Theo dõi Báo Hànộimới trên

Vấn đề “nóng” của Nhật Bản

Đình Hiệp| 19/04/2014 07:48

(HNM) - Với tỷ lệ sinh thấp và tuổi thọ cao, nhiều năm nay Nhật Bản là một trong những quốc gia có tỷ lệ người cao tuổi cao nhất thế giới. Tuy nhiên, tình trạng già hóa dân số một cách nhanh chóng thời gian gần đây không chỉ làm đau đầu các nhà hoạch định chính sách, mà còn được xem là thách thức lớn với

Già hóa dân số là thách thức lớn với quá trình thúc đẩy tăng trưởng kinh tế Nhật Bản.


Số liệu vừa được Chính phủ Nhật Bản công bố khiến dư luận không khỏi quan ngại. Dân số nền kinh tế lớn thứ ba thế giới tiếp tục giảm trong năm thứ ba liên tiếp trong khi số người cao tuổi lần đầu tiên chiếm 1/4 tổng dân số. Tới ngày 1-10-2013, dân số Nhật Bản đã giảm 0,17% (khoảng 217.000 người) xuống còn 127.298.000 người, trong đó tính cả người nước ngoài cư trú lâu dài tại Nhật Bản. Nhóm người cao tuổi (từ 65 tuổi trở lên) tăng thêm 1,1 triệu người lên 31,9 triệu người, chiếm 25,1% dân số Nhật Bản. Trong khi đó, năm 2013 số ca sinh mới ở nước này giảm khoảng 6.000 ca so với 1 năm trước đó. Trước thực trạng già hóa dân số đáng báo động, Chính phủ Nhật Bản đưa ra cảnh báo, vào năm 2060 gần 40% dân số nước này là người cao tuổi.

Đây không phải lần đầu tiên già hóa dân số trở thành chủ đề "nóng" ở Nhật Bản. Trên thực tế dân số nước này đã liên tục giảm kể từ năm 2007 đến nay do nhiều lý do khác nhau, đặc biệt có nguyên nhân tự nhiên khi số người chết lớn hơn số trẻ em được sinh ra. Bên cạnh đó, Nhật Bản có rất ít người nhập cư và bất cứ đề xuất nào về mở cửa biên giới cho lao động trẻ nhằm thu hẹp khoảng cách tuổi tác trong dân số đều vấp phải phản ứng mạnh mẽ từ dư luận. Tình trạng dân số già hóa không chỉ kéo theo gánh nặng về trợ cấp an sinh xã hội khi số người nhận lương hưu ngày một tăng, mà còn là trở ngại lớn với đà phục hồi tăng trưởng kinh tế của Nhật Bản.

Cuối tháng 3 vừa qua Chính phủ Nhật Bản đã thông qua ngân sách cho năm tài khóa 2014-2015 với mức cao kỷ lục 95.880 tỷ yen (khoảng 937 tỷ USD). Khoản ngân sách được thông qua nhanh thứ 3 trong lịch sử thời hậu chiến của nước này một phần là nhằm giảm nhẹ tác động tiêu cực tiềm tàng của việc tăng thuế tiêu thụ từ 5% lên 8% kể từ ngày 1-4. Tuy nhiên, với khoản ngân sách kỷ lục này, Chính phủ của Thủ tướng S.Abe cũng đặt trọng tâm ưu tiên triển khai xây dựng các công trình công cộng, các chương trình an sinh xã hội… nhằm giúp những người già giảm thiểu gánh nặng chi phí sinh hoạt khi thuế tiêu thụ tăng lên. Đặc biệt trong năm tài khóa này đánh dấu lần đầu tiên chi tiêu cho an sinh xã hội của Nhật Bản vượt mức 30.000 tỷ yen, do dân số già khiến lương hưu và chi phí y tế tăng mạnh.

Các chuyên gia phân tích cho rằng, chi phí phúc lợi xã hội không ngừng tăng trong một quốc gia già hóa dân số không có dấu hiệu giảm sẽ làm trầm trọng hơn gánh nặng nợ công - đang ở mức gấp đôi quy mô nền kinh tế - của Nhật Bản. Điều đáng quan ngại là dân số giảm kéo theo nhu cầu tiêu dùng giảm, gây khó khăn cho chính quyền của Thủ tướng S.Abe đang nỗ lực thoát ra khỏi thời kỳ 15 năm giảm phát. Thế nhưng, Chính phủ Nhật Bản đang rất lo ngại tình trạng có quá ít người trẻ trong lực lượng lao động thì sẽ khó có đủ người đóng thuế - nguồn thu chính - để vận hành cũng như phát triển nền kinh tế.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Vấn đề “nóng” của Nhật Bản

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.