Theo dõi Báo Hànộimới trên

Vẫn diễn biến phức tạp!

Dạ Khánh| 02/06/2018 07:40

(HNM) - Thời gian qua, tình hình vi phạm trật tự xây dựng trên địa bàn TP Hà Nội vẫn diễn biến phức tạp khi các công trình xây dựng không phép, sai phép, xây dựng trên đất nông nghiệp diễn ra ở mọi cấp độ, quy mô. Những vi phạm này tồn tại đặt ra câu hỏi về hiệu quả, sự nghiêm minh của pháp luật cũng như trách nhiệm

Công trình (X) vi phạm trật tự xây dựng tại Khu đô thị Văn Khê (quận Hà Đông).


Tràn lan vi phạm

Tháng 5-2018, do để xảy ra vi phạm trật tự xây dựng trên địa bàn, Chủ tịch UBND phường Mỹ Đình 2, quận Nam Từ Liêm đã bị đình chỉ công tác 15 ngày; Đội trưởng Thanh tra xây dựng quận cũng bị kiến nghị đình chỉ công tác. Theo kết quả kiểm tra hiện trạng, có 5 công trình thi công sai nội dung giấy phép được cấp nhưng Đội Thanh tra xây dựng quận Nam Từ Liêm và UBND phường Mỹ Đình 2 không lập hồ sơ xử lý. Cụ thể, công trình tại số 51 ngõ 20 đường Mỹ Đình được cấp phép xây dựng 6 tầng, 1 lửng, 1 tum, tuy nhiên chủ đầu tư đã xây thành 7 tầng, 1 tum. Hay công trình tại số 47 ngõ 35 đường Lê Đức Thọ, chủ đầu tư “hô biến” thành 8 tầng, dù chỉ được cấp phép 6 tầng, 1 hầm, 1 lửng, 1 tum. Như "con voi chui lọt lỗ kim", tại dự án Khu chức năng đô thị Đại Mỗ (phường Đại Mỗ), Công ty cổ phần Địa ốc Alaska còn “mạnh tay” xây dựng thêm cả một tòa nhà HH-01 khi chưa được cấp phép.

Tại quận Hà Đông, tình trạng cơi nới, xây dựng phá vỡ quy hoạch, không gian kiến trúc cũng xảy ra tại Khu đô thị Văn Khê (phường La Khê). Nhiều hộ đã tự ý cải tạo, sửa chữa, vượt tầng, cơi nới thêm “chuồng cọp”, tum… Thậm chí, có trường hợp hai căn liền kề được “biến hóa” thành một.

Không chỉ sai phạm với đất đô thị, tình trạng xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp cũng diễn biến khá phức tạp. Tại huyện Hoài Đức, hàng nghìn mét vuông đất nông nghiệp ở thôn Đại Tự (xã Kim Chung) bị người dân tự chuyển đổi để xây dựng nhà xưởng, biến nơi đây thành khu tiểu thủ công nghiệp luyện kim khí. Điều đáng nói, vi phạm diễn ra nhiều năm song chính quyền địa phương thờ ơ trong việc xử lý, khiến các công trình vẫn "trơ gan cùng tuế nguyệt".

Theo thống kê, 5 tháng đầu năm 2018, các đội thanh tra xây dựng quận, huyện, thị xã đã kiểm tra 9.318 công trình, phát hiện và lập hồ sơ vi phạm 606 trường hợp. Trong đó có 223 công trình xây dựng không phép; 139 công trình xây dựng sai phép, sai quy hoạch, sai thiết kế; 212 trường hợp xây dựng trên đất nông nghiệp; ban hành 582 quyết định xử phạt vi phạm hành chính với tổng số tiền hơn 5.113 triệu đồng. Thanh tra Sở Xây dựng thanh tra, kiểm tra 135 cuộc, ban hành 80 quyết định xử phạt với tổng số tiền 2.443 triệu đồng.

Do “giao thoa” mô hình quản lý?

