầu ngành, các cơ sở nghiên cứu hàng đầu cả nước nhưng do thiếu thông tin nên việc liên kết lực lượng này với doanh nghiệp, người dân chưa hiệu quả. Đây là vấn đề cần khắc phục để tới đây có thêm các dự án nghiên cứu khoa học phục vụ sản xuất nông nghiệp trên địa bàn Thủ đô ứng dụng vào thực tế. Trong đó, những lĩnh vực cần quan tâm là công nghệ sinh học; công nghiệp chế biến; giống; phát triển mô hình nông nghiệp thông minh… Cùng với đó, cần chú trọng hình thành địa chỉ giới thiệu sản phẩm, gắn kết ứng dụng khoa học công nghệ với sản xuất, thương mại.
Một việc nữa mà các địa phương cần lưu ý là công tác quy hoạch phát triển nông nghiệp công nghệ cao cần bám sát quy hoạch chung xây dựng, quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, để bảo đảm cân đối cung - cầu thị trường, không ảnh hưởng đến môi trường khu vực.
Mục đích cao nhất của sản xuất nông nghiệp công nghệ cao là có sản phẩm sạch, an toàn, trước hết để phục vụ người dân Thủ đô, về lâu dài là xuất khẩu, hướng đến một nền nông nghiệp phát triển bền vững.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.