(HNM) - Với những nỗ lực trong khống chế dịch bệnh, đưa cuộc sống trở lại trạng thái “bình thường mới”, đến nay, ngành Du lịch đang hồi phục mạnh mẽ với những tín hiệu rất lạc quan. Tuy vậy, để duy trì sự phục hồi, phát triển của ngành Du lịch, một trong những vấn đề lớn đặt ra hiện nay là thực trạng thiếu hụt nguồn nhân lực.
Đại dịch Covid-19 đã tác động sâu sắc và toàn diện, làm thay đổi toàn bộ chiến lược, kế hoạch và cấu trúc của ngành Du lịch, trong đó có nguồn nhân lực du lịch. Theo thống kê của cơ quan chức năng, vào thời kỳ cao điểm của dịch Covid-19 có khoảng 95% doanh nghiệp lữ hành ngưng hoạt động; không ít doanh nghiệp bị phá sản. Thực trạng này kéo theo một lượng lớn nhân sự ngành Du lịch mất việc hoặc phải “bỏ cuộc” để tìm việc khác nhằm ổn định cuộc sống, thực sự là một hiện tượng chưa từng có tiền lệ.
Dịch bệnh không chỉ ảnh hưởng đến nguồn nhân lực của doanh nghiệp, mà còn tác động rất lớn đến các cơ sở đào tạo nhân lực du lịch. Công tác tuyển sinh ngành Du lịch đã bị giảm đi đáng kể, trong khi số lượng sinh viên ra trường trong hai năm gần đây đều gặp khó khăn khi tìm kiếm việc làm. Điều này đồng nghĩa trong vài năm tới, số lượng lao động bổ sung mới cho ngành Du lịch có nguy cơ sẽ bị thiếu hụt.
Thực trạng nêu trên là vấn đề cấp bách hiện nay, do đó cần được tính toán để có giải pháp hiệu quả bổ sung nhân lực du lịch kịp thời, giúp “ngành công nghiệp không khói” trở lại quỹ đạo phát triển.
Giải pháp trước mắt hiện nay đối với ngành Du lịch nói chung là cần rà soát lực lượng lao động, nhận diện rõ hạn chế, yếu kém, thiếu hụt về chuyên môn, nghiệp vụ của từng bộ phận, nghiên cứu nhu cầu thị trường, dự báo phát triển du lịch để tính toán nhu cầu đào tạo tập trung, đào tạo tại chỗ, bồi dưỡng nâng cao nghiệp vụ và xây dựng kế hoạch tuyển dụng, đào tạo của từng địa phương, cơ sở.
Đặc biệt, để thu hút lao động trở lại làm việc và tuyển dụng nhân sự mới, thì việc cần thiết lúc này là xây dựng hệ thống dữ liệu về lao động của doanh nghiệp, bao gồm người đã công tác tại doanh nghiệp, nhu cầu sử dụng lao động cụ thể đối với từng vị trí việc làm hiện tại và tương lai. Từ đó, có sự kết nối với người lao động để họ có thông tin về doanh nghiệp và có cơ hội tìm việc làm mới hoặc quay trở lại làm việc. Bên cạnh đó, liên kết các thông tin của doanh nghiệp với các cơ quan thông tấn, báo chí; thông tin trên mạng xã hội... để có những hỗ trợ cần thiết trong việc tuyển dụng lao động, đưa cung - cầu lao động gặp nhau.
Đối với lực lượng lao động mới tuyển dụng, doanh nghiệp du lịch cần phối hợp với cơ quan chức năng, cơ sở đào tạo để đào tạo về chuyên môn, nghiệp vụ cũng như kỹ năng nghề nghiệp nhằm nâng cao chất lượng phục vụ. Mặt khác, cần bổ sung những kiến thức, kỹ năng về phòng, chống dịch Covid-19, bảo vệ môi trường... Cùng với đó, cần bảo đảm điều kiện sống, làm việc và an toàn cho người lao động trong điều kiện “bình thường mới”.
Ở góc độ cơ sở đào tạo về du lịch, bên cạnh nâng cao chất lượng đào tạo, cần tăng cường xúc tiến hợp tác với các doanh nghiệp du lịch và khách sạn về tạo việc làm sau tốt nghiệp cho sinh viên, phù hợp với cơ cấu ngành nghề và số lượng nhân lực theo nhu cầu xã hội.
Về phía người lao động, cùng với nâng cao trình độ chuyên môn, cần tăng cường tìm kiếm cơ hội việc làm trong lĩnh vực du lịch, để ổn định cuộc sống, đóng góp vào sự phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội nói chung, ngành Du lịch nói riêng.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.