Theo dõi Báo Hànộimới trên

Vì lợi ích của nhân dân

Thiện Mỹ| 19/09/2022 06:21

(HNM) - Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư là tập hợp thông tin cơ bản của tất cả công dân Việt Nam được chuẩn hóa, số hóa, lưu trữ, quản lý bằng cơ sở hạ tầng thông tin để phục vụ quản lý nhà nước và giao dịch của cơ quan, tổ chức, cá nhân. Việc phát triển cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư là chiến lược mang tính tổng quát, bao trùm phục vụ cho công cuộc chuyển đổi số quốc gia, gắn với sự phát triển nhanh và bền vững của đất nước.

Phục vụ chiến lược này, thời gian qua, các cơ quan chức năng đã khẩn trương, quyết liệt triển khai nhiều phần việc ý nghĩa. Sau nhiều nỗ lực, ngày 18-7 vừa qua, hệ thống định danh và xác thực điện tử đi vào hoạt động chính thức, bước đầu có nhiều kết quả tích cực.

Đáng kể nhất là nhận thức của các cấp, ngành, cộng đồng doanh nghiệp và người dân về chuyển đổi số quốc gia, trong đó có việc thực hiện Quyết định số 06/QĐ-TTg ngày 6-1-2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030 (Đề án 06) ngày càng đầy đủ, toàn diện. Các chủ thể trong xã hội đã dần nhận thấy những tiện ích do chuyển đổi số mang lại. Từ đó, việc hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách được triển khai đồng bộ ở cả Trung ương và địa phương.

Dễ hiểu và gần gũi với đời sống nhất phải kể đến việc triển khai dịch vụ công trực tuyến trên nền tảng cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư ngày càng được đẩy mạnh. Trong đó, nhiều dịch vụ công mức độ 3, 4 rất thiết thực, đáp ứng mong đợi của người dân. Ví như việc đăng ký dự thi tốt nghiệp trung học phổ thông trực tuyến của Bộ Giáo dục và Đào tạo đã tiết kiệm hàng chục tỷ đồng cho người dân; hay việc Bộ Công an phân cấp đăng ký ô tô, xe máy về cấp huyện, cấp xã đã giúp người dân thêm nhiều thuận tiện...

Song, dường như các khái niệm “chuyển đổi số”, “định danh và xác thực điện tử cá nhân”... vẫn chưa bén rễ sâu vào từng chủ thể trong xã hội. Dù việc phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử đã được triển khai mạnh mẽ, phục vụ trực tiếp quyền lợi của mỗi cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp, nhưng nhiều người vẫn không chủ động nắm bắt thông tin, nghi ngại về tính bảo mật của ứng dụng nên không quan tâm... Thực tế này đã kéo giảm hiệu quả, lộ trình triển khai cơ sở dữ liệu dân cư trên phạm vi toàn quốc.

Để cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư phát huy hiệu quả thực chất trong đời sống, tại Hội nghị sơ kết 6 tháng năm 2022 thực hiện Đề án 06 diễn ra ngày 9-8 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Chủ tịch Ủy ban quốc gia về Chuyển đổi số đã đặt ra yêu cầu mang tầm khái quát lớn. Đó là việc phát triển cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư thời gian tới phải thể hiện được tính “thuận lợi, công khai, minh bạch, đồng thuận xã hội, bảo đảm được an ninh, an toàn cho người dân”.

Đây là yêu cầu xuyên suốt, là định hướng không thể tách rời trong quá trình triển khai Đề án 06, bởi khi người dân được thụ hưởng tiện ích, sẽ tích cực đóng góp để hình thành hệ sinh thái đầy đủ cho cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Vì vậy, mấu chốt là cần tăng cường tuyên truyền để người dân hiểu sự cần thiết của việc triển khai Đề án 06, từ đó đồng hành, hợp tác với cơ quan chức năng trong phát triển dữ liệu dân cư. Đặc biệt, cần tập trung tuyên truyền đến học sinh, sinh viên để tạo ra lớp công dân số với đầy đủ nhận thức, là nguồn nhân lực quan trọng tạo xung lực cho chuyển đổi số quốc gia trong thời gian tới.

Như Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu: “Chuyển đổi số quốc gia là công việc lớn, rất chiến lược, nhưng phải bắt đầu bằng những hành động cụ thể, việc cụ thể, mục tiêu cụ thể, làm việc nào dứt điểm việc đó, không chung chung, dàn trải”. Trong đó, chuyển đổi số không thể không gắn với cải cách thủ tục hành chính; không thể không rà soát về thể chế để tháo gỡ kịp thời vướng mắc phát sinh...

Và đặc biệt, bằng hành động thiết thực, mỗi cấp chính quyền, mỗi cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp hãy chọn những việc trọng tâm, trọng điểm, chọn vấn đề ưu tiên, có sức lan tỏa trong triển khai Đề án 06... Vẫn biết, đây là việc mới, khó, phức tạp. Song càng khó thì càng cần sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, nhất là trách nhiệm của người đứng đầu trong việc chủ động tìm giải pháp để triển khai hiệu quả nhiệm vụ được giao.

Nhận thức đóng vai trò quyết định; thể chế và công nghệ là động lực; người dân là trung tâm, là mục tiêu và là chủ thể của chuyển đổi số... Sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, hành động đồng bộ ở các cấp và sự tham gia của toàn dân là yếu tố bảo đảm sự thành công của việc phát triển cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, phục vụ đắc lực công cuộc chuyển đổi số quốc gia. Tất cả là vì lợi ích của nhân dân và hướng đến mục tiêu phát triển đất nước phồn vinh.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Vì lợi ích của nhân dân

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.