(HNM) - Quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong các cơ quan thuộc TP Hà Nội đã được đưa vào áp dụng hơn nửa năm nay nhưng một số vụ việc xảy ra gần đây liên quan đến lãnh đạo chính quyền cơ sở khiến nhiều người dân băn khoăn, bức xúc.
Hướng dẫn người dân làm thủ tục hành chính tại bộ phận “một cửa” quận Thanh Xuân (Hà Nội). Ảnh: Viết Thành |
Ông Nguyễn Thế Tiệm (Khu tập thể Thanh Xuân Nam, Thanh Xuân): Cần “cải cách” cả con người
Nói về ứng xử của cán bộ, công chức ở cơ quan hành chính, tôi thực sự tâm đắc trước phát biểu của đồng chí Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải tại buổi làm việc với Cục Thuế Hà Nội ngày 1-8-2017. Thời gian qua chúng ta đã và đang đẩy mạnh cải cách hành chính trên nhiều lĩnh vực, giảm nhiều thủ tục, quy định, giấy tờ gây phiền hà cho người dân. Thế nhưng, như đồng chí Bí thư Thành ủy Hà Nội nói: “đâu đó vẫn còn tiếng kêu ca, phàn nàn. Chúng ta phải khắc phục được điều đó, đặc biệt là chất lượng cán bộ”. Tôi rất tâm đắc với phát biểu đó và cho rằng “cải cách” con người cũng là điều cần làm đối với nhiều ngành, cơ quan hành chính. Chúng ta không chỉ quan tâm đào tạo đội ngũ cán bộ tinh thông nghiệp vụ, mà còn đòi hỏi họ cần có những hành vi ứng xử văn minh, thân thiện khi tiếp xúc, làm việc với người dân.
Anh Nguyễn Thế Nghĩa (huyện Đông Anh): Lãnh đạo phải làm gương
Tháng 1-2017, TP Hà Nội chính thức ban hành Quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong các cơ quan thuộc TP Hà Nội. Mục đích của quy tắc nhằm xây dựng nền hành chính chuyên nghiệp; xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động Thủ đô ý thức làm việc “Kỷ cương - Trách nhiệm - Tận tình - Thân thiện”. Tiếp đó, đầu tháng 2-2017, UBND TP Hà Nội ban hành Chỉ thị số 01/CT-UBND về việc tổ chức thực hiện “Năm kỷ cương hành chính 2017”, cùng với tăng cường cải cách hành chính theo hướng đơn giản hóa, minh bạch, rút gọn đầu mối và rút ngắn thời gian giải quyết… Vừa qua có hai sự việc liên quan đến những cán bộ cấp quận và phường trong giao tiếp ứng xử với nhân dân, giải quyết thủ tục hành chính đã khiến dư luận “dậy sóng”. Khoan nói đến tiêu cực, nhưng rõ ràng các cán bộ này chưa thực hiện tốt quy tắc ứng xử ở cơ quan, nơi công cộng và chưa thực hiện nghiêm các quy định của "Năm kỷ cương hành chính". Bài học sâu sắc là người cán bộ, công chức luôn phải ứng xử văn minh tại cơ quan và nơi cộng cộng, trong đó người lãnh đạo càng cần phải gương mẫu.
Chị Trần Thị Hoa (quận Đống Đa): Cần bố trí, sắp xếp nhân sự phù hợp
Để nâng cao ứng xử văn minh tại cơ quan chính quyền, trước hết người cán bộ cần thực hiện nghiêm túc giờ giấc hành chính. Cán bộ trực có mặt đúng giờ, kịp thời giải quyết công việc phát sinh trong ngày. Nếu bận, phải báo cáo cấp trên bố trí người trực thay thế. Bố trí cán bộ tiếp dân là người vững chuyên môn, thái độ cư xử nhã nhặn, đúng mực và có kinh nghiệm, nhạy cảm, linh hoạt khi giải quyết những vấn đề liên quan đến việc “đại sự” của nhân dân. Khi được góp ý, nên thể hiện thái độ cầu thị lắng nghe, đừng vội đôi co sẽ dẫn đến “cả giận mất khôn”, để lại hệ lụy nặng nề. Nếu xảy ra vụ việc, cần tiến hành điều tra, xác minh rõ, có mức xử lý nghiêm minh để làm bài học răn đe giáo dục, tránh cách xử lý “giơ cao đánh khẽ”, sẽ tạo tiền lệ xấu, gây mất niềm tin của nhân dân.
Bà Nguyễn Thanh Hải (Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam): Cốt lõi vẫn là yếu tố con người
Kết quả thực hiện cải cách hành chính thời gian qua đã giảm được nhiều quy định, yêu cầu không cần thiết, thời gian trả kết quả thủ tục hành chính cũng giảm rõ rệt. Nỗ lực ấy được ghi nhận khi người dân đã bớt phàn nàn về thái độ phục vụ của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trong quy trình giải quyết thủ tục hành chính. Tuy nhiên, ở một số lĩnh vực thủ tục hành chính vẫn còn rườm rà, việc triển khai dịch vụ công ở nhiều nơi còn mang tính hình thức, chưa thực sự vì lợi ích của người dân, doanh nghiệp. Tôi cho rằng, đối với các cơ quan hành chính, điều quan trọng nhất là không được “đùn đẩy” trách nhiệm, ngại khó, mà phải tạo thuận lợi nhất cho người dân, tổ chức, doanh nghiệp trong giải quyết thủ tục hành chính. Vấn đề cốt lõi vẫn là yếu tố con người, là công tác cán bộ. Cán bộ, công chức, viên chức phải thực sự là “công bộc” của dân, tâm huyết, tận tụy phục vụ nhân dân. Các bộ, ngành, địa phương cũng cần tăng cường thanh tra, kiểm tra công vụ; xử lý nghiêm cá nhân, đơn vị cố ý làm trái các quy định của pháp luật, gây khó khăn cho công dân, tổ chức...
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.