(HNM) - Không ngừng
Không kể ngân hàng lớn hay nhỏ, những khoản nợ xấu đều tăng dần theo thời gian và Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng (VAMC) không phải là "cây đũa thần" khi xử lý các khoản nợ này…
Ngân hàng TMCP Ngoại thương (Vietcombank) sẽ phải trích lập dự phòng rủi ro. Ảnh: Trần Việt |
Những con số mới được công bố về hai ngân hàng thuộc vào nhóm "đại gia" đang "cõng" món nợ xấu lớn đã khiến không ít người lo ngại. Nợ xấu được coi như "cục máu đông" của nền kinh tế đang gây ảnh hưởng xấu tới hầu hết các ngành nghề. Theo thông tin của VietinBank, tăng trưởng tín dụng của ngân hàng này mới chỉ đạt 0,4%, sau khi tăng trưởng âm, hoạt động đầu tư chứng khoán cũng lỗ thuần hơn 130 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm trước lãi gần 120 tỷ đồng. Đáng chú ý, tỷ lệ nợ xấu của VietinBank tăng từ 1,8% lên 2,53%, do đó chi phí trích lập dự phòng của ngân hàng này tăng 35%.
Cùng cảnh với VietinBank, Ngân hàng TMCP Ngoại thương (Vietcombank) vừa công bố báo cáo tài chính hợp nhất. Theo đó, lợi nhuận trước thuế của ngân hàng này đạt 2.800 tỷ đồng, tăng 9,3%; lợi nhuận sau thuế đạt 2.230 tỷ đồng, tăng 12,5%. Song, ngân hàng này cũng phải đối diện với một khoản nợ xấu là hơn 9.000 tỷ đồng, chiếm 3,09% tổng dư nợ; trong đó, nợ có khả năng mất vốn là 4.765 tỷ đồng, tăng gần 71% so với cùng thời điểm này năm ngoái. Nếu nợ xấu nằm trong nhóm có khả năng mất vốn, Vietcombank sẽ phải trích lập dự phòng rủi ro 100%, nhưng ngân hàng này mới trích lập hơn 2.400 tỷ đồng.
Không chỉ những ngân hàng lớn như VietinBank, Vietcombank nhiều ngân hàng có quy mô nhỏ hơn cũng phải còng lưng "cõng" các khoản nợ xấu. Trong một buổi họp báo do Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tổ chức cuối tháng 8, Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng cho biết, tính đến cuối tháng 6, tỷ lệ nợ xấu của toàn hệ thống là 4,17%, cao hơn mức 4,07% vào cuối tháng 5 và mức 3,61% cuối năm 2013. Nguyên nhân khiến nợ xấu gia tăng là do hoạt động sản xuất, kinh doanh của DN vẫn còn khó khăn, nên nhiều DN không có khả năng trả nợ khi tới hạn. Thêm vào đó, thực hiện Thông tư 09/ 2014/TT-NHNN về việc phân loại dự phòng rủi ro và phân loại nợ, các TCTD phải thực hiện quy trình cơ cấu lại, phân loại nợ với phạm vi rộng hơn. Cụ thể, theo quy định cũ, các TCTD chỉ đánh giá nợ xấu tính trên dư nợ cho vay, nhưng theo quy định mới, với khoản đầu tư vào trái phiếu DN cũng phải xếp hạng nợ, vì thế nợ xấu gia tăng.
Nợ xấu không ngừng tăng cao, trong khi VAMC mới chỉ xử lý được khoảng 55.000 tỷ đồng khiến nhiều người băn khoăn về hiệu quả hoạt động của VAMC. Tuy nhiên, ông Nguyễn Quốc Hùng, Chủ tịch VAMC khẳng định, việc mua nợ xấu của công ty vẫn theo đúng lộ trình. VAMC không đặt mục tiêu mua nợ xấu xong sẽ bán ngay mà còn tham gia phân tích, đánh giá để hỗ trợ DN. Đơn vị nào có khả năng sản xuất, kinh doanh để trả nợ sẽ được xem xét điều chỉnh lãi suất hợp lý hoặc tiếp tục cho vay vốn để tìm nguồn tiền trả nợ. Với DN không có khả năng hồi phục, công ty sẽ xử lý. Phó Thống đốc Nguyễn Thị Hồng thừa nhận, số tiền nợ xấu mà VAMC mua được vẫn quá ít so với tổng số nợ xấu của hệ thống ngân hàng, nhưng VAMC không phải là "cây đũa thần", hơn nữa do ngân sách cấp vốn cho VAMC có hạn, nên việc xử lý nợ xấu qua VAMC cũng chỉ là một trong nhiều giải pháp. Cách thức xử lý nợ xấu như VAMC là phù hợp, tạo điều kiện cho các TCTD tiếp tục cho vay, giảm lãi suất cho vay, qua đó góp phần đáng kể hỗ trợ DN phục hồi sản xuất, kinh doanh.
Thời gian tới, NHNN tiếp tục đẩy nhanh quá trình xử lý nợ xấu, chỉ đạo các TCTD tăng cường trích lập dự phòng rủi ro và sử dụng dự phòng rủi ro để xử lý nợ xấu. NHNN cũng đang phối hợp với các bộ, ngành chức năng để rà soát lại những vướng mắc tại Nghị định 53/CP về xử lý nợ xấu của Chính phủ, để sửa đổi, tháo gỡ khó khăn trong quá trình xử lý nợ xấu.
Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng: Trong 8 tháng NHNN đã chỉ đạo các TCTD tăng cường trích lập dự phòng rủi ro và sử dụng dự phòng rủi ro để xử lý nợ xấu; các TCTD cũng tích cực xử lý nợ xấu. Các TCTD đã xử lý được khoảng 33.000 tỷ đồng nợ xấu với việc thu nợ từ khách hàng, bán phát mại tài sản bảo đảm của các khoản nợ và xử lý bằng nguồn dự phòng rủi ro. Còn đối với VAMC, từ tháng 10-2013 đến nay, VAMC đã mua khoảng 55.000 tỷ đồng nợ xấu, dự kiến hết năm 2014 sẽ mua khoảng 70.000 - 100.000 tỷ đồng. |
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.