(HNMO) - Ngày 14-8 vừa qua, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 91/2020/NĐ-CP (thay thế Nghị định số 90/2008/NĐ-CP ngày 13-8-2008 và Nghị định số 77/2012/NĐ-CP ngày 5-10-2012) về chống tin nhắn rác, thư điện tử rác, cuộc gọi rác. Đáng chú ý, nghị định mới quy định các doanh nghiệp phải ngăn chặn rác viễn thông bằng công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI), dữ liệu lớn (big data)... để bảo vệ quyền lợi của khách hàng.
Lập danh sách thuê bao từ chối nhận quảng cáo
Ông Nguyễn Khắc Lịch, Phó Cục trưởng Cục An toàn thông tin (Bộ Thông tin và Truyền thông) cho biết, Nghị định số 91/2020/NĐ-CP về chống tin nhắn rác, thư điện tử rác, cuộc gọi rác đã đưa ra định nghĩa mới và biện pháp mới để xử lý dứt điểm vấn nạn này.
Theo Nghị định, tin nhắn rác là tin nhắn quảng cáo mà không được sự đồng ý trước của người sử dụng hoặc tin nhắn quảng cáo vi phạm các quy định về gửi tin nhắn quảng cáo tại nghị định này.
Đồng thời, lần đầu tiên, cuộc gọi rác cũng được định nghĩa rõ, đó là cuộc gọi quảng cáo mà không được sự đồng ý của người sử dụng hoặc gọi điện thoại quảng cáo vi phạm các quy định.
Ông Lịch giải thích thêm, mọi cuộc gọi, tin nhắn quảng cáo phải có đầy đủ thông tin về người thực hiện (gồm tên, địa chỉ) và được giới thiệu trước khi cung cấp nội dung quảng cáo. Nếu thuê bao từ chối hoặc không trả lời, đơn vị quảng cáo không được phép thực hiện. Việc quy định rõ giúp triển khai các biện pháp ngăn chặn tin nhắn rác, cuộc gọi rác thuận lợi, đồng bộ hơn.
Ngoài ra, Cục An toàn thông tin đang chủ trì xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu các thuê bao từ chối nhận quảng cáo (DNC) bằng cách các thuê bao đăng ký qua tin nhắn gửi về đầu số 5656. Khi số điện thoại đã đăng ký vào danh sách này, doanh nghiệp viễn thông, quảng cáo cũng sẽ không được gửi tin nhắn hay gọi điện thoại quảng cáo đến số thuê bao này.
Tương tự, danh sách địa chỉ IP/dải IP (IP Blacklist) phát tán thư điện tử rác sẽ được xây dựng để làm cơ sở dữ liệu chung nhằm hạn chế việc phát tán thư điện tử rác.
Áp dụng công nghệ tiên tiến chặn rác viễn thông
Trước đó, từ ngày 1-6-2020, các nhà mạng: Viettel, VinaPhone, MobiFone đã ngừng phát hành sim mới trên kênh phân phối (đại lý, điểm bán); dừng quyền đấu nối thuê bao của các đại lý ủy quyền, thay vào đó nhà mạng sẽ trực tiếp nhận đăng ký thông tin thuê bao mới.
Từ ngày 1-7-2020, lần lượt các nhà mạng: Viettel, MobiFone, VinaPhone thực hiện biện pháp chặn cuộc gọi rác dựa trên sử dụng các công nghệ phân tích dữ liệu và học máy (machine learning) để nhận diện thuê bao nghi ngờ phát tán cuộc gọi rác.
Đến ngày 10-8, VinaPhone, Viettel, MobiFone bắt đầu triển khai công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) vào nhận diện khuôn mặt để đăng ký thông tin thuê bao. Trong đó, AI nâng cao có khả năng phát hiện trường hợp làm giả ảnh chân dung, sử dụng ảnh chân dung có sẵn…
Số liệu mới nhất từ Cục Viễn thông (Bộ Thông tin và Truyền thông) cho biết, Bộ đã yêu cầu các nhà mạng xử lý (cập nhật lại thông tin, khóa hai chiều, thu hồi sim) 21 triệu sim kích hoạt sẵn. Số lượng sim kích hoạt mới trung bình hằng ngày giảm 67% so với tháng 6-2019. Với các biện pháp kỹ thuật, từ đầu năm 2020 đến nay, các nhà mạng đã chặn 158,29 triệu tin nhắn rác, tăng 122% so với cùng kỳ năm 2019.
Ông Hoàng Minh Cường, Cục trưởng Cục Viễn thông cho biết, đây là lần đầu tiên Bộ Thông tin và Truyền thông triển khai các biện pháp quản lý nhà nước có sự chung tay, thống nhất của các doanh nghiệp viễn thông lớn. Ngược lại, cơ quan quản lý cũng có hướng dẫn chung để các nhà mạng thực hiện thống nhất. Trong đó, Bộ yêu cầu nhà mạng áp dụng công nghệ để ngăn chặn triệt để các cuộc gọi giả mạo, cuộc gọi rác.
Cũng theo ông Hoàng Minh Cường, hiện cả nước có trên 125 triệu thuê bao di động trên tổng số 96 triệu dân, cho thấy việc phát triển thuê bao di động hầu như đã bão hòa và có xu hướng tiệm cận với nhu cầu thực tế của thị trường. Do vậy, đây là thời điểm các nhà mạng thay vì tập trung phát triển thuê bao thì cần chuyển sang tập trung nâng cao chất lượng phục vụ, chất lượng dịch vụ cho người dùng; triển khai các dịch vụ mới trên nền tảng di động như Mobile Money tạo dư địa phát triển cho ngành viễn thông trong bối cảnh doanh thu từ các dịch vụ truyền thống có chiều hướng bão hòa.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.