Theo dõi Báo Hànộimới trên

Vì chất lượng môi trường sống tốt hơn

Nguyễn Mai| 21/10/2017 06:50

(HNM) - Sử dụng than tổ ong trong đun nấu đã giúp nhiều gia đình tiết kiệm được chi phí sinh hoạt hằng ngày. Tuy nhiên, việc sử dụng bếp than tổ ong, nhất là ở khu vực nội thành, nơi mật độ dân cư đông đã gây không ít hệ lụy cho môi trường và sức khỏe người dân.


55.000 bếp than tổ ong đang được sử dụng

Gia đình bà Dương Thị Hằng, trú tại đường Yên Phụ (phường Nguyễn Trung Trực, quận Ba Đình) nhiều năm nay vẫn sử dụng bếp than tổ ong để đun nấu. Bà chia sẻ, mỗi ngày gia đình sử dụng 2 viên than nấu ăn, đun nước. Nhà có bếp ga nhưng vì diện tích bếp chật chội nên ít sử dụng mà thường dùng bếp than tổ ong để đun nấu ở bên ngoài nhà.

Người dân tìm hiểu về bếp thân thiện với môi trường.



Dạo qua những tuyến phố lớn hay những ngõ nhỏ ở nội thành Hà Nội không khó để bắt gặp những bếp than tổ ong được đặt trên vỉa hè, gốc cây, chân cột điện. Chi hội trưởng Hội Phụ nữ tổ 3D (phường Liễu Giai, quận Ba Đình) Nguyễn Thị Tươi cho biết, sử dụng bếp than tổ ong tiết kiệm chi phí hơn so với bếp ga, bếp điện... nên vẫn được nhiều gia đình sử dụng. Hiện Chi hội Phụ nữ tổ 3D còn 4 gia đình hội viên đun than tổ ong, trong đó có 2 hộ đun ngoài đường.

Theo khảo sát của Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội, toàn thành phố hiện có trên 55.000 bếp than tổ ong đang sử dụng. Đáng chú ý, tại nội thành, số bếp than tổ ong đang sử dụng còn nhiều hơn so với khu vực ngoại thành, tập trung nhiều nhất ở các quận: Ba Đình, Đống Đa, Long Biên, trong đó, riêng quận Ba Đình có trên 8.000 bếp than tổ ong đang sử dụng.

Theo Tiến sĩ Lê Đức Dũng (Đại học Bách khoa Hà Nội), nhược điểm của bếp than tổ ong là quá trình nhóm bếp khá vất vả, sinh ra nhiều khói bụi. Khói bụi khi thải ra môi trường sẽ chuyển thành dạng bụi siêu mịn hấp thụ vào cơ thể có thể gây ngộ độc với liều lượng lớn.

Còn theo báo cáo của Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội dẫn số liệu của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), ở Việt Nam, ô nhiễm không khí trong nhà là nguyên nhân khiến 45.000 người chết mỗi năm. Sử dụng bếp than tổ ong có thể phát ra khí độc hại ảnh hưởng đến sức khỏe cho chính người sử dụng và nhiều người xung quanh, góp phần gây ô nhiễm không khí…

Giải pháp nào thay thế?

Là một trong 5 quận có số lượng bếp than tổ ong lớn nhất thành phố với trên 8.000 bếp đang sử dụng, Phó Chủ tịch UBND quận Ba Đình Tạ Nam Chiến chỉ ra rằng: Các hộ sử dụng bếp than tổ ong chủ yếu trong hoạt động kinh doanh ăn uống. Cụ thể, hiện toàn quận có trên 3.000 hộ kinh doanh ăn uống tập trung ở các chợ, bệnh viện, trường đại học, cao đẳng… Đa phần các hộ dân đã nhận thức được tác hại của việc sử dụng bếp than tổ ong, tuy nhiên chưa tìm được giải pháp thay thế phù hợp. Bà Dương Thị Hằng ở phường Nguyễn Trung Trực (quận Ba Đình) cho biết, nếu bỏ bếp than tổ ong thì chưa biết sẽ thay thế bằng bếp gì để vẫn tiết kiệm, tiện lợi mà tốt cho sức khỏe và môi trường.

Do vậy, việc đẩy mạnh tuyên truyền về tác hại và thay đổi thói quen sử dụng của người dân đối với bếp than tổ ong là cần thiết. Bên cạnh đó, cần có giải pháp thay thế bếp than tổ ong và bếp truyền thống là các loại bếp cải tiến, bếp đun sạch, an toàn cho sức khỏe và thân thiện với môi trường.

Mới đây, Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội phối hợp với Hội Liên hiệp phụ nữ quận Đống Đa và các nhà sản xuất bếp cải tiến tổ chức giới thiệu các bếp thân thiện với môi trường; đồng thời, tuyên truyền về tác hại để làm thay đổi thói quen sử dụng bếp than tổ ong của người dân trên địa bàn. Đây là một trong những giải pháp trọng tâm mà ngành Tài nguyên và Môi trường Hà Nội nỗ lực thực hiện trong thời gian tới ở các địa phương, qua đó từng bước hạn chế và tiến tới loại bỏ bếp than tổ ong nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống, bảo đảm sức khỏe cộng đồng.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Vì chất lượng môi trường sống tốt hơn

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.