(HNM) - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Huy Đăng cho biết: Để các chuỗi liên kết tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi hoạt động có hiệu quả, Cục Chăn nuôi cần tham mưu cho Bộ NN&PTNT sớm ban hành các chính sách về xây dựng và phát triển các chuỗi để phát triển bền vững.
Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Huy Đăng cho biết: Để các chuỗi liên kết tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi hoạt động có hiệu quả, Cục Chăn nuôi cần tham mưu cho Bộ NN&PTNT sớm ban hành các chính sách về xây dựng và phát triển các chuỗi để phát triển bền vững. Ngoài ra, cần có chính sách vay vốn ưu đãi cho các hộ chăn nuôi và doanh nghiệp (DN), cá nhân tham gia xây dựng và phát triển chuỗi; mở rộng các chuỗi liên kết, đề xuất các chính sách thu hút các DN đầu tư cho việc hình thành các chuỗi liên kết có quy mô lớn. Đồng thời, khuyến khích người chăn nuôi phát triển chăn nuôi theo hướng sinh học nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường.
Một vấn đề quan trọng khác là tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền để người chăn nuôi, người tiêu dùng, nhà quản lý cũng như các DN cùng vào cuộc để tạo sự đồng bộ trong việc xây dựng, hình thành chuỗi liên kết tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi. Cục trưởng Cục Chăn nuôi Hoàng Thanh Vân cho biết: Để giải quyết vấn đề nóng bỏng về thị trường tiêu thụ của các chuỗi liên kết chăn nuôi thì cần phải thay đổi cách tiêu dùng thực phẩm cho người dân. Nhà nước nên hỗ trợ các DN trong việc mở cửa hàng để giới thiệu sản phẩm VietGAP trong giai đoạn đầu, giúp người tiêu dùng dễ nhận biết để có thể lựa chọn cho mình sản phẩm mong muốn. Nhà nước cũng cần đẩy mạnh tuyên truyền để người dân không sử dụng thực phẩm không an toàn.
Bảo đảm quyền lợi giữa các bên
Ông Nguyễn Thanh Sơn, Viện trưởng Viện Chăn nuôi cho rằng: Nhà nước cần có giải pháp khai thông thị trường trong nước và khuyến khích xuất khẩu các sản phẩm chăn nuôi, làm tốt hơn công tác thông tin, dự báo thị trường nhằm thúc đẩy sản xuất thực phẩm sạch ở các địa phương. Đồng thời, hỗ trợ chi phí quảng cáo sản phẩm chăn nuôi nhằm kiểm soát an toàn thực phẩm theo chuỗi trên phương tiện thông tin đại chúng. Bên cạnh đó là các biện pháp quản lý chặt nhằm không để gia súc, gia cầm, nhất là thịt không rõ nguồn gốc nhập lậu gây bất ổn cho thị trường thực phẩm và sản xuất chăn nuôi trong nước. Để bảo đảm quyền lợi của các bên tham gia chuỗi, các cơ quan quản lý nhà nước cần đứng ra làm trung gian giúp người dân trong việc ký kết hợp đồng kinh tế với DN một cách chặt chẽ, thỏa thuận rõ ràng, cụ thể. Tuy nhiên, để làm được việc này cần tuyên truyền để người dân nắm rõ tầm quan trọng về ký kết hợp đồng, tránh tình trạng người dân khi giá lên cao là bán cho thương lái, phá vỡ quy tắc hợp đồng, gây thiệt hại về kinh tế cho chính họ.
Để mô hình này vận hành thành công thì các đơn vị phải tăng cường công tác quản lý thị trường. Nhà nước nên xây dựng và ban hành các chính sách cho việc xây dựng và phát triển chuỗi liên kết chăn nuôi, tiêu thụ sản phẩm. Bên cạnh đó là chính sách vay vốn ưu đãi cho hộ chăn nuôi, DN, cá nhân tham gia xây dựng và phát triển chuỗi liên kết chăn nuôi. Cùng với việc đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại và dự báo thị trường, tổ chức sản xuất chăn nuôi theo chuỗi liên kết từ sản xuất tới tiêu thụ; xây dựng thương hiệu sản phẩm theo đặc thù thị trường của từng vùng miền… trong thời gian đầu, Nhà nước nên hỗ trợ tiền thuê cửa hàng cho các cơ sở bán thực phẩm sạch. Kiểm soát chặt chẽ chất lượng sản phẩm bán ra thị trường để không xảy ra tình trạng trà trộn sản phẩm bẩn vào sạch cũng là việc làm cần thiết.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.