Theo dõi Báo Hànộimới trên

Vấn đề Biển Đông là của chung ASEAN

Minh Nguyên| 21/07/2012 05:48

(HNM) - Chiều 20-7, thay mặt nước Chủ tịch ASEAN luân phiên đương nhiệm, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao và Hợp tác quốc tế Campuchia Hor Namhong đã công bố "Nguyên tắc 6 điểm của ASEAN về vấn đề Biển Đông".

Đây là kết quả tham vấn giữa các ngoại trưởng ASEAN sau khi Ngoại trưởng Indonesia Marty Natalegawa thực hiện hoạt động ngoại giao con thoi gặp các ngoại trưởng ASEAN, trong đó có các cuộc gặp trực tiếp Ngoại trưởng Philippines, Việt Nam và Campuchia, để thống nhất nguyên tắc chung về vấn đề này.

Về vấn đề Biển Đông, tại Hội nghị các ngoại trưởng ASEAN lần thứ 45 và các hội nghị liên quan diễn ra tại Phnom Penh - Campuchia, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh đã bày tỏ quan ngại sâu sắc về tình hình diễn biến phức tạp xảy ra gần đây trên Biển Đông; nhấn mạnh lập trường của Chính phủ Việt Nam phản đối việc Trung Quốc phê chuẩn thành lập cái gọi là "thành phố Tam Sa" và mời thầu quốc tế 9 lô dầu khí nằm hoàn toàn trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam theo Công ước Luật Biển của Liên hợp quốc (UNCLOS) 1982. Các vụ việc này đã vi phạm nghiêm trọng quyền chủ quyền và quyền tài phán của các quốc gia ven biển đối với vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa theo quy định của UNCLOS 1982 và trái với tinh thần Tuyên bố về cách ứng xử của các bên tại Biển Đông (DOC), gây phương hại đến hòa bình, ổn định, an ninh an toàn hàng hải ở khu vực.

 Bộ trưởng Phạm Bình Minh đồng thời nhấn mạnh các nguyên tắc về tôn trọng quyền chủ quyền và quyền tài phán của các quốc gia ven biển đối với vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa theo quy định tại Công ước Luật Biển của Liên hợp quốc, giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, không sử dụng vũ lực, tôn trọng luật pháp quốc tế, nhất là UNCLOS 1982 và tinh thần DOC đồng thời, ASEAN cần thể hiện vai trò chủ đạo, trách nhiệm và tinh thần xây dựng trong xử lý các vấn đề là lợi ích chung của khu vực; tạo môi trường cho các bên liên quan giải quyết một cách hòa bình các tranh chấp.

Quan điểm của Chính phủ Việt Nam tại Hội nghị các Ngoại trưởng ASEAN lần thứ 45 và các hội nghị liên quan đã thể hiện trách nhiệm của một nước thành viên với việc duy trì hòa bình, ổn định trong khu vực. Việc các ngoại trưởng ASEAN ra tuyên bố "Nguyên tắc 6 điểm của ASEAN về vấn đề Biển Đông" khẳng định tiếng nói chung của ASEAN về vấn đề có tầm quan trọng đặc biệt trong bối cảnh quốc tế hiện nay. Và qua việc ra tuyên bố, có thể nhận thấy:

Thứ nhất, ASEAN tiếp tục duy trì đoàn kết, phát huy vai trò trung tâm của mình trong các vấn đề của khu vực, trong đó có vấn đề của Biển Đông. Tuyên bố này một lần nữa khẳng định lại các nguyên tắc căn bản của ASEAN trong vấn đề Biển Đông.

Thứ hai, hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn hàng hải ở Biển Đông là quan tâm chung của các nước ASEAN, cũng như các nước trong khu vực và trên thế giới; vấn đề Biển Đông không phải chỉ là vấn đề song phương giữa một vài nước ASEAN và Trung Quốc.

Thứ ba, việc ra Tuyên bố Nguyên tắc 6 điểm của ASEAN về Biển Đông tạo cơ sở để bảo đảm các bên liên quan tôn trọng, tuân thủ trong hành xử ở Biển Đông và khẳng định các hành vi vi phạm những nguyên tắc này sẽ ảnh hưởng tới ASEAN.

Thứ tư, nỗ lực của Indonesia để tiến tới việc ra Tuyên bố chung "Nguyên tắc 6 điểm của ASEAN về vấn đề Biển Đông" là rất đáng trân trọng.

Thứ năm, Việt Nam đã có nhiều nỗ lực đóng góp tích cực trong việc duy trì đoàn kết và vai trò trung tâm của ASEAN. Lập trường của Việt Nam về vấn đề Biển Đông cũng là lập trường chung của ASEAN.

Thứ sáu, coi vấn đề Biển Đông là của chung ASEAN, các thành viên đều có trách nhiệm giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, trên cơ sở luật pháp quốc tế, nhất là UNCLOS, DOC, COC…

Việt Nam cũng như cộng đồng quốc tế hy vọng Campuchia, với vai trò Chủ tịch của ASEAN 2012, nỗ lực đóng góp cho việc đoàn kết trong ASEAN và vai trò trung tâm của ASEAN trong khu vực; thúc đẩy xây dựng một cấu trúc khu vực nhằm đóng góp hiệu quả cho các mục tiêu chung là hòa bình, ổn định và hợp tác.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Vấn đề Biển Đông là của chung ASEAN

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.