(HNM) - Sự chuẩn bị chu đáo, kỹ lưỡng là một trong những yếu tố quan trọng hàng đầu để kỳ thi THPT quốc gia năm 2018 diễn ra nghiêm túc, an toàn. Trong những ngày này, tinh thần tất cả cho mùa thi càng được thể hiện rất rõ.
Theo đó, ngành Giáo dục và Đào tạo Thủ đô cùng ngành chức năng và các địa phương đã, đang khẩn trương triển khai đồng bộ các giải pháp. Đó là tăng cường trách nhiệm đối với những người trực tiếp thực thi nhiệm vụ, mặt khác tập trung giúp học sinh có được tâm thế vững vàng để bước vào "cuộc thử lửa". Điều này thể hiện rõ nét hơn qua sự chỉ đạo của ngành Giáo dục và Đào tạo cũng như sự chủ động từ các trường và địa phương.
Đáng chú ý, Hà Nội đã tập trung hoàn thiện cơ sở vật chất cùng những điều kiện khác tại các điểm thi nhằm bảo đảm cho thí sinh được thi trong điều kiện tốt nhất. Ngoài ra, các hoạt động tiếp sức mùa thi đã sẵn sàng...
Thực tế cho thấy, kỳ thi THPT quốc gia trong những năm gần đây luôn nhận được sự quan tâm đặc biệt của toàn xã hội. Sự quan tâm là có cơ sở khi kỳ thi này có tính chất quyết định với mỗi học sinh bởi thực hiện mục tiêu “hai trong một”, vừa xét tốt nghiệp THPT vừa xét tuyển đại học, cao đẳng.
Với tầm quan trọng như vậy nên các bậc phụ huynh, học sinh và xã hội đều mong muốn "kỳ sát hạch" này được diễn ra công bằng, nghiêm túc, an toàn và thuận lợi. Trong đó, làm thế nào để loại bỏ hành vi tiêu cực, gian lận trong thi cử, hạn chế tối đa sai sót được đặc biệt quan tâm. Vấn đề nổi lên là việc phòng, chống hành vi gian lận bằng thiết bị điện tử công nghệ cao.
Thực tế cho thấy, hiện nay, các thiết bị điện tử phục vụ cho gian lận thi cử ngày càng tinh vi, khó phát hiện là mối lo không chỉ riêng của ngành Giáo dục và Đào tạo. Để ngăn ngừa, xử lý triệt để những vi phạm, cùng với sự vào cuộc tích cực của các cấp, ngành, trong đó nòng cốt là lực lượng công an, lãnh đạo điểm thi, bộ phận giám sát, cán bộ coi thi, còn phụ thuộc rất nhiều vào ý thức của từng thí sinh.
Đặc biệt, sự công tâm, trách nhiệm, "thuộc" quy chế thi của mỗi cán bộ coi thi được coi là "hậu phương" vững chắc cho sĩ tử, đồng thời là tiền đề quan trọng hướng đến một kỳ thi thành công. Việc này càng có tính thời sự khi mới đây, một cán bộ coi thi đã để lọt đề thi ra ngoài trong kỳ thi tuyển sinh lớp 10 năm học 2018-2019 tại Hà Nội. Đây là bài học đắt giá, đồng thời đặt ra những yêu cầu mới trong khâu tổ chức thi cho tất cả các địa phương, trong đó có trách nhiệm cá nhân của mỗi cán bộ coi thi.
Cùng với các nhiệm vụ trên, ngành Giáo dục và Đào tạo, các địa phương, ngành liên quan cần tiếp tục rà soát để đáp ứng tốt nhất các yêu cầu về cơ sở vật chất, trang thiết bị, thông tin liên lạc, an ninh trật tự, giao thông… Ngoài ra là không để xảy ra trường hợp học sinh vì hoàn cảnh khó khăn mà không được dự thi, nếu có cần khẩn trương bố trí lực lượng giúp đỡ các em.
Thời điểm này, gần 930 nghìn thí sinh trên cả nước đang nỗ lực ôn luyện cho kỳ thi quyết định của mình, với kỳ vọng thành công. Tuy vậy, càng đến gần ngày thi, thí sinh cần chú ý giữ gìn sức khỏe, tinh thần thoải mái và dành thời gian đọc kỹ, ghi nhớ các quy định được làm, những điều cấm tại kỳ thi quan trọng nhất trong 12 năm đèn sách.
Đặc biệt, các em phải thật sự trung thực, nghiêm túc trong làm bài thi. Bởi đây chính là đạo đức, hạnh kiểm của các em tích lũy được sau bao năm ngồi trên ghế nhà trường. Đó cũng là hành trang quý để các em bước vào đời sau này.
Vì một kỳ thi nghiêm túc, không chỉ có sự nỗ lực của ngành Giáo dục và Đào tạo, ý thức phấn đấu của từng thí sinh mà cần sự chung tay, góp sức của cộng đồng.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.