(HNM) - Trong hai ngày 21, 22-4 vừa qua, sự kiện thường niên - Diễn đàn Kinh tế mùa Xuân 2015 do Ủy ban Kinh tế Quốc hội tổ chức đã diễn ra tại Nghệ An. Nội dung chủ yếu của Diễn đàn là đánh giá thực trạng kinh tế đất nước, xác định những khiếm khuyết, những rào cản để từ đó đề ra chủ trương, chính sách tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp; đồng thời hướng đến mục tiêu tăng trưởng bền vững...
Có thể nói, có rất nhiều ý kiến tại Diễn đàn rất đáng lưu ý và trong nhiều vấn đề không dễ tìm ngay được sự đồng thuận. Tuy nhiên, giới chuyên gia kinh tế cũng có chung nhận định: Thực tế đang có không ít rào cản trong việc bảo đảm quyền tự do kinh doanh của người dân, đặc biệt là doanh nghiệp (DN).
Tại sao lại có vấn đề này khi Đảng và Nhà nước đã , đang đưa ra nhiều giải pháp khuyến khích và trợ giúp DN sản xuất, kinh doanh? Có thể nói, so với trước đây, quyền tự do kinh doanh của DN đã được mở rộng và bảo đảm hơn, tuy nhiên vẫn còn rất nhiều lực cản. Cụ thể là Luật Đầu tư, Luật DN có hiệu lực thi hành từ ngày 1-7-2015, được thừa nhận có nhiều điểm đột phá, trong đó quy định mọi người có quyền kinh doanh những gì pháp luật không cấm.
Thế nhưng, rào cản lại nằm trong một danh sách dài các luật, nghị định, thông tư khác không dễ gì bãi bỏ ngay được.
Thấy rõ nhất cho câu chuyện này là Luật Đầu tư đã xác định danh mục 267 ngành, nghề kinh doanh có điều kiện, nhưng chưa giải quyết được các vấn đề của điều kiện kinh doanh có liên quan. Hiểu đơn giản, các điều kiện kinh doanh về bản chất là rào cản gia nhập thị trường các sản phẩm, dịch vụ có liên quan. Tập hợp và đánh giá sơ bộ các quy định pháp luật về vấn đề này cho thấy: Hiện đang có quá nhiều quy định về điều kiện kinh doanh và phân tán, dàn trải trong rất nhiều văn bản. Giới chuyên gia đã rút ra "tám không" là: Không rõ ràng, không đầy đủ, không hệ thống, không hợp lý, không minh bạch, không tiên liệu trước được và không hiệu quả, không hiệu lực. Hệ lụy ra sao thì có lẽ không phải bàn nhiều.
Mặt khác là đã từ rất lâu, cộng đồng DN cả trong và ngoài nước đều cho rằng chính sách, luật pháp ở Việt Nam thường có những thay đổi bất lợi cho DN; thiếu minh bạch và khó tiên liệu. Điều này có thể do nhiều nguyên nhân, trong đó, có nguyên nhân bắt nguồn từ cách thức xây dựng luật pháp, chất lượng luật, các văn bản hướng dẫn thi hành, cách thức thực hiện luật pháp... có chuyên gia nhận định: Chính sách hiện nay còn nhiều hạn chế, thậm chí nhiều văn bản dưới luật "to" hơn cả luật. Thực tế, hằng năm, Quốc hội ban hành khoảng 20 luật, gồm cả bổ sung, sửa đổi; Chính phủ ban hành trung bình khoảng hơn 100 nghị định; Thủ tướng ban hành chưa đến 100 quyết định. Nhưng "ở dưới" thì theo thống kê những năm gần đây cho thấy, các bộ ban hành từ 600 đến 700 thông tư, quyết định của bộ trưởng. Ngoài ra, còn có văn bản UBND và HĐND cấp tỉnh. Bên cạnh đó còn có hàng nghìn văn bản điều hành mà DN khó có thể không tuân thủ nếu muốn "sống khỏe". Các cơ quan quản lý nhà nước thường dành "thuận lợi" về cho mình, đẩy "khó khăn" và rủi ro về cho DN và người dân. Vì vậy, có một thực tế đáng lo ngại là trong không ít trường hợp, người ta buộc phải lựa chọn: Không tuân thủ đúng quy định của pháp luật, "lách luật"... Hoạt động kinh doanh trở thành "phi chính thức" làm gia tăng thêm rủi ro cho DN trong hoạt động kinh doanh.
Trong phát biểu kết luận hội nghị trực tuyến về xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ nhằm đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2020 tổ chức ngày 21-4, trước thông tin thủ tục chọn nhà đầu tư vào các dự án phát triển hạ tầng hết 588 ngày, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu: Chính chúng ta đặt ra và chúng ta phải sửa. Chúng ta phải quản lý nhưng cần phải cải cách cách thức quản lý, bảo đảm thông thoáng, thuận lợi nhất cho người dân, DN...
Rõ ràng, những trăn trở của Thủ tướng cũng là trăn trở của cộng đồng DN trong suốt bao năm qua. Bởi, trong thực tế, nếu DN còn thường xuyên "than khó" khi tiếp xúc với các cơ quan công quyền thì ở đó, đòi hỏi phải có sự thay đổi. Bởi đây là điều kiện tiên quyết, phải được đặt lên hàng đầu của một nền hành chính phục vụ mà nước ta đang hướng tới.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.