(HNM) - Mã số vùng trồng và mã số cơ sở đóng gói được ví như “tấm vé thông hành” để nông sản Việt Nam xuất ngoại. Quan trọng là thế nhưng thời gian qua, bên cạnh việc nhiều mã số được cấp mới thì số mã số bị thu hồi cũng không phải là ít. Thực tế đáng lo ngại này đã đặt ra những vấn đề về công tác quản lý cũng như bảo đảm chất lượng nông sản xuất khẩu.
Cả nước hiện có 6.439 vùng trồng ở 53/63 tỉnh, thành phố và 1.618 cơ sở đóng gói tại 33 địa phương được cấp mã số xuất khẩu. Tuy nhiên, vấn đề đáng lo ngại là thời gian vừa qua đã có hơn 710 mã số vùng trồng bị thu hồi do không đạt yêu cầu về chất lượng, kỹ thuật. Nguyên nhân căn bản dẫn đến tình trạng này là bởi nhiều địa phương chỉ chú ý đến cấp mã số mới mà chưa quan tâm tới việc duy trì, kiểm tra, giám sát mã số đã cấp; một số doanh nghiệp, người sản xuất còn thiếu kiến thức về các quy định của nước nhập khẩu, đặc biệt là về quản lý sinh vật gây hại, ghi chép hồ sơ; vẫn còn tình trạng gian lận mã số…
Thực tế việc thực hiện mã số vùng trồng cho thấy nhiều lợi ích như: Chất lượng nông sản tăng và bảo đảm an toàn thực phẩm; nhận thức của người nông dân chuyển sang sản xuất theo định hướng thị trường, đáp ứng yêu cầu khách hàng... Đặc biệt, trong vùng trồng được cấp mã số, nông dân thành lập hợp tác xã kiểu mới sản xuất cùng một quy trình, có ghi chép, trao đổi kinh nghiệm với nhau nên đạt hiệu quả cao.
Hiện nay, các mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói, ngoài sự giám sát chặt chẽ của địa phương, ngành bảo vệ thực vật trong nước, còn phải chịu sự giám sát thường xuyên của nước nhập khẩu.
Với tính chất quan trọng của mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói trong xuất khẩu nông sản, trong phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 4-2023 diễn ra ngày 5-5 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã chỉ đạo Bộ NN&PTNT tiếp tục phát huy tiềm năng, thế mạnh của từng vùng, địa phương, có biện pháp hữu hiệu, quản lý mã số vùng trồng bảo đảm hiệu quả sản xuất, lợi ích của người dân.
Nhiệm vụ quan trọng nhất hiện nay là ngành Nông nghiệp cũng như các địa phương, chủ sở hữu mã số cần tăng cường kiểm tra, giám sát mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói đã cấp theo đúng hướng dẫn và quy định của nước nhập khẩu, bảo đảm các vùng trồng, cơ sở đóng gói luôn đáp ứng yêu cầu chất lượng, kỹ thuật theo đúng các tiêu chuẩn của nước nhập khẩu.
Qua công tác kiểm tra, giám sát, ngành Nông nghiệp cũng như các địa phương cần tăng cường hướng dẫn, cung cấp thông tin về hàng rào kỹ thuật của nước nhập khẩu để tổ chức, cá nhân biết, chủ động thực hiện; nếu phát hiện vùng trồng hay cơ sở đóng gói không thực hiện đúng quy định cần kiên quyết thu hồi mã số để bảo đảm uy tín, thương hiệu của nông sản Việt Nam.
Bên cạnh đó, các địa phương chủ động quy hoạch, thiết lập vùng trồng, cơ sở đóng gói đủ điều kiện cấp mã số, thúc đẩy và kiểm soát chặt chẽ liên kết giữa người dân và đơn vị xuất khẩu để bảo đảm quyền lợi cho các bên. Đồng thời, các địa phương bố trí nguồn lực để thực hiện tốt công tác thiết lập và quản lý mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói; tăng cường tuyên truyền, tập huấn cho người dân, doanh nghiệp về quy định cũng như các giải pháp kỹ thuật liên quan để bảo đảm thực hiện đúng các quy định của nước nhập khẩu.
Không chỉ là “tấm vé thông hành”, mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói còn là tài sản quý cần bảo vệ, giữ gìn để nâng cao giá trị và khả năng cạnh tranh của nông sản Việt Nam trên thị trường quốc tế.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.