Theo dõi Báo Hànộimới trên

Vẫn là câu chuyện “tài năng và trách nhiệm xã hội”

Hải Miên| 06/02/2020 06:49

(HNMCT) - Mùa xuân, đã thành thông lệ, thường là dịp nói đến thi ca và tuổi trẻ. Dễ nhận thấy, những năm gần đây thơ ca được xuất bản khá nhiều, trong đó có thơ của các tác giả trẻ. Nhưng dường như đang tồn tại một nghịch lý, là dù thơ được in nhiều nhưng thơ trẻ đúng nghĩa do người trẻ sáng tác lại chưa mấy tạo được dấu ấn. Tác giả trẻ cần gì để có thể vụt sáng, để thơ trẻ có được “mùa vàng”?

Thả thơ, một trong những nghi thức trong "Ngày thơ Việt Nam".

Nhiều người sáng tác nhưng... thiếu nhà thơ

Nhìn vào số lượng cả nghìn tập thơ được xuất bản mỗi năm, sự nở rộ của các câu lạc bộ (CLB) thơ cho thấy phong trào sáng tác thơ hiện đang phát triển mạnh. Có thể nói một cách “ngoa ngôn” rằng “ra ngõ gặp nhà thơ”. Tuy nhiên, đội ngũ làm thơ hùng hậu là thế nhưng rất hiếm tên tuổi “đứng được” trên văn đàn, như nhà phê bình văn học Nguyễn Thanh Tâm từng chia sẻ: “Từ sau Phan Huyền Thư và Vi Thùy Linh, từng được đánh giá là những nhà thơ trẻ có sự cách tân rõ nét trong sáng tạo, thì sau hai tác giả đó chưa có gương mặt nào đáng kể”.

“Định nghĩa” tuổi cho nhà thơ trẻ, nhiều nhà phê bình cho rằng, hiện nay, nhà thơ được coi là trẻ thì nên tính số sinh từ năm 1986 đến năm 2000. Như thế vừa bảo đảm trẻ về tuổi đời cũng như tuổi sáng tạo. Nhìn vào những gương mặt được cho là nhà thơ trẻ hiện nay, rất nhiều người nhắc đến Đoàn Văn Mật, Nguyễn Quang Hưng, Đào Quốc Minh, Lữ Mai, Lý Hữu Lương (Hà Nội), Hồ Huy Sơn, Võ Mạnh Hảo (thành phố Hồ Chí Minh), Hoàng Anh Tuấn (Lào Cai); Huệ Thi (Cần Thơ), Ngô Thị Thanh Vân (Gia Lai), Thy Lan (Thanh Hóa), Mai Hoàng Hanh (Bắc Ninh), Hoàng Thụy Anh (Quảng Bình)... Nhưng thực tế, nếu xét về tuổi tác, đa số các tác giả này đã không còn trẻ nữa khi đã ở sát hoặc thậm chí qua tuổi 40. Trong khi văn xuôi hiện đang có một lớp trẻ dồi dào sức sáng tạo, có triển vọng, có thành tựu là giải thưởng, sách được xuất bản thì đội ngũ tác giả trẻ ở mảng thơ lại khá trầm lắng.

Các tác giả thơ trẻ hiện nay cũng không có những nhóm kết nối với nhau để cùng thử nghiệm một nhóm đề tài, nâng đỡ nhau phát triển. Tác giả thơ trẻ có lẽ cũng thiếu một chất giọng riêng biệt. Theo dõi trên văn đàn, qua sự xuất hiện tác phẩm thơ được đăng tải trên các báo, tạp chí văn nghệ, và thị trường sách thì thấy một số tác giả lứa 9x như Nguyễn Thị Kim Nhung (Hà Nội), Trương Công Tưởng (Bình Định), Lê Quang Trạng (An Giang), Du Phong (thành phố Hồ Chí Minh), Huyền Thư (Thái Bình), Vĩnh Thông (An Giang), Hà Ngọc (Yên Bái)... Tuy nhiên, thành tựu cũng như sự bứt phá của các tác giả này là chưa đáng kể và chưa được đánh giá cao. Một số bạn trẻ từng được ca ngợi là “thần đồng thơ" như Đặng Chân Nhân, Ngô Gia Thiên An, Minh Anh, thuộc thế hệ 9x, thì không mấy khi xuất hiện, cũng ít có sáng tác mới.

Cần sự bứt phá từ nhiều phía

Một buổi giới thiệu tập thơ mới của CLB Văn học trẻ Hà Nội.

Hằng năm, một số hội văn học nghệ thuật các tỉnh có dành kinh phí hỗ trợ tác giả thơ trẻ là hội viên để xuất bản sách. Nhưng nguồn này rất hạn chế, so với nhu cầu thì chỉ "như muối bỏ bể". Đa số tác giả bỏ tiền túi ra in tập thơ rồi đem tặng, chứ không được các nhà sách, nhà xuất bản đầu tư in ấn rồi phát hành trên thị trường như với tác phẩm văn xuôi. Tự in thơ, ai cũng có thể làm việc đó, thế nhưng cái sự “người người in thơ” có thể dẫn đến điều tiếng, đến mức thơ bị coi là “mất giá”, người đọc quay lưng lại với thơ.