Có một thực tế là các vi phạm đều được cơ quan chức năng lập hồ sơ khá đầy đủ, thậm chí ra quyết định đình chỉ thi công,… song rất nhiều công trình vẫn tiếp tục thi công, hoàn thiện. Trước thực tế này, người dân cho rằng, chính quyền địa phương vào cuộc chỉ cho đủ thủ tục, còn việc xử lý cũng chỉ... trên giấy. Trong khi đó, không ít chính quyền địa phương lấy lý do lực lượng mỏng, vi phạm diễn ra vào ngày nghỉ, ban đêm nên gặp nhiều khó khăn trong việc kiểm tra, ngăn chặn và xử lý...

Theo Thanh tra Sở Xây dựng Hà Nội, so với các năm trước, tỷ lệ các công trình xây dựng đúng phép tăng dần, cơ bản ngăn được việc lấn chiếm đất nhưng vẫn còn nhiều công trình xây dựng sai quy hoạch, sai phép... chưa được xử lý kiên quyết, kịp thời. Việc xử lý vi phạm của các địa phương còn lúng túng, thậm chí còn đùn đẩy trách nhiệm, chưa kịp thời và thiếu quyết liệt.

Bên cạnh đó còn có nguyên nhân từ sự thay đổi mô hình của lực lượng quản lý trật tự xây dựng. Cụ thể, trước tháng 5-2013, lực lượng quản lý trật tự xây dựng tại Hà Nội được đặt ở quận, huyện, thị xã. Thực hiện Nghị định 26/NĐ-CP của Chính phủ về tổ chức và hoạt động của Thanh tra ngành Xây dựng (hiệu lực từ ngày 15-5-2013), lực lượng này lại được chuyển về Sở Xây dựng quản lý, đồng thời thành lập các đội thanh tra xây dựng quận, huyện quản lý địa bàn. Thực tế hoạt động thời gian qua cho thấy, sự phối hợp giữa lực lượng quản lý trật tự xây dựng và chính quyền địa phương còn thiếu chặt chẽ, dẫn đến hiệu quả quản lý chưa cao.

Theo Quyết định 3973/QĐ-UBND, từ 1-9-2016, UBND TP Hà Nội giao chủ tịch UBND quận, huyện, thị xã chỉ đạo, điều hành trực tiếp đội thanh tra xây dựng. Song việc chuyển giao về UBND quận, huyện quản lý trong điều kiện chưa có quy chế rõ ràng về chức năng, nhiệm vụ, mối quan hệ với Thanh tra Sở Xây dựng và các cơ quan liên quan đã để lộ nhiều “lỗ hổng” trong quản lý, khiến việc xử lý vi phạm đạt hiệu quả thấp.

Mới đây, Chính phủ đã đồng ý cho Hà Nội thí điểm thành lập Đội Quản lý trật tự đô thị, trên cơ sở tiếp quản lực lượng thanh tra xây dựng các quận, huyện, thị xã trong hai năm. Với lần “thay áo” thứ 3 chỉ trong vòng 4 năm, nhiều chuyên gia cho rằng công tác quản lý trật tự xây dựng và hoạt động của Thanh tra xây dựng sẽ hiệu quả, thống nhất khi có sự phân định rõ trách nhiệm. Sở Xây dựng cho biết đang đề nghị UBND TP Hà Nội giao Sở soạn thảo “Quy chế trách nhiệm trong công tác quản lý trật tự xây dựng đối với tập thể, cá nhân được giao nhiệm vụ quản lý trật tự xây dựng tại quận, huyện, thị xã, xã, phường, thị trấn trên địa bàn TP Hà Nội” để quy rõ trách nhiệm, hình thức xử lý cán bộ, công chức để xảy ra vi phạm và tránh sự đùn đẩy trách nhiệm. Với sự xác định rõ trách nhiệm này, việc duy trì pháp luật về trật tự xây dựng sẽ được xác định "rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm" hơn, khi đó hiệu quả chắc chắn sẽ rõ hơn.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Vẫn diễn biến phức tạp!

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.