Kinh tế

Hơn 400 đại biểu sẽ tham dự Diễn đàn Kinh tế - Xã hội Việt Nam 2023

Tiến Thành 17/09/2023 - 11:40

Sáng 17-9, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh chủ trì họp báo về chương trình Diễn đàn Kinh tế - Xã hội Việt Nam 2023.

hopbao1.jpg
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh chủ trì họp báo.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Nguyễn Minh Sơn cho biết, Diễn đàn Kinh tế - Xã hội Việt Nam 2023 có chủ đề “Tăng cường năng lực nội sinh, kiến tạo động lực cho tăng trưởng và phát triển bền vững” được tổ chức vào ngày 19-9-2023 tại Trung tâm hội nghị Quốc gia (Thủ đô Hà Nội) với sự tham gia của hơn 400 đại biểu. Ủy ban Kinh tế của Quốc hội chủ trì, phối hợp với Ban Kinh tế Trung ương, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam tổ chức diễn đàn.

Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ sẽ phát biểu khai mạc, bế mạc diễn đàn; Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Hội đồng Lý luận trung ương, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh Nguyễn Xuân Thắng phát biểu đề dẫn, gợi ý một số nội dung thảo luận của diễn đàn.

Trong khuôn khổ diễn đàn, sẽ có 2 phiên hội thảo chuyên đề về “Tăng cường nội lực, khơi thông nguồn lực, hỗ trợ doanh nghiệp vượt khó” và “Nâng cao năng suất lao động, bảo đảm an sinh xã hội trong bối cảnh mới” và phiên họp toàn thể.

hopbao2.jpg
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Nguyễn Minh Sơn báo cáo tại họp báo.

Diễn đàn sẽ tập trung trao đổi, thảo luận 4 nhóm nội dung.

Thứ nhất, làm rõ bối cảnh quốc tế; các căng thẳng, xung đột, xu hướng dịch chuyển địa kinh tế và thách thức mới đối với phục hồi, phát triển của kinh tế thế giới; chính sách kinh tế của các nước lớn, các đối tác thương mại chính của Việt Nam và tác động đến Việt Nam.

Thứ hai, đánh giá toàn diện, khách quan thực trạng nền kinh tế Việt Nam năm 2023 và giai đoạn 3 năm 2021-2023. Nhận diện các nút thắt, rào cản đối với sự phát triển kinh tế - xã hội, trong đó có các vấn đề của thị trường đầu vào – đầu ra, đầu tư, xuất khẩu và tiêu dùng của nền kinh tế, rào cản đối với doanh nghiệp, thị trường bất động sản, thị trường tài chính – tiền tệ...

Thứ ba, rà soát, đánh giá việc thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội, của Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong thời gian qua, đặc biệt là Nghị quyết số 43/2022/QH15 về chính sách tài khóa, chính sách tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; các nghị quyết về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023 và giai đoạn 5 năm 2021-2025 và một số nghị quyết liên quan khác…

Thứ tư, phát hiện, đề xuất các dư địa, tiềm năng phát triển; đồng thời đề xuất các giải pháp, chính sách để khơi thông nguồn lực, kiến tạo các động lực thúc đẩy tăng trưởng, phát triển kinh tế - xã hội và ứng phó với thách thức, vấn đề mới phát sinh, tận dụng cơ hội mới...

“Các ý kiến, tham luận tại diễn đàn sẽ là nguồn thông tin hữu ích cung cấp thêm luận cứ khoa học, thực tiễn để Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội thẩm tra các nội dung thuộc chức năng; là nguồn thông tin đầu vào quan trọng để đại biểu Quốc hội xem xét, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước tại kỳ họp thứ sáu, Quốc hội khoá XV sắp tới”, ông Nguyễn Minh Sơn nói.

hopbao3.jpg
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh trao đổi thông tin tại họp báo.

Thông tin thêm về nội dung diễn đàn, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh cho biết, sau hơn 2 năm chịu tác động của đại dịch Covid-19, trong nội tại nền kinh tế đang tồn tại một số điểm nghẽn. Một số động lực tăng trưởng có dấu hiệu chậm lại, cả về đầu tư, xuất khẩu, tiêu dùng trong nước... Trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, phải kiến tạo những động lực mới, đồng thời đưa ra các đề xuất để giải quyết triệt để những vấn đề nói trên, từ đó có động lực tăng trưởng mới và phát triển bền vững.

Diễn đàn sẽ khái quát, đánh giá bối cảnh tình hình quốc tế, khu vực thời gian qua, đưa ra những dự báo về tác động của các vấn đề trên trong thời gian tới, từ đó có biện pháp, chính sách phù hợp để thích ứng với bối cảnh kinh tế thế giới, khu vực. Ở trong nước, phải đánh giá lại những biện pháp, giải pháp đặt ra không chỉ cho năm 2023, mà còn cho cả kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội giai đoạn 2021-2025.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Hơn 400 đại biểu sẽ tham dự Diễn đàn Kinh tế - Xã hội Việt Nam 2023

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.