Mọi sự đều có nguyên nhân. Nhà thơ trẻ Đặng Thiên Sơn (Hội Nhà văn Hà Nội) chia sẻ: “Nhiều tác phẩm ra đời chủ yếu xuất phát từ nhu cầu giải tỏa cảm xúc cá nhân, cho nên dạng thơ này chỉ phục vụ mục đích cá nhân chứ ít mang lại giá trị kinh tế, thậm chí người ta còn phải mất tiền để in thơ, mất thời gian đi tặng bạn đọc... Điều này chắc chắn tác động đến tinh thần dấn thân của các nhà thơ, họ không thể toàn tâm toàn ý theo đuổi thế mạnh, sở thích và năng lực của mình”. Có lẽ vì thế mà tác giả thơ trẻ hôm nay sáng tác rời rạc, khơi ra những chủ đề nhỏ chứ không tạo ra một phong cách sáng tác hay toàn tâm theo đuổi đề tài tầm vóc lớn lao.

Nhà thơ Nguyễn Việt Chiến (Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Hà Nội) cho rằng: “Có một số tác giả trẻ viết khá nhiều, ồn ào, nhưng thơ của họ thường ít khi có tứ, văn bản thơ chỉ là một dòng chảy miên man thể hiện tâm trạng, với những bức xúc bản năng và tâm lý muốn “phơi bày, lột tả” tất cả. Trong hành trình sáng tạo văn học hôm nay, theo tôi, có đôi lần một số người cầm bút đã nhầm lẫn giữa giá trị đích thực của đổi mới thơ ca với những tìm tòi xa lạ về ngôn ngữ thơ”. Cũng theo nhà thơ Nguyễn Việt Chiến, từ trước đến nay, các nhà thơ đích thực thường nói lên tiếng nói của nỗi đau và khát vọng dân tộc, các nhà thơ đã thở hơi thở đời sống lớn lao. Trong Ngày thơ Việt Nam năm 2010, nhà thơ Vũ Quần Phương từng nói: "Thơ trẻ đã hồn nhiên trở lại, đã giải phóng cảm xúc cá nhân nhưng dường như vẫn thiếu chiều sâu trăn trở với đất nước và nhân loại". Cho đến nay, sau một thập kỷ, nhận định này vẫn không hề cũ!

Các nhà thơ trẻ cũng rất cần một môi trường sinh hoạt thơ lành mạnh, nhận được sự cộng hưởng, sẻ chia của người đọc.

Để tiếp tục cho thơ trẻ Hà Nội nói riêng, thơ ca cả nước nói chung khởi sắc, đòi hỏi mỗi tác giả có sự bứt phá. Với một số tác giả thơ hiện nay, có cảm giác nếu đọc một bài thì thấy hay, nhưng khi đọc cả một tuyển tập mới thấy rõ sự hạn chế. Thực tế và lý luận đều cho thấy người viết thơ trẻ muốn nhận được sự quan tâm rộng rãi của bạn đọc thì phải liên tục làm mới bản thân, nâng cao trách nhiệm xã hội, quan tâm nhiều hơn đến điều mà giới trẻ mong muốn hoặc đang cảm thấy thiếu thốn. Nhà thơ Đặng Thiên Sơn chỉ ra thực tế: “Nhiều tác giả tự ru ngủ mình, vì những lời khen xã giao mà sớm tự hài lòng, để rồi tác phẩm xanh non, chết yểu. Đây là điều mà mỗi người trẻ phải tỉnh táo xem xét”.

Tất nhiên, nhà thơ trẻ muốn có bước tiến mạnh mẽ thì cần nhiều điều kiện chứ không chỉ nỗ lực tự thân. Ngoài tài năng và sự sáng tạo độc đáo, họ cần môi trường sinh hoạt thơ lành mạnh, nhận được sự cộng hưởng, sẻ chia của người đọc. Các nhà phê bình, nhà thơ cũng cần phải đọc của nhau, để ghi nhận, thẩm định và kích thích nhau sáng tạo trên con đường nhọc nhằn này. Đề tài của thơ ca vô cùng phong phú. Những “mùa vàng” của thơ trẻ còn ở phía trước. Hy vọng các tài năng trẻ có thể tận dụng cơ hội để có nhiều tác phẩm giá trị, vụt sáng. Để thơ ca, trong đời sống, không chỉ như một chỗ dựa tinh thần mát lành cho người đọc, mà còn là nơi nuôi dưỡng và lan tỏa niềm tự hào về vẻ đẹp biểu cảm của tiếng Việt với công chúng cả trong nước và thế giới.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Vẫn là câu chuyện “tài năng và trách nhiệm xã hội”

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.